(QBĐT) – Có thể nói, từ thiện là một hoạt động luôn song hành kể từ khi có cuộc sống con người. Nó xảy ra thường xuyên, liên tục và có mặt trong mọi môi trường xã hội. Từ thiện đôi khi chỉ là một hành động mang tính bản năng, cảm xúc của một số người, nhưng đôi khi lại là giá trị sống của nhiều người khác; đôi khi chỉ là sự đơn lẻ âm thầm, nhưng đôi khi lại trở thành phong trào rầm rộ, rộng khắp.
1. Vậy cần phải hiểu từ thiện như thế nào cho đúng? Về ngôn ngữ, theo nhiều sách từ điển thì, từ thiện là một từ tiếng Hán, được kết hợp bởi hai từ: Từ ở trong nhân từ (thương người), từ tâm (lòng thương) và thiện nghĩa là tốt, lành, hợp với đạo đức. Vậy từ thiện có nghĩa là làm việc tốt, hợp với đạo lý và phải/luôn xuất phát từ lòng yêu thương người. Những hành vi, việc làm tốt mà không xuất phát từ lòng thương người thì không được gọi là “từ thiện”.
Từ thiện là một hành động trợ giúp người khuyết tật, yếu kém, người gặp nạn, hoặc có hoàn cảnh khó khăn. Hoạt động từ thiện có thể thông qua hình thức quyên góp, hiến tặng bằng tiền, vật phẩm, thời gian hay là cứu trợ nhân đạo, xóa đói giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe… Những hành động như trợ giúp tinh thần, an ủi, ổn định tâm lý người gặp nạn, hoặc dành thời gian, công sức làm việc cho các tổ chức từ thiện cũng được xem là hành động từ thiện. Từ thiện nên được xuất phát từ tấm lòng, theo khả năng của người muốn làm từ thiện.
|
Từ xưa, từ thiện được xem là căn bản của đạo đức, là một đức tính hay là đức hạnh cần thiết trong nhiều tôn giáo. Trong tất cả các tôn giáo trên thế giới, từ kinh thánh, đến các hoạt động tôn giáo hàng ngày, các giáo dân đều được khuyến khích thực hiện việc này.
Nói riêng về đạo Phật, trong quá trình tu tập để trở thành Bồ tát thì hạnh “bố thí” được coi là đứng đầu. Bố thí nghĩa là đem tiền của và các thứ mình có mà cấp cho người khác. Trong Phật giáo nguyên thủy, bố thí được xem là phương tiện để đối trị tính tham ái, ích kỷ và được thực hành để tránh khổ đau của đời sau. Theo Phật giáo Đại thừa, bố thí là biểu hiện của lòng từ bi và là phương tiện để dẫn dắt chúng sinh đến giác ngộ. Đạo Phật còn chỉ ra, trong bố thí có “thí thực” (cho người khác thứ ăn, dùng được) và “thí pháp” (chỉ dẫn cho con đường tu tập, học đạo, dẫn dắt con người theo con đường chân ái, hạnh phúc). Bởi vậy, đạo Phật luôn coi trọng thí pháp hơn thí thực. Điều này cũng giống như ngày nay người ta hay ví von, cho cái cần câu hơn là cho con cá vậy.
2. Như đã nói ở trên, những việc làm tốt nhưng không xuất phát từ lòng thương người thì không được gọi là từ thiện. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, “từ thiện” vẫn được hiểu chung chung là giúp đỡ người khó khăn, hoạn nạn. Do vậy, trong bài viết này, xin được chỉ ra những “cung bậc” được coi là từ thiện và theo thứ tự từ cao đến thấp hiện nay như sau.
Bậc cao nhất: Phải khẳng định rằng, đó là những hành động từ thiện xuất phát từ lòng thương người khác. Với những người làm từ thiện ở bậc này, họ không bao giờ nghĩ đến hoàn cảnh, điều kiện gì cho bản thân mình. Họ nhìn thấy người hoạn nạn, đói khổ là từ tâm trỗi dậy và sẵn sàng đem cho mà không hề so đo tính toán. Họ cũng làm việc này âm thầm, không phô trương, không quan tâm đến người khác biết hay không. Thậm chí có người còn giấu mặt, coi việc làm từ thiện mà để người khác biết là phô trương rất đáng xấu hổ.
Bậc thứ hai: Ở bậc này họ cũng xuất phát từ lòng thương người khác, nhưng kèm theo đó là có nghĩ đến bản thân. Bậc này, phần đông là người theo các tôn giáo. Ngoài thương người, họ còn coi từ thiện là việc làm “tu nhân, tích đức” cho bản thân hiện tại, cho con cháu và cho cả sau khi rời bỏ cuộc sống. Có người còn với mục đích “chuộc lại lỗi lầm” thậm chí là của kiếp trước (đạo Phật) mà mình trót đã phạm phải. Ngoài số ít cũng âm thầm lặng lẽ ra, phần đông trong số bậc này mong muốn có sự ghi nhận ở các cơ sở từ thiện, tôn giáo, thậm chí là của công chúng.
Bậc thứ ba: Đây là những người đang làm “từ thiện” với mục đích quảng cáo. Tất nhiên, ở họ cũng có lòng thương người, nhưng luôn trên cơ sở được so đo, tính toán chi phí mà họ bỏ ra với lợi ích mà họ thu được. Những đối tượng này thường là họ nâng việc làm từ thiện thành “sự kiện”, đôi khi được tổ chức rầm rộ để đài báo đưa tin có hệ thống.
Bậc thứ tư: Lẽ ra rất không nên nói đến bậc này vì nó không có chút “từ thiện” nào dù nhỏ nhất. Tuy nhiên, sự thật vẫn là sự thật, đặc biệt là sau cơn bão số 3 (Yagi), những người thuộc bậc này một số đã “lộ mặt”. Họ là những người mượn danh từ thiện để thỏa mãn thói ngạo mạn, kiêu căng, thậm chí là sự giàu có, quyền lực của mình. Họ mượn từ thiện để chỉ trích, xỉa xói, phê phán người khác. Những người này có một số rất khó nhận biết vì họ rất “phông bạt”, tìm cách che đậy, nên vẫn luôn là những nhà “từ thiện” trong mắt nhiều người. Còn những kẻ lộ mặt lợi dụng từ thiện để đánh bóng tên tuổi, kiếm lợi nhuận một cách nhẫn tâm, rất đáng khinh bỉ thì ta không cần nói đến nữa.
3. Nhân đây cũng xin có đôi lời về hoạt động làm từ thiện và tiếp nhận từ thiện sau bão, lũ một chút. Có thể nói, xuất phát từ việc nước ta thường xuyên phải đối mặt với bão lũ gây thiệt hại rất lớn, bên cạnh đó là đạo lý ngàn đời “Lá lành đùm lá rách” nên mỗi khi vùng, miền nào có bão lũ là việc làm từ thiện để cứu trợ đều trở thành phong trào hết sức rầm rộ. Bên cạnh những điều tốt đẹp của nó, cũng xảy ra những bất cập mà thực tế và dư luận đã làm rõ.
Đó là nhiều cá nhân cũng tự phát đứng ra kêu gọi mà không có sự quản lý, minh bạch, điều này đã xảy ra những nghi hoặc, tranh cãi tác động bất lợi đến cuộc sống nói chung và trên mạng xã hội nói riêng.
Lại nữa, vì do việc từ thiện xảy ra quá “nóng” nên công tác cứu trợ trở thành “quá tải”. Hàng hóa, vật chất được các phương tiện dồn về một lúc, trong khi hạ tầng cơ sở vùng bão, lũ đang gặp trở ngại, khiến công tác tiếp nhận vô cùng khó khăn, dẫn đến hư hao, mất mát, hư hỏng phải vứt bỏ ảnh hưởng đến môi trường và lãng phí vô cùng. Chưa nói đến hàng hóa, nhân sự phải trải qua quá trình vận chuyển rất dài, dù trước mắt mọi chi phí đều được các cá nhân, cơ sở từ thiện “xe không đồng”; “cơm không đồng”… Nhưng rõ ràng tính đến hiệu quả của xã hội là vô cùng bất hợp lý!
Cũng cần nói thêm về công tác tiếp nhận và phân phối hàng từ thiện. Qua thực tế nhiều lần ở địa phương thấy rõ, hàng hóa đến dồn dập, nhân sự thiếu, cũng dẫn đến việc phân phối rất bất cập. Ví dụ, người khó khăn nhiều nhận được ít, người khó khăn ít nhận được nhiều, hoặc chia đều cho mọi nhà, dẫn đến so kè “mời nhau ăn cơm, đánh nhau chia gạo” thành ra mất đoàn kết là điều không tránh khỏi.
Để tránh được điều nêu trên, rất cần sự điều phối từ thượng tầng, trung tầng, hạ tầng. Tránh để từ thiện nhưng mạnh ai nấy làm, thiếu tổ chức, quy hoạch, sắp xếp.
Như đã nói, từ thiện là một việc làm tự nguyện, thường xuyên, liên tục. Nay nhân mùa bão lụt, công tác thiện nguyện đang rầm rộ. Xin có đôi lời mạn đàm để những người quan tâm cùng tham khảo và nếu được, xin chân thành nhận sự góp ý.
Đăng Hà
https://baoquangbinh.vn/van-hoa/202409/nhung-cung-bac-tu-thien-2221236/