(QBĐT) – Chuyển đổi số (CĐS) mở ra những cơ hội, đồng thời mang đến không ít thách thức cho phụ nữ trong hành trình khẳng định vị thế, nâng cao vai trò, góp sức vào sự phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) của địa phương, đặc biệt là chị em ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng khó khăn. Trước thực tế đó, hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh và phụ nữ tỉnh năm 2024 được tổ chức vừa qua với chủ đề “Phụ nữ Quảng Bình với công tác CĐS” đã góp phần giúp chị em cập nhật chủ trương, chính sách về CĐS cũng như chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Đây là lần thứ hai hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh và phụ nữ tỉnh được tổ chức. Ngay sau hội nghị lần đầu tiên với chủ đề “Thúc đẩy bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển KT-XH”, các cơ quan, đơn vị và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã tổ chức triển khai hiệu quả những nội dung được Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo tại hội nghị; đồng thời, ban hành nhiều văn bản thực hiện công tác bình đẳng giới gắn liền với nhiệm vụ phát triển KT-XH của cơ quan, đơn vị, địa phương. Đặc biệt, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, năm 2024, nhiều cơ quan, đơn vị và địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức đối thoại với phụ nữ dưới nhiều hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp.
|
Từ kết quả đáng ghi nhận đó, hội nghị đối thoại lần thứ hai kỳ vọng mở ra nhiều cơ hội, tạo điều kiện cho chị em phụ nữ trong quá trình CĐS. Với sự điều hành của Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Tân và Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Diệp Thị Minh Quyết, buổi đối thoại diễn ra cởi mở, thẳng thắn, dân chủ và trách nhiệm cao.
Đến từ Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Minh, xã Dương Thủy (Lệ Thủy), chị Vũ Thị Hoàn trăn trở, hiện nay, việc đưa sản phẩm lên các kênh truyền thông xã hội, sàn thương mại điện tử đang mở ra hướng đi mới cho phụ nữ vùng nông thôn và các mô hình kinh tế của phụ nữ, góp phần giải quyết đầu ra cho các sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao thu nhập, tạo động lực cho phụ nữ vươn lên phát triển kinh tế. Tuy nhiên, quá trình này đang gặp nhiều khó khăn do chị em còn thiếu kiến thức, kỹ năng trong việc ứng dụng công nghệ thông tin. Vậy tỉnh có những chủ trương, giải pháp gì để tạo điều kiện và hỗ trợ nâng cao năng lực cho hội viên phụ nữ (HVPN) trong kinh doanh, khởi nghiệp trên không gian mạng?
Sau khi được đại diện lãnh đạo Sở Công thương trả lời thấu đáo, cụ thể, chị Vũ Thị Hoàn chia sẻ, chị đã hiểu rõ hơn về các chủ trương, chính sách của tỉnh và sẽ nhanh chóng bắt tay nghiên cứu, tìm hiểu để triển khai hiệu quả. Song chị cũng bày tỏ mong muốn, thời gian tới, vẫn cần những chính sách hỗ trợ linh hoạt, đổi mới hơn, nhất là đối với máy móc sản xuất, bởi trên thực tế, do chuyên về dược phẩm nên hợp tác xã cần máy móc đặt riêng để sản xuất, rất khó theo đúng các mẫu máy móc trong danh mục được hỗ trợ…
Phát biểu tại hội nghị đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng nhấn mạnh: Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp; thủ trưởng các sở, ban, ngành cần tăng cường hơn nữa hoạt động đối thoại trực tiếp với cán bộ, HVPN để kịp thời có những giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy; công tác quản lý, điều hành của chính quyền, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Đồng thời, các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan quản lý nhà nước phải nghiêm túc tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của phụ nữ, từ đó, nghiên cứu, đề xuất giải pháp, dự án, đề án; quan tâm hỗ trợ, thúc đẩy phụ nữ sáng tạo, đổi mới, áp dụng CĐS, kinh tế số vào tất cả các lĩnh vực; thúc đẩy CĐS theo từng lĩnh vực, đặc biệt là ngành Nông nghiệp và Du lịch. |
Cùng với đó, các ý kiến của chị em về: Giải pháp trong việc hỗ trợ HVPN cũng như bà con vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong quá trình thực hiện CĐS, việc ứng dụng công nghệ số đáp ứng với xu thế phát triển, hội nhập hiện nay; hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ trong thời kỳ CĐS; hỗ trợ kinh phí tổ chức tập huấn về CĐS, ứng dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ hội các cấp…
Một vấn đề khác được chị em trăn trở và chia sẻ tại hội nghị chính là mặt trái của thời đại công nghệ số, khi nhiều giá trị văn hóa truyền thống đang có nguy cơ mai một. Chị Phạm Thị Huyền Trang, Hội Phụ nữ Công an tỉnh cho biết: “Bên cạnh những khía cạnh tích cực, CĐS cũng tạo ra nhiều thách thức lớn đối với các giá trị văn hóa, giáo dục ngoài xã hội cũng như trong gia đình. Đối với không ít gia đình, “sợi dây” kết nối giữa các thành viên dường như đang có xu hướng ngày càng lỏng lẻo và xa cách. Thời gian tới, tỉnh cần có những giải pháp hiệu quả nào để góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống của gia đình Việt trong thời đại công nghệ số?”.
Tất cả các băn khoăn, trăn trở, ý kiến, đề xuất, kiến nghị của chị em tại hội nghị đã được Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành lắng nghe, tiếp thu và giải đáp đầy đủ, cũng như gợi mở những hướng đi, giải pháp phù hợp với thực tiễn CĐS hiện nay của tỉnh.
Mai Nhân
https://baoquangbinh.vn/chinh-tri/202411/doi-thoai-de-thao-go-vuong-mac-2222368/