Là vùng đất giao thoa của nhiều nền văn hóa, nét văn hóa ở vùng đất Quảng Bình rất phong phú và đa dạng. Đời sống của đồng bào dân tộc Quảng Bình Chính vì vậy cũng thú vị không kém với những nét văn hóa riêng
Sáo Khui trong đời sống của người Bru-Vân Kiều
Sáo Khui – loại sáo thường để diễn tả, biểu đạt nhân tình thế thái về quan hệ xã hội, dòng tộc, làng bản. Qua sáo Khui người ta giãi bày nhiều điều thầm kín trong lòng mà chỉ có cuộc giao lưu đó mới biểu đạt được một cách thấu đáo cái lý và cái tình.
Sáo Khui được làm từ nứa lồ ô lấy tận trong rừng sâu. Để có được một chiếc Sáo Khui như ý mất rất nhiều công đoạn. Công đoạn tìm và chặt nứa rất quan trọng. Đầu tiên phải lùng tìm cho được những cây nứa già có ống dài, thân lại không quá dày để âm thanh phát ra được hay. Thứ hai, khi nhắm thấy cây có thể dùng để làm sáo thì phải đợi chọn ngày, thường là ngày trăng sáng (15 – 16) trong tháng để chặt cây. Thứ ba, trước khi chặt những người này phải hò một bài – với quan niệm là hò như vậy khi làm ra sáo sẽ có âm thanh hay hơn…
Khi chặt nứa về, người ta gọt và đem phơi trên bếp lửa 1 đến 2 tháng, sau đó dùng dùi sắt nung đỏ để khoét lỗ, đây là một trong những thao tác khó vì nó cũng góp phần tạo nên âm thanh chuẩn.
Lúc đầu sáo Khui chỉ dành riêng cho các bậc trung niên sử dụng bởi lẽ đến mùa lúa chín họ phải lên rẫy để trông, ngồi buồn nhiều khi mưa rả rích không biết làm gì họ đã tìm những ống nứa khoét lỗ thổi cho vui. Càng về sau họ càng phát hiện thấy âm thanh phát ra hay lại vang xa, đỡ buồn, người ở bên rẫy này có thể thổi tâm sự với người ở bên rẫy kia và ngược lại… vì thế họ truyện trò với nhau bằng tiếng sáo. Cũng từ đó sáo Khui ra đời và trở nên phổ biến, nó tồn tại với đời sống sinh hoạt văn hóa của người dân tộc Vân Kiều.
Với sáo Khui, việc sử dụng nó cũng phải tùy vào hoàn cảnh. Trong lễ Ra Pựt, với điệu Xa Nớt con cháu được nghe kể lại những truyền thống của ông bà tổ tiên dòng họ mình, đồng thời nói rõ tình cảm gắn bó máu thịt giữa anh chị em trong dòng họ nội ngoại (còn gọi là khơi cù za). Còn với đám cưới, sáo Khui khi cất lên cùng làn điệu Xa Nót lại để gia đình hai bên dặn dò con cái của mình. Đó là phải yêu thương đùm bọc, bảo ban nhau trong cuộc sống, ăn ở với nhau đến đầu bạc răng long… chính vì những lẽ đó mà đối với người Vân Kiều, tiếng sáo Khui rất thiêng liêng và hệ trọng.
Trong các gia đình, dòng họ có xảy ra xích mích, khi tiếng sáo này cất lên cùng với những điệu Xa Nớt của những bậc cao niên trong làng, bản thì coi như mọi mâu thuẫn đó được tháo gỡ, giải hòa.
Thêm một nét độc đáo nữa của sáo Khui đó là khi người thổi sao tìm được cho mình những bạn hát đối đáp tốt thì họ có thể ngồi lại chơi với nhau, hát đáp mấy ngày liền không chán.
Có thể nói rằng loại nhạc cụ này đã trở thành nét văn hoá đặc trưng của người Vân Kiều. Tuy nhiên trên thực tế ngày nay đã không còn nhiều người biết sử dụng loại nhạc cụ này và đó cũng nỗi lo của những vị già làng, của những nghệ nhân cao tuổi.
Giữ gìn nét văn hóa người Vân Kiều qua nếp nhà sàn
Theo quan niệm của người Vân Kiều, không gian lý tưởng nhất để dựng nhà là mặt chính diện hướng về các con suối, lưng tựa vào quả đồi tạo thành thế án ngữ. Đồng bào rất kiêng làm nhà ngoảnh mặt về hướng tây. Bởi họ cho rằng đây là hướng có nhiều ma quỷ, chỉ hợp với việc chôn cất người đã khuất. Nếu làm nhà theo hướng này, các thành viên trong gia đình sẽ dễ bị đau ốm, bệnh tật. Khi chọn đất làm nhà, gia chủ phải lấy tám hạt gạo, tượng trưng cho tám chiếc cột bỏ vào một ống tre rồi chôn vào địa điểm được lựa chọn. Sau ba ngày, nếu những hạt gạo đó còn nguyên vẹn thì đây chính là mảnh đất phù hợp. Bằng không, bà con phải cất công tìm kiếm địa điểm khác sao cho phù hợp với không gian và được sự đồng ý của thần linh.
Sau khi tìm được mảnh đất ưng ý, người Vân Kiều vào rừng chọn gỗ. Ngoài việc xin phép chủ làng, gia đình còn phải cúng tế thần rừng và cam kết không xâm phạm rừng ma. Trong lúc đốn gỗ, bà con không dùng những cây bị vướng lại. Họ cho rằng ma quỷ đã cố ý làm cây bị vướng và thứ gỗ đó phải ở lại với rừng.
Theo quan niệm có từ ngàn đời, trong các cột nhà, cây cột cái (còn gọi là cột thờ ma – Tatali) có vị trí quan trọng và cần được chọn lựa kỹ nhất. Muốn có cây gỗ như ý, người Vân Kiều chặt một nhát rìu vào thân cây, rồi để nguyên rìu ở đó. Sáng mai, khi mọi người vào rừng, thấy rìu rơi ra, nghĩa là giàng không đồng ý. Một nét phong tục khác là khi gặp cây gỗ to trong rừng, tối đến, người Vân Kiều sẽ xin thần linh báo mộng. Nếu có giấc mơ tốt thì ngay ngày mai họ sẽ chặt cây gỗ đó. Người Vân Kiều rất chú ý đến việc chọn ngày dựng nhà. Thường là vào các ngày 5, 6, 8, 15, 16, 25, 26, 28 trong tháng. Tuy nhiên, bà con cũng nhắc nhủ nhau không nên dựng nhà trong ba tháng lek, oong và ut. Theo quan niệm từ xưa, tháng lek là tháng đầu năm – thời điểm tổ chức nhiều lễ hội; tháng oong là tháng cuối năm – quảng thời gian dành cho việc nghỉ ngơi sau mùa vụ; tháng ut thường có thời tiết xấu. Nếu làm nhà trong ba tháng đó, gia đình sẽ hay lục đục.
Nhà sàn truyền thống của người Vân Kiều thường có 3 thế hệ cùng chung sống. Phần lớn nhà được dựng theo lối kiến trúc 4 vài, 3 gian. Buồng luôn nằm ở phía bên tả, là nơi sinh hoạt của vợ chồng và con nhỏ, được nối với hai gian ngoài bằng cửa phụ. Gian giữa là nơi nghỉ ngơi của con cái đã trưởng thành và tiếp đón khách. Gian bên hữu dành cho ông bà.
Nguyên liệu chủ yếu để làm nhà sàn là gỗ, mây, tre, nứa, lá tranh… Nhà sàn được kết cấu bởi bộ khung áp vào 8 cột gỗ chịu lực. Cột cái là cây cột đầu tiên được dựng lên và không thay đổi vị trí trong suốt thời gian ngôi nhà tồn tại. Kết cấu kèo luôn tuân theo các con số chẵn 4, 6, 8.
Bắt tay dựng nhà, người Vân Kiều bao giờ cũng phải dựng 2 vài giữa trước, tiếp đến mới là vài ở 2 đầu. Mỗi vài như vậy sử dụng cặp kèo đôi, áp vào hai đầu cột. Công đoạn tiếp theo đó là lợp mái bằng tranh hoặc mây. Sau đó, bà con mới tập trung hoàn thiện ngôi nhà với trần thượng, sàn, cửa, phên liếp…
Trên nóc, người Vân Kiều thường trang trí một cặp sừng trâu châu vào nhau, gọi là Tăng-coi-đung với ý nghĩa khẳng định thế vững chãi của ngôi nhà trước thiên nhiên và báo hiệu gia chủ đã hoàn tất thủ tục cúng trâu trước linh hồn người đã khuất cũng như các thần linh cai quản.
Trong quá trình dựng nhà, gia đình tránh gây mâu thuẫn với thợ dù đó là người trong hay ngoài dòng tộc. Bởi đồng bào rất sợ bị thợ “làm phép” đóng đinh vào cột cái hay yểm bùa lên đầu kèo…
Khi nhà đã hoàn thành và chuẩn bị chuyển lên ở, người Vân Kiều thực hiện đầy đủ các nghi lễ bắt buộc như: chọn ngày giờ cúng ma nhà mới, tạ ơn giàng, trình báo với gia tiên, cảm ơn dân làng đã giúp đỡ gia đình trong thời gian dựng nhà… Phần lễ này bắt buộc phải có chủ làng và trưởng họ đến dự.
Tục “đi sim” độc đáo của người Bru – Vân Kiều
Đi sim là cách đi tìm người yêu của con trai, con gái người Bru – Vân Kiều. Để đến với nhau, các chàng trai, cô gái thường dùng những điệu hát Tào ải đắm say lòng người: “Ðôi ta lớn lên bên nhau, ngày ngày lên rẫy làm nương, bây giờ đã bén duyên nhau, hẹn đến mùa trăng sáng ta về chung một nhà”.
Bao đời nay tục đi sim của người Bru – Vân Kiều ở Quảng Bình vẫn được lưu truyền bằng hình thức hát đối đáp. Đó là những điệu hát giao duyên như: Cha-chấp, Oát và Xa-nớt. Già Hưng lý giải, điệu Cha-chấp là loại hình đối đáp dành cho những cặp nam nữ trong những buổi hẹn hò đầu tiên. Với nhạc điệu ấm áp và ca từ trữ tình, họ hát không phải để thử tài mà chỉ để bày tỏ nỗi lòng, thông tin cho nhau thân phận, hoàn cảnh và cảm nhận của mình về đối tượng.
Bước qua giai đoạn bỡ ngỡ, họ dần trở nên thân thuộc và lúc ấy tình cảm cũng trở nên thắm thiết, thân mật hơn. Và lúc đó, chính làn điệu Oát đã giúp đôi bạn trẻ xích lại gần nhau. Tình yêu của họ lớn dần lên qua những lời ca trữ tình, điệu hát ví von. Những câu hát Oát như trở thành người mai mối dẫn dắt họ tìm đến bên nhau.
Bóng em lấp lánh như sao mới mọc
Dáng em lấp lánh như vầng trăng đêm mười sáu
Ta đi tìm em, em ơi!
Tình em vời vợi như trăng đêm mười bảy
Ta đang lần tìm đến người, người ơi!
Và để đáp lại tình cảm ấy, người con gái cũng thổ lộ nỗi lòng của mình bằng những giọng hát tình tứ, e ấp nhưng không kém phần cháy bỏng:
Nàng ra đi đã tới gần chòm núi
Anh ơi sao anh vẫn chưa ngủ
Anh cứ Oát hoài
Trên các chòi lúa rẫy
Anh có biết không?
Em ở chòi bên này chưa ngủ đợi anh
Muốn thổi kèn Amam nhưng lại thiếu một người
Kèn Amam không thổi một người
Em biết thương ai bây giờ ngoài anh.
Em biết thương ai bây giờ ngoài anh. Điệu Xà-nớt là làn điệu dân ca để bày tỏ lòng mong ước kết đôi của hai người yêu nhau. Đó cũng là niềm khát khao yêu đương cháy bỏng trong lòng mình, và như để thấy trong mỗi con người không thể thiếu được người mình yêu dấu trong đời.
Đi kèm với những làn điệu dân ca là những nhạc cụ truyền thống tiêu biểu như kèn amam. Kèn amam đi kèm với làn điệu Cha-chấp. Trong những lần đi sim và hát giao duyên, con gái là người giữ kèn amam. Đây là loại kèn phải có hai người thổi và hát lên làn điệu Chahấp để trao đổi tình cảm, giọng kèn trầm và âm vang. Ngoài ra, còn có kèn tariền. Loại kèn này được làm bằng ống trúc, có dùi năm lỗ tạo ra âm thanh trầm bổng. Kèn tariền dành cho các chàng trai thổi ở các nhà xu để thổ lộ tâm tình với các bạn gái.
Đi sim là một tập tục, tập quán có từ lâu đời, là nét đẹp văn hóa, là khát vọng tự do yêu đương của nam nữ thanh niên dân tộc Vân Kiều ở miền núi Quảng Bình.
Văn hóa ẩm thực ngày xuân của người Arem
Trước đây, nguồn lương thực chủ yếu của họ là tinh bột từ các loại lúa tẻ, gạo nếp; hay bột nhúc chế biến từ các cây thuộc họ bẹ. Ngoài ra, người Arem còn trồng sắn, lấy củ chế biến thành bột, làm thức ăn, làm bánh. Nạo sắn trộn với bột ngô để làm pồi.
Trong những ngày Tết, đồng bào làm bánh chưng, bánh đòn được gói như người miền xuôi.
Đối với người Arem, bánh rùa cũng là một trong những loại bánh được đồng bào gói bằng gạo nếp sử dụng trong ngày Tết, hình thù chiếc bánh giống mai rùa. Để làm phong phú thêm hương vị ngày Tết, đồng bào còn làm thêm một số loại bánh ro, bánh vọc với nhân thịt và lạc để làm quà cho trẻ em.
Trong những ngày Tết, ngoài món bánh người Arem còn chế biến một số loại rượu, như: rượu đoác, rượu ngô làm rượu cần. Phương thức chế biến, gồm: ủ, chưng cất từ gạo, nếp, ngô, sắn, cây đoác với một số lá, rể cây để tạo men. Ngoài ra, người Arem còn làm rượu cần từ nguyên liệu cơm nếp hoặc gạo tẻ trộn với vỏ trấu bỏ vào chum, hũ; thêm vào ít củ riềng để có vị đắng.
Người Arem luôn thành kính với thần núi, thần sông, thần lúa nên trong ngày Tết họ còn tổ chức các bữa tiệc để cúng Giàng. Tuy rất đơn giản nhưng đó là tất cả những gì mà họ bày tỏ với thế giới thần linh, cầu mong cho gia đình yên ổn. Lễ cúng thường có gà, xôi, thức ăn đặt trên lá chuối.
Ngoài ra, họ còn làm thêm món canh từ mít non; cà nấu với tôm, cá, ốc, thịt để ăn trong ngày Tết. Món xào được làm từ măng rừng; có thể luộc, xào với tôm, cá do họ xúc được ở sông suối. Người Arem còn đưa củ rừng như củ mài, củ nâu làm thức ăn trong những dịp lễ trọng.
Tuy vậy, hiện nay một số tập tục cũ của người Arem đã bị xóa bỏ. Các món ăn truyền thống bị biến đổi về cách thức chế biến, thành phần nguyên liệu.
Mùa xuân sắp về trên bản làng của người Arem, đồng bào đang náo nức đón một năm mới vui tươi, phấn khởi. Việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có văn hóa ẩm thực của người Arem là một việc cần làm.
Lễ buộc chỉ tay của tộc người Khùa
Lễ buộc chỉ tay của đồng bào Khùa ở Dân Hóa thường tổ chức rộ nhất là trong khoảng thời gian từ mồng 4 Tết đến trước Rằm tháng giêng. Vì đây là thời điểm ngô lúa trên nương đã thu hoạch xong, là thời gian nghỉ ngơi giữa một chu kỳ sản xuất trước khi chuẩn bị bước vào vụ sản xuất mới
Lễ buộc chỉ tay được tổ chức ở nhà Tộc trưởng mỗi năm một lần được gọi là tiểu lễ, còn ba năm một lần gọi là đại lễ. Mục đích của lễ buộc chỉ tay là để kết nối linh hồn của những người đã khuất của dòng tộc với những người đang sống và sự đoàn kết, gắn bó giữa những người đang sống, hướng đến vong linh của những người đã khuất, cầu mong ông bà tổ tiên ban phước lành cho con cháu, cầu mong sự bình yên, sức khỏe, mùa màng bội thu… Mâm lễ cúng được chủ nhà chuẩn bị từ sáng sớm gồm các lễ vật: Ở chính giữa mâm là một cây nến được làm bằng sáp ong cao độ 2 gang tay, bao quanh cây nến là những lá trầu được kết thành hình chóp nón, gần đỉnh chóp cắm các bông hoa mào là màu đỏ, phía dưới đặt hai tấm vải màu trắng dùng để may váy cho đàn ông, hai tấm vải sọc đen trắng dùng may váy cho phụ nữ và cuộn chỉ sợi thô tự dệt; trên mâm lễ còn đặt các sản vật khác như: Bánh nếp hình chóp cuộn trong lá chuối, xôi nếp, thịt gà luộc, hoa quả, tiền đi lễ của các thành viên trong dòng họ. Phía dưới mâm lễ chính có một chiếc đĩa dùng để đặt các lễ vật cho thầy cúng, gồm một quả trứng gà luộc, hai chiếc bánh nếp hình chóp nhọn, một cuộn chỉ buộc và một chén rượu cần.
ngoài những người trong họ tộc, những người láng giềng hoặc khách ở xa thân thiết tâm đầu ý hợp với chủ nhà đến chung vui và cũng được gia chủ buộc chỉ cổ tay kết nghĩa anh em. Tấm lòng mến khách của người Khùa đã xóa đi khoảng cách về địa lý và những khác biệt về dân tộc. Lễ cúng được tiến hành trong khoảng thời gian từ 30 – 40 phút. Trước khi làm lễ, nến được thắp sáng, tất cả thành viên của dòng họ đều đặt một tay chạm vào mâm lễ chính. Người Khùa tin rằng, ngoài linh hồn của ông bà tổ tiên, trên các bộ phận cơ thể đều có những phần hồn riêng gọi là vía. Vía của mỗi người được kết nối với trời đất và với thế giới tâm linh. Chạm tay vào mâm lễ chính là thể hiện lòng thành kính của những người đang sống với những người đã khuất và với thế giới tâm linh.
Sợi chỉ chỉ là một vật tượng trưng nhưng ẩn chứa đằng sau nó là một sức mạnh thể hiện cho sự giao ước, kết nối giữa các thế hệ, nhắc nhở mọi người về nguồn cội, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, cùng hướng đến một tương lai tươi sáng
Tổng hợp