Thiệt hại nặng nề sau bão Yagi
Là địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 3 (Yagi), tỉnh Quảng Ninh chịu thiệt hại nặng nề, tính đến thời điểm hiện nay được thống kê ước hơn 23.700 tỷ đồng.
Về Du lịch, hầu hết các cơ sở lưu trú trên bờ khu vực thành phố Hạ Long đều bị thiệt hại liên quan tới vỡ kính, sập mái.
Thiệt hại tập trung ở tất cả cơ sở lưu trú cao cấp từ 4 – 5 sao cho tới cơ sở quy mô nhỏ, nhà nghỉ. Nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là thành phố Hạ Long và một số địa phương ven biển như Vân Đồn, Cẩm Phả, Cô Tô.
Khối nhà hàng sử dụng vật liệu khung thép, mái tôn, vật liệu đơn giản tại khu vực thành phố Hạ Long đều bị sập, hư hỏng nặng. Nhiều cơ sở không còn khả năng sửa chữa lại để kinh doanh do bị hỏng hoàn toàn.
Báo cáo của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ninh cho thấy, 27 tàu du lịch và 4 tàu chuyển tải bị đắm. Trong số 27 tàu đắm có 23 tàu du lịch tại cảng Tuần Châu, 2 tàu trên vịnh Hạ Long và 2 tàu du lịch bị đắm ở khu vực Ba Lan.
Tại khu vực vịnh Hạ Long, tài sản của người dân và doanh nghiệp trên vịnh tại các điểm dịch vụ như chèo đò, chèo thuyền Kayak ở Ba Hang, Cống Đỏ, Cửa Vạn, Hang Luồn, Vung Viêng bị thiệt hại nặng.
Một số điểm du lịch trọng điểm thuộc thành phố Hạ Long như Bảo tàng Quảng Ninh, Cung Quy hoạch và hội chợ triển lãm tỉnh, khu vui chơi giải trí Sunworld, khu du lịch Tuần Châu bị thiệt hại nặng nề về cơ sở vật chất, vẫn đang trong quá trình sửa chữa để sớm đón khách.
Cạnh đó, hàng trăm du khách nước ngoài dự định du lịch Hạ Long hủy bỏ mọi lịch trình vì trùng hợp với thời gian ảnh hưởng của bão.
Do ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi), các sân bay phải đóng cửa, hàng trăm chuyến bay bị hủy và điều chỉnh giờ khai thác. Hoạt động du lịch cũng bị tê liệt. Theo Cục Hàng không Việt Nam, ước tính sơ bộ số chuyến bay bị ảnh hưởng bởi bão Yagi là 145 chuyến nội địa và quốc tế.
Lào Cai cũng là là địa phương có nhiều vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ, sạt lở… Hoạt động du lịch tại thị xã Sa Pa đã tạm dừng trong thời gian mưa bão để đảm bảo an toàn.
Các điểm du lịch, di tích tại Hà Nội, hầu hết các điểm bị ảnh hưởng cảnh quan do cây gãy đổ, hư hỏng các hạng mục nhỏ như biển hiệu, áp phích…
Nhất là vào thời điểm này trong năm là lúc thị trường du lịch phía Bắc bước vào giai đoạn sôi động với tour ngắm ruộng bậc thang mùa lúa chín hay nhảy dù, năm nay các đơn vị lữ hành buộc phải hoãn hủy tour tuyến. Thời gian khắc phục dự kiến kéo dài…
Nhiều điểm du lịch đã hoạt động trở lại
Đến nay, một số điểm du lịch ở Sa Pa, Hà Giang, Yên Bái, Hải Phòng, Quảng Ninh đã hoạt động trở lại sau nhiều ngày bị ảnh hưởng bởi bão lũ, trong khi nhiều nơi vẫn đang khắc phục hậu quả.
Tại Lào Cai, một số địa điểm du lịch đã đón khách trở lại như Sun World Fansipan Legend mở cửa lại từ 13/9, với thời gian hoạt động cáp treo từ 10h – 14h, tàu hỏa leo núi Fansipan từ 10h30 – 15h; tàu hỏa Mường Hoa tạm dừng hoạt động cho đến khi có thông báo mới;
Các khu thác Bạc, vườn đá Tả Phìn, Thung lũng xanh, Vườn hồng mộng mơ, Suối Vàng, Thác tình yêu, khu du lịch sinh thái Hàm Rồng, bản Cát Cát mở lại từ 14/9.
Tại Quảng Ninh, nhiều điểm du lịch đang khắc phục hậu quả của bão và từng bước khôi phục lại hoạt động và mở cửa đón khách du lịch. Riêng đối với tàu bị đắm, hư hỏng nặng, chủ tàu phải mất thời gian dài và chi phí lớn mới có thể khôi phục trở lại.
Ông Trần Văn Hồng, Chi Hội trưởng Chi hội Tàu du lịch Hạ Long, cho biết, sau bão, các công ty, doanh nghiệp đã khẩn trương khắc phục phương tiện tiếp tục đưa vào hoạt động kinh doanh khách tham quan và lưu trú trên vịnh Hạ Long. Công tác khắc phục sự cố tàu bị đắm gặp phải khó khăn vì các cơ sở sửa chữa đang bị quá tải. Chi hội đang nỗ lực liên hệ với các đơn vị trục vớt sớm có phương án trục vớt các tàu về xưởng sửa chữa.
Chi hội mong muốn các ngân hàng có thêm chính sách hỗ trợ vốn vay cho các tàu bị ảnh hưởng nặng của bão số 3 để chủ phương tiện sớm ổn định, đi vào kinh doanh. Tính đến nay, Chi hội Tàu du lịch Hạ Long có khoảng 80% số lượng tàu cơ bản khắc phục, dọn dẹp xong sau bão sẵn sàng đón chở du khách tham quan trên vịnh trở lại.
Ban Quản lý vịnh Hạ Long cho biết, bắt đầu phục vụ đón khách từ ngày 10/9 với một số tour như hành trình như điểm động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ hay điểm đảo Ti Tốp, hang Sửng Sốt, hang Luồn, hang Trinh Nữ. Các điểm tham quan còn lại sẽ sớm khắc phục hậu quả để đón du khách trong thời gian sớm nhất.
Tính từ 8 – 13/9 (thời điểm sau bão), Quảng Ninh đón hơn 6.700 khách quốc tế, 1.100 khách nội địa lưu trú; tổng số khách tham quan vịnh Hạ Long đạt 8.621 lượt, trong đó 8.145 lượt là khách quốc tế, 476 lượt là khách nội địa.
Tại thành phố Hải Phòng, di tích biệt thự Bảo Đại bị hư hại nặng, khi nhiều cây cối gãy đổ, mất điện nước, vỡ cửa kính. Dự kiến sau khi khắc phục trong vài ngày tới biệt thự mới có thể bắt đầu đón khách.
Tại Hà Giang, đại diện phòng truyền thông của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh cho hay, hiện thời tiết đẹp và không có hạn chế nào đối với các hoạt động du lịch. Tuy nhiên, du khách hầu như vẫn chưa trở lại Hà Giang.
Sở cũng khuyến cáo người dân và khách du lịch không đi lại các khu vực có nguy cơ sạt lở trên địa bàn như tuyến đường 4 huyện cao nguyên đá: Đường từ Mèo Vạc xuống sông Nho Quế, đường Thuận Hòa – Thái An, đường Đồng Văn – Mèo Vạc và một số tuyến đường, khu dân cư ở thành phố Hà Giang và Xín Mần, Quang Bình.
Tại hồ Ba Bể, Bắc Kạn và hồ Na Hang, Tuyên Quang, nước vẫn ở mức cao. Các điểm du lịch, khu lưu trú quanh khu vực hồ còn ngập. Nhiều nơi vẫn cần cứu trợ. Các tuyến đường quanh khu vực này cũng có nhiều điểm sạt lở.
Hiện nước đã rút nhiều so với tuần trước nhưng đường đi vào các khu vực quanh hồ Ba Bể vẫn ngập, các homestay chưa thể đón khách.
Các điểm du lịch, di tích tại Hà Nội đã mở cửa lại sau bão. Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã đón khách tham quan từ ngày 8/9, sau khi khắc phục thiệt hại. Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam mở cửa trở lại từ ngày 9/9; Bảo tàng Hà Nội đón khách trở lại từ ngày 13/9.
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng đã đón khách trở lại bình thường, tuy nhiên có thay đổi về một số hoạt động. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch về ứng phó, khắc phục thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ gây ra trên địa bàn các tỉnh miền núi, trung du Bắc Bộ; căn cứ Lệnh Báo động lũ số 54/L-BCH ngày 10/9/2024 của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội, Bảo tàng hủy chương trình “Đón trăng thu 2024” theo kế hoạch vào 15/9.
https://thanhtra.com.vn/xa-hoi/du-lich/bao-yagi-huy-diet-nganh-du-lich-nhu-the-nao-231427.html