Người Vân Kiều ở Quảng Bình cư trú dọc theo các khe suối hay lưng chừng những quả đồi thấp hoặc trong các thung lũng màu mỡ ven dãy Trường Sơn Đông, họ sống chủ yếu nhờ làm rẫy và làm ruộng nước. Hôn nhân của người Vân Kiều theo chế độ một vợ một chồng nhưng mang bản sắc riêng.
Đôi tình nhân người Vân Kiều
Theo già làng Hồ Ai ở bản Khe Cát, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh thì trai gái đến tuổi trưởng thành thường đến tập trung ở nhà xu để sinh hoạt cộng đồng, giao lưu văn nghệ… Từ tiếng sáo kalui, hay điệu tà riêng đến những bài dân ca, trai gái đối đáp giao duyên rồi hẹn hò ở bên bờ sông, bờ suối hay ở những chiếc chòi trên rẫy, hình thức này người Vân Kiều gọi là đi sim.
Lễ rước dâu
Ngay lần hẹn hò đầu tiên, người con trai phải chuẩn bị những vật như vòng bạc, chuỗi cườm… để tặng cô gái làm vật kỷ niệm. Nếu như cô gái nhận vật đó, nghĩa là đã chấp nhận lời ước hẹn để nên duyên vợ chồng. Qua một thời gian, người con trai sẽ nhờ một người trong bản hoặc một người họ hàng có tài ăn nói làm người mai mối, để người đó nói với bố mẹ hai bên ý nguyện của họ. Khi biết tin, họ hàng hai bên gia đình ngồi lại để bàn bạc. Vì người Vân Kiều thường phải trải qua những nguyên tắc hôn nhân rất nghiêm ngặt, người trong một họ không được lấy nhau, kể cả việc yêu nhau. Ai vi phạm sẽ bị phạt nặng và bị đuổi ra khỏi làng…
Không thể thiếu chóe rượu cần
Theo vợ chồng ông Hồ Xừng ở bản Eo Bù – Chút Mút, xã Lâm Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ thì tục cưới của người Vân Kiều được tiến hành qua những lễ chính như: Sau khi hai gia đình bàn bạc và chấp thuận cho đôi bạn trẻ kết duyên thì nhà trai chính thức làm lễ bỏ của (đò văn). Lần bỏ của này được tiến hành chu đáo, nhà trai phải nộp cưới cho nhà gái nhiều vật dụng khác nhau như khăn, vải, tiền… Đồng thời với việc bỏ của chính thức này, đôi trai gái được họ hàng đôi bên biết và chấp thuận. Đến lễ hỏi (pta benl), khi chọn được ngày lành tháng tốt, ông mối và gia đình nhà trai đưa sang nhà gái lễ vật gồm lợn, gà, rượu và gạo nếp, gạo tẻ và tuỳ theo điều kiện từng gia đình mà số tiền nhiều hay ít cũng trong lễ này hai bên gia đình chọn ngày tốt để làm lễ cưới.
…… và nhảy múa
Lễ cưới (rưh penl) được tiến hành theo ngày giờ đã chọn. Tới ngày đó, gia đình nhà trai mang lễ vật sang nhà gái, theo phong tục của người Vân Kiều thì lễ cưới không thể thiếu 1 cây kiếm, 1 cái nồi đồng, 1 vòng cườm đeo cổ, 1 nén bạc trắng. Ngoài ra, nhà trai phải nộp tiền cưới cùng với các loại vật phẩm khác như lợn gà, gạo nếp, gạo tẻ… để gia đình nhà gái mở tiệc mời bà con dân bản. Khi đoàn dẫn lễ nhà trai đến thì bố, ông cậu và chú bác của cô gái xuống nhà đón và nhận lễ vật. Sau khi nhận lễ, nhà gái làm lễ cúng tổ tiên và chàng trai chính thức trở thành con rể trong nhà. Sau lễ cúng tổ tiên của nhà gái thì đoàn dẫn lễ của nhà trai mới được bước lên nhà. Tối hôm đó, đoàn nhà trai ở lại bên nhà gái, cùng ăn uống vui vẻ và chuẩn bị đón dâu vào sáng hôm sau. Nhà trai thường dẫn lễ vào ngày lẻ hôm trước để ngày hôm sau đón dâu là ngày chẵn, thường là những ngày 14, 18, 22, 26. Người Vân Kiều thường quan niệm những ngày ấy là ngày tốt, đôi bạn trẻ sẽ được mãi mãi hạnh phúc. Sáng hôm sau, đoàn nhà trai xin phép đón dâu, (lễ pưh axuôi). Khi cô gái về đến nhà, mẹ chồng bước xuống cầu thang, dắt tay cô dâu mới lên nhà. Lên đến cuối cầu thang, mẹ chồng múc một gáo nước làm “lễ rửa chân cho cô dâu” (riêu adâng kumăn). Lễ rửa chân mang hàm ý xua đi những điều xấu, cầu sự may mắn, khoẻ mạnh và thanh thản cho cô dâu khi về nhà chồng. Người con dâu mới vào nhà không được bước thẳng vào cửa chính gian mà phải đi vòng theo lối cửa phụ đến cạnh bếp lửa để người mẹ chồng làm “lễ bắc bếp” (mưchut kơpet) nhằm thông báo với Giàng Bếp (thần bếp lửa) nhà có con dâu mới, đồng thời đó còn là sự chuyển giao công việc gia đình cũng như việc nội trợ, bếp núc từ mẹ chồng cho con dâu mới. Trước đó, nhà trai đã làm sẵn một mâm cỗ gồm 1 gà trống, 1 gà mái, 1 mâm xôi, 1 chai rượu để làm lễ cúng tổ tiên…
Một nghi thức trong lễ cưới
Về sống với gia đình nhà chồng, người con gái trở thành người của dòng họ nhà chồng. Tuy nhiên, người con gái chỉ được công nhận là thành viên của nhà chồng khi đã tiến hành “lễ khơi”. Đối với người Vân Kiều, sau lễ cưới lần thứ nhất, khi đôi vợ chồng có điều kiện về kinh tế thì làm lễ cưới lần hai gọi là lễ khơi (koil), khi đó người vợ mới được coi là thành viên trong gia đình nhà chồng. Đây là nghi lễ bắt buộc trong hôn nhân của người Vân Kiều. Do hoàn cảnh của từng gia đình nên lễ khơi không bắt buộc về thời gian và nghi thức tổ chức lễ.
Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội” nên ngày nay đời sống văn hoá của người Vân Kiều đang có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều nhân tố mới đã và đang xuất hiện trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình của người Vân Kiều góp phần tạo nên một diện mạo mới trong đời sống văn hoá của tộc người này.
Tổng hợp