Ngày 26/5/2014, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Qua 10 năm (2014-2024) triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực tư pháp; kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở VKSND tỉnh Quảng Bình đạt nhiều kết quả tích cực; các đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi đến được quan tâm chỉ đạo giải quyết kịp thời, giảm được tình trạng đơn thư kéo dài, vượt cấp; chất lượng giải quyết đơn thư, vụ việc ngày càng được nâng cao.
Kết quả 10 năm thực hiện
Thời gian qua, tình hình đơn khiếu nại, tố cáo gửi đến VKS hai cấp tỉnh Quảng Bình tăng giảm không đồng đều qua các năm, số lượng đơn biến động tăng giảm giữa các năm không nhiều, không có tình trạng khiếu nại đông người, phức tạp làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương; Nội dung các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, thi hành án dân sự và một số lĩnh vực khác.
Việc tiếp nhận, phân loại, xử lý và giải quyết đơn ở VKSND hai cấp bảo đảm kịp thời, chính xác và đúng quy định của pháp luật, tỷ lệ giải quyết đạt 100%, không có đơn thư tồn đọng, kéo dài.
Xác định công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nói chung và trong hoạt động tư pháp nói riêng là công tác hết sức quan trọng, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; Giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.
Vì vậy, Ban Cán sự đảng VKSND tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu các cấp ủy, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, đơn vị hai cấp Kiểm sát tỉnh Quảng Bình phải xác định công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và Kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên; Phải thực hiện nghiêm việc tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; phân loại, xử lý và giải quyết đơn kịp thời, chính xác đảm bảo căn cứ pháp luật; tăng cường thực hiện chức năng kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tư pháp theo đúng quy định.
Để thực hiện đạt yêu cầu đề ra, Ban Cán sự đảng giao nhiệm vụ cho Viện trưởng VKSND tỉnh, Viện trưởng VKSND huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp công dân; tiếp nhận, xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đề nghị, kiến nghị, phản ánh, yêu cầu của công dân thuộc thẩm quyền. Ban hành, tổ chức thực hiện nội quy, quy chế của đơn vị trong việc tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với công dân theo quy định; chú trọng đề ra các biện pháp tăng cường hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, nhất là đối với giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính; kịp thời phát hiện vi phạm để kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu thực hiện các biện pháp khắc phục, xử lý theo quy định pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.
Song song với đó, phải bố trí cán bộ có phẩm chất chính trị, đạo đức, có chuyên môn nghiệp vụ tốt, có kinh nghiệm thực hiện việc tiếp công dân và tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo; chỉ đạo thực hiện hoặc phối hợp với các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ người phản ánh, tố cáo về tham nhũng, tiêu cực theo quy định. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm trong việc trả lời các kiến nghị của công dân; xử lý theo thẩm quyền, giải quyết dứt điểm, đúng quy định các vụ việc khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc phức tạp, kéo dài, đông người, dư luận xã hội quan tâm; quản lý, đôn đốc chặt chẽ, bảo đảm tiến độ, đúng quy định pháp luật đối với đơn do các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội; Đoàn Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp chuyển đến.
Hoạt động thanh tra công vụ về trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý nghiêm đối với cán bộ vi phạm phải được tăng cường. Chủ động phối hợp với các ngành tư pháp cùng cấp rà soát lại các nhiệm vụ và đã ký kết quy chế phối hợp trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp với các cơ quan tư pháp cấp tỉnh.
Hiện nay, Viện kiểm sát tỉnh đang chỉ đạo các đơn vị VKS cấp huyện phối hợp với các cơ quan tư pháp cùng cấp xây dựng quy chế phối hợp trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; Trường hợp có khó khăn, vướng mắc thì báo cáo, đề xuất cấp ủy ban hành Chỉ thị về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp tại địa phương.
Kết quả, từ 1/7/2014 đến 30/6/2024, VKSND hai cấp tỉnh Quảng Bình đã tiếp 670 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (trong đó lãnh đạo Viện tiếp 127 lượt; Lãnh đạo đơn vị tiếp 35 lượt). Không phát sinh trường hợp khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp.
Đơn vị tiếp nhận 2.904 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong hoạt động tư pháp, đã phân loại, xử lý 100%. Trong đó: Đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát là 223 đơn/145 việc, đã giải quyết xong 100%; Đơn thuộc thẩm quyền kiểm sát việc giải quyết là 2.366 ; Đơn không đủ hoặc chưa đủ điều kiện thụ lý là 315 đơn. Nhìn chung, công tác tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn chính xác, kịp thời và đúng quy định; Công tác theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thụ lý, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền và đơn thuộc trách nhiệm kiểm sát của VKSND luôn được chú trọng thường xuyên, bảo đảm việc giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đúng trình tự, thủ tục quy định.
Tuy nhiên, thực tế vẫn có tình trạng một số đơn gửi vượt cấp, gửi nhiều nơi, gửi đơn nhiều lần với cùng một nội dung, đã được hướng dẫn, giải quyết. Để giải quyết triệt để những khiếu nại, tố cáo dạng này, đơn vị đã tăng cường tổ chức đối thoại nhằm giải thích, hướng dẫn cho công dân, đến nay tình hình đơn công dân gửi đến nhiều nơi, gửi nhiều lần về cùng một nội dung đã được giảm đáng kể.
Bên cạnh đó, để phát hiện kịp thời những vi phạm, thiếu sót trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, trong kỳ VKS hai cấp đã thực hiện 98 cuộc trực tiếp kiểm sát tại các cơ quan tư pháp, đã ban hành kết luận, kiến nghị. Đồng thời, đơn vị đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp tại các đơn vị VKSND cấp huyện, đã thực hiện 13 cuộc thanh tra, kiểm tra, ban hành 13 kết luận.
Bài học kinh nghiệm.
Từ những kết quả đã đạt được, đơn vị rút ra một số bài học kinh nghiệm:
Thứ nhất, cần tăng cường chỉ đạo quán triệt các văn bản của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; Phát huy trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ trực tiếp làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Thứ hai, xác định công tác tiếp công dân, giải quyết đơn là một trong những nhiệm vụ quan trọng, có tính ảnh hưởng rất lớn đến việc điều chỉnh nhận thức pháp luật của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Vì vậy, cần phân công cán bộ có năng lực và có kĩ năng tiếp công dân, giải quyết đơn;
Thứ ba, để đảm bảo tính hiệu quả trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đòi hỏi việc giải quyết đơn phải đúng thẩm quyền và đúng trình tự, thủ tục quy định; Đối với những đơn gửi kéo dài, vượt cấp cần giải quyết dứt điểm. Đặc biệt là cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan ban, ban ngành có liên quan, nhất là các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp;
Thứ tư, chỉ đạo công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật lồng ghép trong các công tác chuyên môn nghiệp vụ nhằm giải quyết tốt những mâu thuẫn, bức xúc của công dân do kết quả giải quyết các vụ việc không đúng như mong muốn của công dân. Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tư pháp trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; thực hiện đúng các quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2018 về việc thông báo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp theo định kỳ và thông báo kết quả giải quyết đơn cho đơn vị chuyển đơn theo quy định tại Thông tư 02/2018 của Liên ngành tư pháp Trung ương về công tác phối hợp trong việc giải quyết đơn trong hoạt động tư pháp.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân và kiểm sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, Ban cán sự Đảng VKSND tỉnh Quảng Bình tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW, các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/thuc-tien-kinh-nghiem/10-nam-thuc-hien-chi-thi-35-ct-tw-cua-bo-chinh-tri-o-vksnd-tinh-quang-binh-166332.html