“Rốn lũ” của Quảng Bình
Tân Hóa là một vùng đất xinh đẹp có diện tích 71.8 km2 của huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Nơi đây được mệnh danh là “rốn lũ”, “túi đựng nước” của Quảng Bình. Nhiều năm về trước, Tân Hóa đến mùa lũ đều ngập nặng trong nước, người dân khốn khổ tìm cách chạy nạn, nhà cửa cũng như tài sản chịu ảnh hưởng nặng nề.
Sáng ngày 20/9, báo Người Lao Động đưa tin: “Làng Du lịch tốt nhất thế giới” Tân Hóa ngập sâu, bị cô lập sau bão số 4. Ông Trương Thanh Duẫn – Chủ tịch UBND xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình cho biết, trong 2 ngày qua, mưa lớn khiến nước từ thượng nguồn đổ về khiến hàng trăm ngôi nhà ngập sâu trong nước.
Theo thống kê ban đầu, mưa lũ đã làm hơn 400 nhà dân ở Tân Hóa ngập sâu từ 0.5-2m. Đến sáng 20/9, mực nước dâng cao gần 2m đã cô lập hoàn toàn Tân Hóa với bên ngoài. Dẫu vậy, ứng phó trước tình hình bão lũ, từ nhiều năm trước, Tân Hóa đã áp dụng sáng kiến nhà phao thích ứng với lũ lụt. Khi nước dâng cao, nhà sẽ tự động nổi lên theo mực nước, đảm bảo an toàn cho người dân lẫn tài sản.
“Thay vì phải sơ tán lên núi hoặc đối diện với rủi ro mất mát tài sản như mọi năm thì người dân có thể yên tâm sinh sống ngay trong vùng lũ. Từ hôm qua, được chính quyền thông báo bà con đã sơ tán, di dời đồ đạc, chuẩn bị lương thực, nước uống lên nhà phao nên không lo cảnh bị đói khát trong vài ngày” – ông Duẫn thông tin với Báo Người Lao Động.
Xã Tân Hóa ngập nặng sau mưa lũ. Nguồn: Hoàng Phúc/Người Lao Động.
Đây không phải lần đầu tiên Tân Hóa ngập nặng.
Là xã miền núi nằm ở phía Tây dãy Hoành Sơn, bao quanh bởi những dãy núi đá vôi trùng điệp tạo nên cảnh quan thiên nhiên và hệ sinh thái đa dạng cho Tân Hóa. Nhìn những ngôi nhà ngập trong nước lũ kia chẳng ai nghĩ vào mùa thường, Tân Hóa hiện ra cảnh sắc đẹp đẽ, yên bình và trong lành với màu xanh của ruộng lúa, nương ngô, bốn bề như tranh vẽ.
Ở đây mưa nhiều quanh năm. Đặc biệt từ tháng 6 đến tháng 11 Âm lịch, xã Tân Hóa thường xảy ra lũ lụt. Mỗi mùa lũ trào về từ thượng nguồn sông Rào Nan, tất thảy đều dồn về Tân Hóa. Dường như lối thoát duy nhất chính là những hang động phía cuối thung lũng, nhưng chúng cũng không đủ lớn để chảy ra nên vùng đất này vốn được coi là “rốn lũ”, “túi đựng nước” của Quảng Bình.
Từ năm 2010 trở về trước, mỗi khi mưa lũ đổ về, người dân phải chạy lên núi cao tránh trú chờ nước rút, cuộc sống vô cùng khó khăn. Chính vì thế mà tiếng gọi “vùng rốn lũ” hay “túi đựng nước” cứ theo Tân Hóa mãi về sau.
Mặc dù, khi lũ đi qua, nhiều đề xuất như phá núi để mở lối thoát lũ hoặc “di dân” đến nơi khác. Việc “di dân” là bất khả kháng, bởi người dân đã bám đất sinh sống ở mảnh đất này lâu đời, nhiều trăm năm nên không muốn dời đi, còn việc phá núi cần kinh phí khủng chưa kể việc ảnh hưởng đến hệ sinh thái của vùng.
Nhà phao chống lũ
Cho đến năm 2011, nhờ đi học hỏi mô hình ở nhiều nơi, người dân Tân Hóa đã thực hiện sáng kiến nhà nổi – nhà phao làm bằng gỗ, có hệ thống thùng phuy đính chặt phía dưới. Khi nước dâng lên, nhà phao sẽ nổi. Kế đó, mỗi nhà đều có cột để níu giữ, đảm bảo không bị cuốn trôi.
Kể từ khi sáng kiến nhà phao xuất hiện, bà con đã có thể “sống chung với lũ”, đảm bảo sự an toàn cho người lẫn tài sản nhờ những ngôi nhà phao này. Nhà phao ở Tân Hóa có diện tích khoảng 26-40m2, đủ rộng rãi và tiện nghi để trụ được qua những ngày mưa lũ.
Nhà phao tránh lũ trở thành mô hình homestay du lịch mùa lũ. Ảnh: Báo Chính Phủ, Phong Nha Explorer.
Một đơn vị du lịch tiên phong tại địa bàn Tân Hóa – Công ty Chua Me Đất (Oxalis) cũng đã tài trợ xây dựng nhà nổi cho nhiều gia đình khó khăn. Cũng từ năm 2011, Oxalis được cấp phép chạy thử nghiệm các tour du lịch khám phá hệ thống hang động Tú Làn. Năm 2022, Oxalis cũng kết hợp cùng Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình với chính quyền địa phương xây dựng đề án phát triển làng Tân Hóa thành làng du lịch cộng đồng do người dân tự vận hành với nhiều mô hình homestay nhà phao.
Du lịch thích ứng thời tiết
Các homestay nhà phao đều được xây dựng theo kiểu “thích ứng thời tiết”, đều là nhà nổi chống lũ. Du khách đến vào mùa lũ sẽ có cơ hội trải nghiệm sinh hoạt với người dân nhưng vẫn đảm bảo tính riêng tư. Được biết, mô hình du lịch này được thực hiện quanh năm, cả khi nước lên. Điều này không chỉ giúp khắc phục tính thời vụ của du lịch Tân Hóa do ảnh hưởng của mùa lũ mà còn giúp bà con sinh hoạt bình thường vào ngày lũ.
Để cung cấp kịp thời các thông tin dự báo thời tiết đồng thời quảng bá loại hình du lịch đặc biệt này, Oxalis đã mời Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy – chuyên gia, nhà nghiên cứu thời tiết và biến đổi khí hậu làm Đại sứ du lịch thích ứng thời tiết. Tiến sĩ Huy nổi tiếng với trang Facebook Huy Nguyen có hơn 500 nghìn lượt theo dõi.
Theo Tiến sĩ Huy, khi mưa mỗi ngày 200-300mm liên tục trong 3 ngày sẽ lụt to. Lụt to người dân cũng không sợ vì cả làng đều đã có nhà phao, nhiều nhà phao cũng đã trở thành homestay xinh xắn phục vụ khách du lịch. Làng có lắp hệ thống đo mưa, camera giám sát lụt real time để khi có lụt cộng đồng, nhân viên làm du lịch cùng khách hàng có sự chuẩn bi bị ứng phó, trải nghiệm chủ động.
Nằm gọn trong lòng thung lũng ngát xanh những cánh đồng bất tận, bên cạnh có con sông Rào Nan uốn lượn hiền hòa, Tân Hóa hàng năm thu hút rất nhiều khách du lịch, tới thì thỏa thích mà về rồi vẫn nhớ thương, vấn vương cõi lòng. Năm 2023, Tân Hóa được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) vinh danh “Làng du lịch tốt nhất thế giới”.
Bước ra từ vùng “rốn lũ”, Tân Hóa đã và đang trở thành điểm du lịch hút khách của Quảng Bình cả trong lẫn ngoài nước. Không hề nói quá khi Tân Hóa là một bức tranh được vẽ bởi sự tuyệt diệu của thiên nhiên. Con đường vào Tân Hóa uốn lượn bên chân núi, con sông Rào Nan xẻ đôi thung lũng chảy hiền hòa, hai bên là những ngôi nhà mộc mạc mang đặc trưng của miền sơn cước. Bao quanh là những đồng cỏ xanh biếc, những đàn trâu thong thả, nhởn nhơ gặm cỏ,… xa xa là những dãy núi trùng điệp thấp thoáng sau những đám mây lững lờ trôi.
Ảnh: Huyen Nguyen, Ha Minh Hong, Oxalis Adventure.
Chính vẻ thơ mộng đến kinh diễm ấy đã là nguồn cảm hứng cho nhiều bối cảnh của những bộ phim nổi tiếng. Năm 2016, một số cảnh quay của bộ phim nổi tiếng “Kong: Skull Island” được thực hiện tại đây, đến năm 2018, bối cảnh của bộ phim “Người bất tử” của đạo diễn Victor Vũ cũng quay tại Tân Hóa.
Du khách đến Tân Hóa không chỉ được ngắm sự hoang sơ, trong lành và thanh bình, an yên của làng quê Việt; trải nghiệm những hoạt động thú vị như trekking, tham quan hang động, chèo thuyền,… mà còn được hòa mình vào cuộc sống của bà con nơi đây, thưởng thức những món ăn đặc trưng của vùng Minh Hóa như cơm bồi, cá khe,… Nơi đây cũng cất giữ những phong tục tập quán và văn hóa của người Nguồn (cộng đồng dân tộc thuộc nhóm Việt – Mường) sinh sống từ hơn 300 năm về trước. Có lẽ, Tân Hóa là nơi duy nhất thực hiện “trải nghiệm du lịch thích ứng thời tiết” được tổ chức trong mùa lũ lụt ở miền Trung.
Việc sống chung với lũ, thực hiện du lịch trên “rốn lũ” cho thấy cách ứng xử với thiên tai của người bản xứ, là cách người dân kiên cường nương theo mẹ thiên nhiên, vượt lên mọi thiên tai để hướng về một cuộc sống tốt đẹp hơn.
https://afamily.vn/chuyen-ve-tan-hoa-lang-du-lich-thich-ung-thoi-tiet-tot-nhat-the-gioi-o-quang-binh-20240921014329109.chn