Trở thành thành viên

Nhận cập nhật mới từ Quảng Bình S.vn

― Quảng cáo ―

spot_img
HomeDanh NhânTìm về nơi an nghỉ của người thầy dạy anh em nhà...

Tìm về nơi an nghỉ của người thầy dạy anh em nhà Tây Sơn

(QBĐT) – Như một sự hữu duyên, tôi tình cờ biết được thông tin tại khu lăng mộ của dòng họ Trương Văn ở xã Nhân Trạch (Bố Trạch) hiện có mộ phần của người thầy dạy anh em nhà Tây Sơn Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ và nhiều học trò kiệt xuất khác của vùng đất Bình Định xưa. Nằm sát bờ biển lộng gió, không hề có bia đá khắc tên, ngôi mộ tồn tại lặng lẽ trước bao đổi thay của thời cuộc. Ông Trương Kim Chuông, Trưởng tộc dòng họ Trương Văn xã Nhân Trạch khẳng định, đó chính là mộ của thủy tổ dòng họ Trương Văn-thầy giáo Trương Văn Hiến (thường được người dân Bình Định yêu mến gọi là thầy giáo Hiến).

 

Ông Trương Kim Chuông cho biết, theo gia phả của dòng họ Trương Văn, cách đây mấy trăm năm, võ sư Trương Văn Hiến, vốn quê quán ở Hoan Châu (Nghệ An ngày nay) với nhiều cơ duyên đã cùng gia quyến đến làng Náu (Kẻ Náu), xưa là Lý Nhân Nam, nay chính là xã Nhân Trạch và là thủy tổ dòng họ Trương Văn ở đây. Tại làng Náu, ông có hai con trai là Trương Văn Tiềm và Trương Văn Gần… Sau đó, ông tiếp tục theo chúa Nguyễn xây dựng sự nghiệp. Các thế hệ con cháu dòng họ Trương Văn ở làng Náu tiếp tục sinh sôi nảy nở đến bây giờ đã là đời thứ 16.

 

Theo tư liệu được cung cấp từ Đại hội đại biểu họ Trương huyện Bố Trạch lần thứ I, nhiệm kỳ 2024-2028, sử sách còn rất ít ỏi từ thời Tây Sơn cho thấy, võ sư Trương Văn Hiến là anh em thúc bá với nội hữu Trương Văn Hạnh. Võ vương Nguyễn Phúc Khoát cử Trương Văn Hạnh làm thầy dạy cho hoàng tử Nguyễn Phúc Luân để sau này nối ngôi. Nhưng khi Võ vương băng hà, Trương Phúc Loan lại thay di mệnh của Võ vương lập Nguyễn Phúc Thuần lên ngôi chúa, còn Nguyễn Phúc Luân bị giam lỏng. Trương Văn Hạnh bị Trương Phúc Loan ám hại. Ông Trương Văn Hiến bỏ trốn vào Nam theo lời khuyên của nhà sư Trí Viễn.





Khu Lăng Mộ Của Dòng Họ Trương Văn Xã Nhân Trạch (Bố Trạch).
Khu lăng mộ của dòng họ Trương Văn xã Nhân Trạch (Bố Trạch).

Khi đến phủ Quy Nhơn-Bình Định, gặp ngay cảnh võ sư Đặng Quan làm bảo tiêu cho thuyền buôn họ Phan bị bọn cướp tấn công, cướp của, ông đã gặp sự bất bình chẳng tha, đánh chết tên đầu đảng, cứu được thương lái, lấy lại tài sản. Thương gia họ Phan mời ông về khoản đãi trọng hậu nhưng ông chỉ xin dựng một nhà tranh ở An Thái để dạy học, nay là thôn Thắng Công, xã Nhơn Phúc, TX. An Nhơn, tỉnh Bình Định. Năm 2019, nơi đây đã được UBND tỉnh Bình Định công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh và năm 2022, có quyết định về việc phê duyệt quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử này.

 

Tương truyền, ông nhận học trò với hai tiêu chuẩn, đó là tư chất và đức tính, dạy cả văn lẫn võ. Học trò từ các huyện, tỉnh khác đến học rất đông. Ông mang hoài bão, chí lớn của mình truyền đạt cho các học trò. Trong số đó nổi bật là 3 anh em nhà Tây Sơn: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ. Ông khám phá ra tài năng của anh em nhà Tây Sơn nên hết lòng, dốc sức dạy dỗ, được xem là người ảnh hưởng lớn đến quyết tâm “làm việc lớn” của “Tây Sơn tam kiệt”.

 

Ông vẫn thường nói với học trò: Có võ mà không có văn thì thường hay cường bạo. Có văn mà không có võ thường nhu nhược. Văn võ phải nương nhau thì đạo làm người mới giữ được vững. Các học trò của ông sau này hầu hết là tướng lĩnh nhà Tây Sơn. Đặc biệt, con trai ông là Trương Văn Đa được Nguyễn Nhạc tin yêu, gả con gái và lập nhiều chiến công lớn cho nhà Tây Sơn. Khi về già, trước biến động thời cuộc, ông xin về quê dưỡng già. Dù không phải là người con Bình Định, nhưng thầy giáo Trương Văn Hiến được người dân yêu mến với công lao đào tạo nên những anh hùng tiêu biểu của triều đại Tây Sơn.

 

Trở lại ngôi mộ nhỏ khiêm nhường của ông ở khu lăng mộ của dòng họ Trương Văn xã Nhân Trạch, ông Trương Kim Chuông chia sẻ, hậu thế vẫn luôn thắc mắc không hiểu sao mộ của thủy tổ Trương Văn Hiến không hề có bia mộ và nhỏ bé đến vậy. Các cụ tiền nhân đã lý giải qua nhiều đời, nguyên nhân là bởi ông muốn mai danh ẩn tích, nhìn thấu tương lai, lo ngại sự trả thù của nhà Nguyễn sau này và mãi đến sau này ông mới quyết định về quê dưỡng già. Phải chăng chính vì vậy mà trước sự trả thù khốc liệt của Nguyễn Ánh đối với nhà Tây Sơn, ngôi mộ của người thầy dạy “Tây Sơn tam kiệt” vẫn “thi gan cùng tuế nguyệt” bên làng chài nhỏ ở Quảng Bình?





Ông Trương Kim Chuông Bên Mộ Phần Của Thủy Tổ Trương Văn Hiến Theo Thông Tin Gia Phả Để Lại.
Ông Trương Kim Chuông bên mộ phần của thủy tổ Trương Văn Hiến theo thông tin gia phả để lại.

Cứ đến ngày 24/8 âm lịch hàng năm là ngày mất của thủy tổ Trương Văn Hiến, con cháu dòng họ Trương Văn xã Nhân Trạch đều hội tụ để tổ chức lễ cúng thành kính. Trong đó, các tiết mục múa bông chèo cạn, nét văn hóa đặc sắc của người Nhân Trạch được trình diễn.

 

Ông Trương Kim Chuông cho biết thêm, dòng họ Trương Văn mong muốn các nhà nghiên cứu, văn hóa, lịch sử quan tâm vào cuộc, nghiên cứu, tìm hiểu mộ phần của thầy giáo Trương Văn Hiến để hiểu rõ hơn về một con người đã có công lớn đào tạo nên những anh hùng thời Tây Sơn. Qua đó, thế hệ sau thêm phần tự hào, tiếp nối thành tích cha ông để lại.

 




Nhà nghiên cứu Hán-Nôm Trương Quang Phúc, Chủ tịch Hội đồng họ Trương tỉnh Quảng Bình, Phó Chủ tịch Hội đồng họ Trương Việt Nam cho biết, tại xã Nhân Trạch đúng là vẫn còn mộ phần của võ sư Trương Văn Hiến, thủy tổ của dòng họ Trương Văn xã Nhân Trạch. Ông và con trai Trương Văn Đa là những danh nhân tiêu biểu của họ Trương tỉnh Quảng Bình. Trong lịch sử Việt Nam, hiếm có người thầy nào dạy hai học trò đều lên làm vua như ông (Hoàng đế Thái Đức-Nguyễn Nhạc và Hoàng đế Quang Trung-Nguyễn Huệ).

Mai Nhân

https://baoquangbinh.vn/dat-va-nguoi-quang-binh/202406/tim-ve-noi-an-nghi-cua-nguoi-thay-day-anh-em-nha-tay-son-2218983/