Nhiều năm qua, các cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 79 (Binh đoàn 15) đã chung sức xây dựng vững chắc “thế trận lòng dân” nơi biên giới Tây Nam tỉnh Quảng Bình, giúp tình hình quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; bản làng ngày càng thay đổi khởi sắc, đời sống kinh tế nhân dân phát triển và ổn định.
Bản làng “thay da đổi thịt”
Cụm Còi, bản Còi Đá (xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) là khu vực sinh sống của 12 hộ đồng bào Bru – Vân Kiều. Ttrước đây, cụm Còi được xem là nơi heo hút và biệt lập bởi giao thông cách trở, đường nhỏ, dốc, nhiều khe suối. Giờ đây, bản làng này đã “thay da đổi thịt” với những con đường bê tông vào từng hộ gia đình. Để có được sự thay đổi như hôm nay, đó là thành quả của sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương, các đơn vị lực lượng vũ trang, trong đó có Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 79.
Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 79 đã đầu tư kinh phí hơn 12 tỷ đồng, huy động lực lượng, phương tiện, phối hợp xây dựng tuyến đường bê tông dài gần 2 km; xây dựng 3 cầu, cống dân sinh, 1 hồ thủy lợi tích nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Nhờ đó, cụm Còi đã có thể kết nối với khu vực trung tâm xã Ngân Thủy, đời sống kinh tế, tinh thần của đồng bào Bru – Vân Kiều ngày một nâng cao.
Già làng Hồ Thăm (86 tuổi, cụm Còi, bản Còi Đá) vui mừng cho biết, từ ngày có đường bê tông mới, người dân trong bản đi lại ra trung tâm xã thuận tiện hơn, trẻ nhỏ được đến trường, không phải nghỉ học vào những ngày mưa lớn như trước. Bản làng thêm bình yên, no ấm là nhờ sự hỗ trợ của các cán bộ, chiến sĩ “Bộ đội 79” và các đơn vị.
Bên cạnh việc nâng cấp đường giao thông, Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 79 đã đầu tư xây dựng 7 nhà trẻ với tổng diện tích 1.326 m2; lắp đặt nhiều thiết bị, đồ dùng học tập cho các điểm trường; xây dựng 1 bệnh xá quân dân y với tổng diện tích 604 m2. Các công trình hạ tầng, dân sinh này mang đậm dấu ấn, nghĩa tình quân dân, góp phần nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng địa phương, mang lại hiệu quả thiết thực đối với nhân dân trong vùng dự án và xây dựng vững chắc “thế trận lòng dân”.
Trung tá Hoàng Văn Việt, Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 79 cho biết, đơn vị thực hiện song song 2 nhiệm vụ trọng tâm: Xây dựng các công trình lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh; phát triển Dự án trồng, chăm sóc, khai thác cao su theo kế hoạch đã được cấp trên phê duyệt. Hiện, đơn vị đã trồng được gần 1.200 ha cao su, trong đó có hơn 950 ha cao su đã đưa vào khai thác. Bên cạnh đó, đơn vị đã cùng địa phương củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh, giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống ở địa bàn biên giới chiến lược.
Tạo việc làm cho lao động địa phương
Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 79 được thành lập ngày 15/10/2005 tại xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Đến tháng 8/2009, theo yêu cầu nhiệm vụ, Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 79 chuyển vị trí đóng quân ra xã Ngân Thủy (huyện Lệ Thủy), thực hiện nhiệm vụ xây dựng Khu Kinh tế – Quốc phòng phía biên giới Tây Nam tỉnh Quảng Bình.
Với mục tiêu củng cố vững chắc “thế trận lòng dân”, lấy nhân dân làm gốc, nhiều năm qua, Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 79 đã chú trọng tạo công việc ổn định cho lao động địa phương là người dân tộc thiểu số. Hiện, đơn vị tạo việc làm ổn định cho 240 lao động, trong đó có 76 lao động người Bru – Vân Kiều, với mức thu nhập trung bình hơn 7,5 triệu đồng/người/tháng.
Gia đình anh Hồ Văn No (sinh năm 1988, xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy) thoát nghèo từ sự hỗ trợ của Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 79. Anh Hồ Văn No chia sẻ, năm 2012, anh được nhận vào làm công nhân và biên chế về Đội sản xuất số 2, Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 79. Trong môi trường làm việc nghiêm túc song đầy thú vị, lâu dần, anh đã thêm yêu thích và gắn bó với công việc trồng, chăm sóc cao su tại đây. Hiện, gia đình anh được giao khoán chăm sóc, khai thác 7 ha cao su. Ngoài ra, anh còn trồng thêm 1,5 ha sắn, hơn 3 ha keo, tràm, nuôi thêm bò, lợn, gà, vịt…, cho thu nhập trung bình hơn 120 triệu đồng/năm. Năm 2022, được sự hỗ trợ của đơn vị, anh Hồ Văn No cùng vợ đã xây mới ngôi nhà kiên cố, khang trang bên bìa rừng cao su xanh ngắt trong khu vực quy hoạch Khu dân cư kiểu mẫu thuộc Đội sản xuất số 2, Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 79 quản lý; các con anh được đến trường ăn học miễn phí.
Nhiều năm qua, Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 79 chú trọng nhân rộng mô hình “Gắn kết hộ” với 46 cặp hộ gia đình là công nhân người Kinh với đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, hộ người Kinh giúp hộ dân tộc thiểu số trong thực hiện nhiệm vụ ở đơn vị, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế gia đình, nâng cao nhận thức, xóa bỏ hủ tục lạc hậu. Bên cạnh đó, hộ đồng bào dân tộc thiểu số giúp hộ người Kinh hiểu thêm về văn hóa bản địa, phong tục, tập quán, ngôn ngữ…
Trung tá Trần Văn Hưng, Chính ủy Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 79 cho biết, đây là mô hình sáng tạo của Binh đoàn 15, được đơn vị triển khai hiệu quả thời gian qua. Thông qua mô hình “Gắn kết hộ”, các gia đình xem nhau như anh em ruột thịt, không phân biệt dân tộc, điều kiện kinh tế, cùng hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau cả về vật chất và tinh thần, tạo sự gắn bó mật thiết giữa các dân tộc, hướng tới cuộc sống hạnh phúc, ấm no.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Ngân Thủy cho biết, Đảng ủy xã đã xây dựng Nghị quyết phối hợp với Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 79 trong việc tuyển dụng lao động là con em địa phương và kế hoạch triển khai thực hiện. Cấp ủy, chính quyền địa phương xác định, đây là nhiệm vụ quan trọng, góp phần tạo việc làm ổn định cho lao động, nâng cao đời sống nhân dân, phát triển kinh tế-xã hội địa phương; đồng thời, thể hiện sự đồng hành, tri ân sự giúp đỡ hiệu quả nghĩa tình mà đơn vị đã dành cho địa phương, con em đồng bào dân tộc thiểu số thời gian qua.
Tá Chuyên
https://dantocmiennui.vn/vung-chac-the-tran-long-dan-noi-bien-gioi-quang-binh-post356479.html