An cư mới lạc nghiệp
Tại Quảng Bình, tỷ lệ nghèo đa chiều tính đến hết năm 2023 là 8,06%. Tỉnh phấn đấu năm 2024 kéo giảm tỷ lệ nghèo đa chiều về còn 6,76%, riêng tỷ lệ hộ nghèo quyết tâm giảm còn 3,25%.
Địa phương cũng xác định việc giảm nghèo không chỉ quan tâm đến chiều thu nhập mà còn đảm bảo về các chiều dịch vụ xã hội cơ bản khác như y tế, việc làm, giáo dục, nhà ở, thông tin, nước sạch và vệ sinh.
Trong đó, việc hỗ trợ nhà ở cho gia đình có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo là việc làm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện trách nhiệm và đạo lý “đền ơn đáp nghĩa” và “thương người như thể thương thân”, góp phần mang lại mái ấm tình thương cho người bị thiên tai, hỏa hoạn, biến đổi khí hậu, cho người nghèo, người yếu thế để không ai bị bỏ lại phía sau.
Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Quảng Bình Phạm Tiến Nam cho biết, hiện nay, tỉnh còn có 3.647 hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở, đang sống trong những căn nhà tạm, nhà dột nát, không đảm bảo diện tích tối thiểu và chất lượng nhà ở theo quy định. Trong đó có 1.440 hộ cần hỗ trợ cải tạo, sửa chữa; 2.207 hộ cần hỗ trợ xây mới nhà ở.
Theo đề án này, đối tượng được áp dụng hỗ trợ là hộ nghèo, cận nghèo chưa có nhà ở hoặc nhà không bền chắc; hộ nghèo chưa được hỗ trợ nhà ở từ các chương trình, chính sách hỗ trợ khác.
Nhà ở sau khi được hỗ trợ thì phải đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30m2; các hộ đang sinh sống tại khu vực ngập lụt thường xuyên 2m thì phải xây dựng được nhà hai tầng hoặc nhà tránh lũ…
“Dự kiến tổng nguồn vốn để tỉnh Quảng Bình cải tạo, sửa chữa và xây mới nhà ở là hơn 292 tỷ đồng huy động từ nguồn ngân sách nhà nước, xã hội hóa và sự đóng góp của các đối tượng được hưởng lợi. Mục tiêu là phấn đấu trong năm 2025 sẽ hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh”, ông Nam nhấn mạnh.
Tập trung mọi nguồn lực, tăng tốc xoá nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo
Song song với nguồn lực được phân bổ từ nhà nước, Quảng Bình cũng huy động sự chung tay ủng hộ của xã hội, doanh nghiệp và của toàn dân, phát huy truyền thống, văn hóa, tinh hoa tốt đẹp của dân tộc về tinh thần tương thân tương ái “là lành đùm lá rách”, “lá rách đùm lá rách hơn” để chăm lo nhà ở cho người nghèo.
Được biết, nhiều địa phương tại Quảng Bình đã quan tâm, tập trung các nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước và linh hoạt huy động sự hỗ trợ từ cộng đồng để chăm lo cho người nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
Tỷ lệ nghèo đa chiều của huyện Minh Hóa còn cao (26,85%). Số hộ nghèo, hộ cận nghèo tái nghèo và phát sinh mới còn cao, tính bền vững trong giảm nghèo còn thấp. Huyện đã nỗ lực, quan tâm, tập trung các nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước và linh hoạt huy động sự hỗ trợ từ cộng đồng để chăm lo cho người nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
Ngày 30/9 vừa qua, 30 hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn đang có nhà ở tạm bợ, dột nát trên địa bàn huyện Minh Hóa đã được trao số tiền 3 tỷ đồng để làm nhà đại đoàn kết, tương đương mỗi hộ được hỗ trợ 100 triệu đồng.
Tại huyện Tuyên Hóa 30 hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn cũng đã được trao kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết.
Ông Mai Văn Minh, Bí thư Huyện ủy Tuyên Hóa, Quảng Bình chia sẻ những ngôi nhà mới đem lại niềm vui không chỉ cho các gia đình khó khăn mà còn giúp chính quyền địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn, giúp gia đình an tâm lao động ổn định cuộc sống.
Tại huyện Bố Trạch, nhiều căn nhà đại đoàn kết cũng được khởi công xây dựng, giúp không ít hộ nghèo sớm được sống trong những ngôi nhà kiên cố, vững chãi, không còn nỗi lo sợ mỗi khi mùa mưa bão đến.
Mới đây, giữa tháng 9, niềm vui đến với gia đình bà Võ Thị Huế, thôn Đông Thành, xã Nam Trạch. Gia đình bà Huế thuộc hộ nghèo. Bà sống một mình trong căn nhà xuống cấp, bị dột nát… Dự kiến, đến cuối tháng 11, bà Huế có thể dọn vào ngôi nhà mới.
Tại bản Khe Khế, xã Kim Thủy, Lệ Thủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Bình đã hỗ trợ xây dựng 41 ngôi nhà cho các hộ gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn về nhà ở do ảnh hưởng của thiên tai. Tổng kinh phí xây dựng hơn 2,9 tỷ đồng, trong đó Ban Cứu trợ tỉnh Quảng Bình hỗ trợ 2,05 tỷ đồng.
Sau thời gian triển khai thi công, đến nay những ngôi nhà này đã hoàn thành và bàn giao cho các hộ đưa vào sử dụng. Nhà được xây kiên cố, mái lợp tôn xốp, diện tích nhà 50-80m2, kinh phí khoảng 180 triệu đồng, phù hợp với văn hóa, sinh hoạt, phong tục, tập quán của bà con dân tộc Bru-Vân Kiều.
Ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, việc hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo thể hiện sự quan tâm kịp thời của Đảng và Nhà nước, góp phần đảm bảo chính sách an sinh xã hội.
“Do đó cần khẩn trương hoàn thiện đề án này để trình HĐND tỉnh thông qua và ban hành Nghị quyết hỗ trợ, các sở ngành, địa phương tích cực phối hợp rà soát các đối tượng được ưu tiên hỗ trợ cải tạo, sửa chữa, xây mới về nhà ở theo tiêu chí đã được quy định; đối với các hộ chưa có đất ở cần đề xuất thêm giải pháp riêng”, ông Thắng nhấn mạnh.
https://dansinh.dantri.com.vn/xoa-doi-giam-ngheo/quang-binh-tang-toc-xoa-3647-nha-tam-nha-dot-nat-cho-ho-ngheo-20241012220246408.htm