Nhằm chia sẻ không khí Tết cổ truyền của dân tộc, Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình đã triển khai không gian trưng bày Tết xưa với những vật dụng “chỉ còn trong hoài niệm” của rất nhiều người…
Theo đó, ở khoảng không gian của bảo tàng dành được trang trí theo Tết xưa của người dân với hoa đào, hoa mai, bánh chưng cùng những đồ vật phục vụ đời sống của gia đình người dân trước và sau năm 1975.
Không gian Tết xưa được cán bộ Bảo tàng tỉnh Quảng Bình thiết kế phục vụ người dân lưu lại những khoảnh khắc đẹp ngày Tết cổ truyền của dân tộc
Bảo tàng tỉnh Quảng Bình mở cửa thường xuyên trong dịp Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024 để phục vụ khách tham quan. Chúng tôi cũng mong muốn không gian này sẽ giúp du khách có những trải nghiệm thú vị về Tết xưa để lưu lại những khoảnh khắc ấm áp nhất cho bản thân và gia đình mình…
Bà Lê Thị Hoài Hương, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Quảng Bình
Không gian được bày trí với những đồ dùng như bàn ghế, xe đạp, đài casset, ti vi xưa… cùng với cách bài trí đơn sơ trong ngày Tết cổ truyền của người dân với hoa cúc, hoa đào… hay nồi bánh chưng đỏ lửa trong đêm 30 Tết.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh (SN 1954) ở Quảng Ninh Quảng Bình chia sẻ: Hôm nay được con cháu đưa đi thăm quảng trường Hồ Chí Minh và thăm bảo tàng tỉnh, tôi bất ngờ trước không gian Tết xưa với những đồ vật quá thân thuộc của một thời chúng tôi sống.
Không gian Tết xưa
Nồi bánh chưng thường được người dân làm và nấu trong ngày 30 Tết
Tết xưa… giờ chỉ còn trong ký ức của nhiều người
Ngày đó, nhà nào có chiếc xe đạp, có cái đài radio cũ kĩ được xem là “đại gia” của làng, chưa kể trong nhà có những bộ bàn ghế salon đóng bằng gỗ như thế này thì rất mãn nguyện. Cứ Tết đến xuân về, nhà nhà lo lắng chuẩn bị Tết nhất bằng việc dọn vệ sinh, những đồ vật như bàn ghế, bình hoa được lau chùi một cách cẩn thận để đón Tết…
Tết của ngày xưa, giai đoạn khó khăn nghèo đói ấy nhưng người dân vẫn dành dụm để may cho con cái chiếc áo mới, sắm cho mình cái bình hoa để cắm cành hoa đào phai, hoa mai, mua mấy cái bong bóng về thổi treo lên… như thế đã là hạnh phúc lắm rồi.
Rất nhiều người dân đã đến và chụp ảnh không gian Tết xưa ấn tượng này
Trong tôi, ký ức về Tết xưa vẫn còn hiện hữu khi đêm đến sau 1 ngày quần quật với việc đồng áng, nhiều gia đình bắt đầu làm mứt, bánh in, bánh xoài… và chuẩn bị đồ để gói bánh chưng. Sáng 29 hoặc 30 Tết trong làng nhiều tiếng gọi nhau đi làm thịt lợn để chia mỗi gia đình vài ba kg về ăn Tết.
Trước đây, khi chưa cấm pháo, khoảng từ 23 Tết là đã nghe tiếng pháo đì đùng, chúng tôi thời ấy còn nhỏ cứ chạy quanh, nhà nào đốt pháo xong là lao vào nhặt pháo xịt về chơi súng van hay là về tìm cách để đốt quả pháo xịt đó cho nổ…
Nhiều bạn trẻ cũng đến để tìm cho mình một bức ảnh ấm áp trong năm mới
Một bức hình chân dung
Chụp cùng bạn trong không gian với những vật dụng mà các bạn trẻ bây giờ chỉ có tưởng tượng qua lời kể của ông bà, bố mẹ
Tết xưa với cảnh chia sẻ nhau cái kẹo, miếng mứt gừng đậm đà hương vị quê hương
Thực sự, tôi bất ngờ với khoảng không gian này, có lẽ tất cả chỉ là trong “hoài niệm” của lứa tuổi chúng tôi… một không khí Tết đơn sơ nhưng tràn ngập yêu thương… Ông Thanh tâm sự.
Vĩnh Quý
Nguồn: Báo Tổ quốc