Trở thành thành viên

Nhận cập nhật mới từ Quảng Bình S.vn

― Quảng cáo ―

spot_img

“Tiếp sức” cho sản phẩm OCOP

(QBĐT) – Qua gần 6 năm triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), khách hàng trong và ngoài tỉnh đã tiếp...
HomeDu LịchĐiểm du lịch mạo hiểm tiềm năng của tỉnh Quảng Bình

Điểm du lịch mạo hiểm tiềm năng của tỉnh Quảng Bình



Du lịch mạo hiểm là một trong những loại hình du lịch phát triển nhanh nhất của du lịch trong những năm gần đây. Các quốc gia ngày càng ưu tiên du lịch mạo hiểm để phát triển và tăng thị trường bởi họ nhận ra giá trị sinh thái, văn hóa và kinh tế của nó. Bài viết trình bày một phần cơ sở lý luận của loại hình du lịch mạo hiểm và tiềm năng du lịch mạo hiểm của hố sụt Kong, một điểm đến du lịch mạo hiểm nằm trong Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng ở tỉnh Quảng Bình, Việt Nam. Đồng thời, nhấn mạnh vào các trải nghiệm mạo hiểm và khám phá đa dạng mà du khách có thể trải qua khi tham gia các tour do Công ty Jungle Boss tổ chức. Jungle Boss không chỉ cung cấp các sản phẩm du lịch mạo hiểm mà còn tạo ra một trải nghiệm gần gũi với văn hóa địa phương thông qua các hoạt động teambuilding và homestay.

Diem Du Lich Mao Hiem Tiem Nang Cua Tinh Quang


Đu dây chinh phục hố sụt Kong – Ảnh: quangbinhtravel.vn


1. Khái quát về du lịch mạo hiểm


Dựa vào báo cáo của Nghiên cứu Thị trường Du lịch mạo hiểm, có thể thấy rằng, ngành Du lịch mạo hiểm đang trở thành một trong những phân khúc phát triển nhanh nhất. Quy mô toàn cầu của thị trường du lịch này đã đạt 324,9 tỷ USD vào năm 2022 và được dự đoán sẽ tăng lên đến 2 nghìn tỷ USD vào năm 2032, với mức tăng trưởng ấn tượng. Điều này cho thấy sự tăng trưởng vượt trội với tỷ lệ tăng trưởng hằng năm ước tính là 19,5% từ năm 2023 đến năm 2032. Theo thống kê, thị trường du lịch mạo hiểm được phân chia dựa trên loại hình, hoạt động, loại khách du lịch, nhóm tuổi, kênh bán hàng và khu vực. Trên cơ sở loại hình, thị trường được chia thành cứng, mềm và các loại khác. Trên cơ sở hoạt động, thị trường được chia thành hoạt động trên đất liền, trên nước và trên không. Căn cứ vào loại khách du lịch, thị trường du lịch mạo hiểm được chia thành du lịch một mình, bạn bè/ nhóm, cặp đôi và gia đình. Dựa trên nhóm tuổi, nó được phân loại thành dưới 30 tuổi, 30 đến 41 tuổi, 42 đến 49 tuổi và 50 tuổi trở lên. Trên cơ sở kênh bán hàng, thị trường được chia thành đại lý du lịch và trực tiếp. Trên cơ sở khu vực, thị trường được phân tích trên khắp Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á – Thái Bình Dương và LAMEA (1).


Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp Quốc (UNWTO) định nghĩa: du lịch mạo hiểm là loại hình du lịch thường diễn ra tại các điểm đến có đặc điểm địa lý, cảnh quan cụ thể và có xu hướng gắn liền với hoạt động thể chất, trao đổi văn hóa, tương tác và gắn kết với thiên nhiên. Trải nghiệm này có thể liên quan đến một số loại rủi ro thực sự hoặc được nhận thấy và có thể đòi hỏi nỗ lực đáng kể về thể chất và/ hoặc tinh thần (2). Bản thân du lịch mạo hiểm bao gồm tất cả các hoạt động du lịch ngoài trời có tính nguy hiểm và rủi ro nên đó là một thuật ngữ rộng, không dễ định nghĩa và phân loại vì những người khác nhau có nhận định khác nhau về mức độ phiêu lưu. Sự khác nhau giữa du lịch mạo hiểm với các loại hình du lịch khác cũng không rõ ràng bởi vì những loại hình du lịch khác cũng có thể chia sẻ những đặc điểm của du lịch mạo hiểm.


Tuy nhiên, không phải các loại hình du lịch đều có thể bao hàm du lịch mạo hiểm, có nhiều hoạt động trải nghiệm đặc thù của du lịch mạo hiểm nằm ngoài tầm với của các loại hình du lịch thông thường. Trước đây, du lịch mạo hiểm là một phần tương đối nhỏ, nhưng gần đây nó đã trở thành một loại hình biệt lập, chuyên sâu tương ứng với một phân khúc khách hàng cụ thể.


Dựa trên mức độ rủi ro, các nhà nghiên cứu chia du lịch mạo hiểm thành hai loại mềm và cứng. Du lịch mạo hiểm mềm thường bao gồm các hoạt động có mức độ rủi ro thấp và không yêu cầu kỹ năng chuyên môn cụ thể, như cắm trại, ngắm chim và chèo thuyền… thường tìm kiếm những trải nghiệm thể thao tại các địa điểm địa lý đa dạng. Ngược lại, du lịch mạo hiểm cứng đòi hỏi người tham gia phải có kiến thức sâu rộng và kỹ năng thực hành vững vàng cũng như sẵn sàng đối mặt với các điều kiện thể chất khắc nghiệt và sử dụng trang bị an toàn chuyên dụng. Những nhà thám hiểm mạo hiểm là những người tìm kiếm cảm giác mạnh mẽ và hưng phấn. Các hoạt động như khám phá hang động, leo núi/ băng tuyết/ leo núi đá thường được xem là điển hình của du lịch mạo hiểm cứng. Đây là những trải nghiệm đòi hỏi sự chuẩn bị cẩn thận và kỹ năng tốt, vì sự thiếu sót hoặc sai lầm nhỏ có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng của người tham gia. Daniel William Mackenzie Wright đã có một phân loại cụ thể về mức độ khó của hai loại hình du lịch mạo hiểm như sau:


1727060034 33 Diem Du Lich Mao Hiem Tiem Nang Cua Tinh Quang


Bảng phân loại các hình thức của du lịch mạo hiểm (3)


Du lịch mạo hiểm là một phương thức du lịch bền vững. Từ quan điểm xã hội và môi trường, du lịch tập trung vào thiên nhiên là bền vững. Từ quan điểm kinh tế, du lịch, dưới mọi hình thức, có tính khả thi cao và ngành Du lịch càng được khai thác một cách có trách nhiệm thì đất nước càng phát triển mạnh mẽ. Vì du lịch mạo hiểm tập trung vào thiên nhiên nên nó là một nguồn tiềm năng cho sự phát triển xã hội, kinh tế và môi trường. Tổ chức Thương mại Du lịch mạo hiểm (ATTA) định nghĩa du lịch mạo hiểm là một chuyến đi bao gồm 3 yếu tố: hoạt động thể chất, hòa nhập với thiên nhiên, tương tác và học tập văn hóa (4). Thông qua định nghĩa này, có thể thấy rằng, hầu hết khách du lịch đều có thể được coi là những nhà thám hiểm. Do đó, thách thức đối với du lịch sẽ luôn là kích thích sự phát triển kinh tế và xã hội theo cách có tính đến các yếu tố tự nhiên, văn hóa và môi trường. Cả 3 yếu tố kinh tế, môi trường và xã hội luôn được quan tâm trong loại hình du lịch mạo hiểm. Du lịch mạo hiểm giải quyết tất cả những thách thức này theo cách mang lại cơ hội cho cộng đồng địa phương phát triển và nó tính đến sự hiểu biết đa dạng của khách du lịch về những gì một kỳ nghỉ dựa trên phiêu lưu có trách nhiệm và bền vững.


Tóm lại, du lịch mạo hiểm là một loại hình du lịch mà du khách tương tác với môi trường và thiên nhiên, tham gia vào các hoạt động thể chất và trao đổi văn hóa. Trong du lịch mạo hiểm, du khách thường đối mặt với những rủi ro thực tế hoặc cảm nhận được, liên quan đến hoạt động thể chất hoặc khám phá những địa điểm xa xôi và lạ lẫm. Điều này thường xảy ra trong những môi trường tự nhiên ít được khám phá, có ít hoặc không có ảnh hưởng từ đô thị, tạo ra trải nghiệm mới mẻ và hấp dẫn. Thách thức về sức chịu đựng, cả tinh thần và thể chất, là một phần không thể thiếu của các hoạt động mạo hiểm. Hòa nhập với văn hóa địa phương là một phần quan trọng, giúp du khách hiểu sâu hơn về đất nước và con người tại địa điểm họ đến. Chủ nghĩa tối giản và du lịch bền vững là những giá trị quan trọng trong du lịch mạo hiểm, nhấn mạnh vào trách nhiệm sinh thái và ngăn chặn các hành vi tiêu dùng không bền vững (5).


2. Tiềm năng du lịch mạo hiểm của hố sụt Kong


Tiềm năng du lịch tự nhiên


Hố sụt Kong (Kong Collapse) là một hố sụt nằm ở gần cuối hệ thống hang Hổ, hệ thống gồm 3 hang lớn nối liền nhau: hang Pygmy, hang Hổ, hang Over. Hố sụt Kong hình thành do quá trình xâm thực làm rỗng lớp đất đá bên dưới khiến trần hang sụt xuống, tạo thành một hố lớn. Hiện nay, hố nằm trong khu vực rừng nguyên sinh vùng lõi của Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, thuộc địa phận huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Hố có độ sâu 450m, hiện nay Kong là hố sụt sâu nhất Việt Nam và là một trong những hố sụt sâu nhất thế giới. Không có đường giao thông đến khu vực hố sụt, để đến được hố sụt Kong du khách phải trekking băng rừng nguyên sinh. Hiệp hội Hang Động Hoàng Gia Anh trong chuyến khảo sát hang động năm 1997 đã phát hiện ra hệ hố sụt Kong sau khi bơi 20 phút qua dòng nước sâu ở cửa hang Hổ, tuy nhiên sau đó họ đã quay lại vì không tìm được lối ra, chính vì thế ở thời điểm này người ta còn gọi là hố ngõ cụt (6).


Bên dưới đáy hố sụt là một khu rừng thu nhỏ với hệ thống động thực vật mang đặc trưng của Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, tạo nên một không gian tự nhiên đầy sức sống và kỳ diệu. Bên trong hang Hổ và hố sụt Kong, du khách có cơ hội nhìn thấy nhiều hóa thạch, đặc biệt là các hóa thạch nhỏ của các loài thủy sinh như cá và san hô. Điều này không chỉ là một trải nghiệm hấp dẫn về mặt khoa học mà còn là cơ hội tuyệt vời để khám phá và hiểu biết về lịch sử tự nhiên của vùng đất này. Hệ thống sinh thái và cảnh quan ấn tượng được tạo nên bởi những dòng sông chảy trên mặt đất và ngầm dưới lòng đất, kết hợp với các hang động độc đáo, tạo ra một bức tranh tự nhiên đặc sắc và phong phú. Các hệ thống sông ngầm kết nối các hang và hố sụt với nhau, mở ra một loạt các trải nghiệm đa dạng cho du khách tìm kiếm trải nghiệm khám phá và mạo hiểm (7).


Mỗi mùa, hố sụt Kong và các hang động trong Vườn Quốc gia lại hiện ra với vẻ đẹp đặc biệt của riêng mình. Trong mùa khô, thời tiết trở nên ấm áp do sự tác động của gió phơn Tây Nam, nhưng việc khám phá hố sụt Kong không bao giờ gặp khó khăn, bởi hành trình chủ yếu diễn ra dưới bóng râm của những tán rừng nguyên sinh. Bên trong các hang động, không khí luôn mát mẻ, thậm chí có thể chênh lệch nhiệt độ với bên ngoài từ 10-20oC. Vào mùa này, các con suối nhỏ hầu hết đều cạn nước, việc đi lại dễ dàng hơn, đường đi ít lầy lội và trơn trượt. Các hệ thống suối lớn và sông ngầm có mực nước thấp và dòng chảy chậm, nước trong xanh mát phù hợp cho việc bơi suối và khám phá hang động. Trong mùa khô, du khách có thể trải nghiệm cảm giác thú vị của việc bơi trong hang để rời khỏi hố sụt Kong, bởi lúc này cửa hang nằm trên mực nước khá cao.


Trong mùa mưa, với lượng mưa khá lớn, khu vực Vườn Quốc gia chứng kiến nhiều biến đổi đáng kể về độ ẩm và cảnh quan, tạo ra một thử thách đích thực cho những du khách thích mạo hiểm và muốn trải nghiệm sự độc đáo. Mùa mưa độ ẩm cao, khiến cho hệ thực vật phát triển mạnh mẽ và đường đi đến hố sụt Kong cũng như các hang động trở nên lầy lội, tạo ra một thách thức lớn. Mùa mưa sẽ làm đầy lại các con suối cạn, du khách phải lội suối. Bên trong hệ thống hang động, nhiệt độ sẽ cao hơn so với bên ngoài từ 5-10℃. Các sông ngầm chảy trong các hang động có mực nước tăng cao, dòng chảy siết hơn, yêu cầu kỹ thuật và trang bị an toàn để vượt qua. Mùa mưa với mực nước cao, cửa hang ra khỏi hố sụt Kong có thể chìm sâu dưới nước, khiến cho việc bơi qua hang trở nên không thể và du khách phải đi đường bộ. Tại các hang động có thể tích lớn như hang Over, hang Pygmy có thể bắt gặp sương mù bên trong hang và ngắm nhìn những dòng thác trong hang chảy theo mùa mưa, tạo nên một khung cảnh huyền bí và lãng mạn.


Tài nguyên văn hóa


Trong lòng vùng lõi của Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, 3 dân tộc cư trú tại hai bản làng Yên Hợp và 39 hang động đang góp phần tạo nên một bức tranh văn hóa đặc sắc và phong phú. Theo những hồ sơ về Di sản thiên nhiên của Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng năm 2000, cộng đồng này bao gồm 475 thành viên, chủ yếu là người Rục, người Arem và người Coong. Những người dân này sinh sống chủ yếu trong các nhà sàn truyền thống hoặc nhà đất, và phong cách sống của họ chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ rừng già phong phú xung quanh. Cuộc sống hằng ngày của họ phụ thuộc chủ yếu vào việc trồng trọt tự cung tự cấp và sử dụng nước từ các nguồn suối trong vùng. Sự hiện diện của các dân tộc thiểu số này không chỉ là nét độc đáo của vùng Trường Sơn – Tây Nguyên mà còn là một phần quan trọng của di sản văn hóa của Việt Nam. Trên các vách đá của hố sụt Kong và bên trong hang Pygmy, du khách có thể nhìn thấy những dấu vết của hoạt động truyền thống của người Bru Vân Kiều, như các giàn giáo được dùng để khai thác tổ yến tự nhiên. Điều này thể hiện sự giao thoa độc đáo giữa văn hóa bản địa và cảnh quan tự nhiên đặc biệt của vùng đất này.


Tour chinh phục mạo hiểm đỉnh cao hố sụt Kong


Năm 2019, Công ty Jungle Boss cùng đoàn chuyên gia của mình tiến hành khảo sát và nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm chuẩn bị cho việc phát triển du lịch tại hố sụt. Theo anh Phạm Văn Dương, trợ lý an toàn của Công ty Jungle Boss, là một trong những người đầu tiên đặt chân vào hố sụt Kong cho biết: trong quá trình khảo sát với sự hỗ trợ của thiết bị bay flycam, anh đã nhận thấy rằng hố sụt có hình dáng giống với đầu của nhân vật khỉ đột khổng lồ Kong trong các bộ phim nổi tiếng của Hollywood. Dựa trên nhận định này, anh Lê Lưu Dũng – CEO của Công ty Jungle Boss, đã quyết định đặt cho hố sụt này cái tên Kong (Kong Collapse). Điều này đã tạo ra một sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa địa phương và sự hấp dẫn của văn hóa giải trí quốc tế, mang lại cho địa điểm du lịch này một sức hút đặc biệt và độc đáo.


Hiện tại, Công ty Jungle Boss độc quyền quản lý và phát triển du lịch thám hiểm tại hố sụt Kong. Cho đến đầu năm 2024, Công ty đã phát triển tổng cộng 8 sản phẩm du lịch mạo hiểm, đa dạng các cấp độ từ rất dễ đến cực kỳ khó. Hố sụt Kong không có một sản phẩm du lịch khám phá riêng biệt mà thường được kết hợp vào các chương trình thám hiểm hệ thống hang Hổ, bao gồm 3 hang là hang Hổ, hang Over và hang Pygmy. Điều này tạo ra một trải nghiệm thú vị và đa dạng, kết hợp giữa việc khám phá vẻ đẹp tự nhiên và hấp dẫn của hố sụt Kong cùng với sự huyền bí và mạo hiểm của hệ thống hang động xung quanh. Sản phẩm tour “Chinh phục mạo hiểm đỉnh cao hố sụt Kong” của Công ty Jungle Boss có giá 35.000.000 đồng/ khách. Đây không chỉ là một chuyến du lịch thông thường mà còn là một cuộc phiêu lưu và khám phá tuyệt vời, đem lại cho du khách những trải nghiệm không thể quên. Với cấp độ 7 – cấp độ cực kỳ khó của tour du lịch mạo hiểm, kéo dài trong 5 ngày 4 đêm, hành trình này không chỉ là một cơ hội để thử thách bản thân mà còn là một cuộc hành trình đầy kích thích.


Bắt đầu với việc trang bị kiến thức an toàn và kiểm tra sức khỏe tại trụ sở của Công ty Jungle Boss, du khách sẽ được chuẩn bị tinh thần cho những thách thức đầy mạo hiểm tiếp theo. Ngày thứ hai, hành trình sẽ dẫn bạn sâu vào lòng rừng khu vực lõi của Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, nơi bạn sẽ đối mặt trực tiếp với vẻ đẹp hoang sơ và đầy bí ẩn của hang Hổ. Tại đây, bạn sẽ có cơ hội trải nghiệm một đêm kỳ vĩ ngủ dưới bầu trời sao và lắng nghe tiếng sóng vỗ của cuộc phiêu lưu đích thực này. Ngày thứ ba, là cột mốc quan trọng đánh dấu sự dũng cảm và mạo hiểm của du khách khi họ đối mặt trực tiếp với hốc mắt của hố sụt Kong, một thử thách không dành cho những người sợ độ cao. Tại đây, họ sẽ thực hiện việc đu dây xuống đáy hố, vượt qua những đoạn địa hình khác nhau đầy thách thức. Mỗi phần của hành trình được chia thành các đoạn ngắn để giảm áp lực tâm lý và đảm bảo an toàn tối đa. Đêm của ngày thứ ba, du khách cắm trại dưới lòng đất, ngay tại đáy của hố sụt Kong. Đây là một trải nghiệm hấp dẫn và kích thích, khi bầu không khí bao quanh rực cháy bởi sự hồi hộp và kích thích. Ngày thứ tư, sau khi bơi qua cửa hang Hổ, du khách sẽ tiếp tục khám phá hang Over và hang Pygmy, trải qua những đoạn sông ngầm, thạch nhũ và địa hình đa dạng. Đây là cơ hội để du khách thử sức và vượt qua giới hạn của bản thân, để mang về những trải nghiệm không thể nào quên được. Ngày cuối cùng sẽ là khoảnh khắc để lưu giữ và tận hưởng những kỷ niệm đáng nhớ, sau một hành trình khám phá đầy mạo hiểm. Đây là thời điểm để thư giãn và nạp lại năng lượng, trước khi trở về với cuộc sống bình thường hằng ngày.


Du lịch mạo hiểm bền vững cho môi trường


Theo tôn chỉ “Không để lại gì ngoài dấu chân – Không mang gì về ngoài những bức ảnh”, Công ty Jungle Boss cam kết duy trì môi trường nguyên sơ của hố sụt Kong và các hang động bằng cách thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường khắt khe. Tại các bãi trại, nhà vệ sinh dã chiến được sắp xếp và mọi chất thải của du khách đều được xử lý bằng phương pháp ủ vi sinh. Mọi loại rác thải và chất thải đều được vận chuyển ra khỏi rừng bằng sức lao động của nhân viên. Theo quy định của Công ty, du khách không được sử dụng các sản phẩm hóa mỹ phẩm để tránh gây ô nhiễm cho môi trường, bao gồm cả dầu gội, sữa rửa mặt và sữa tắm. Thay vào đó, họ được khuyến khích sử dụng các sản phẩm sinh học hoặc Công ty cung cấp xà phòng hữu cơ từ dầu dừa và bồ hòn. Mục tiêu là để bảo vệ vẻ đẹp tự nhiên của hố sụt Kong và các hang động.


Trong các hang động, mỗi lối đi được cẩn thận khảo sát và thiết kế để giảm thiểu hoặc tránh tác động đến các tảng thạch nhũ quý giá. Đường đi được đánh dấu rõ ràng bằng các tấm phản quang để hướng dẫn du khách, đồng thời họ được yêu cầu tuân thủ lối đi chỉ định để tránh gây tổn hại cho môi trường tự nhiên và nguyên vẹn của hang động, cũng như để tránh lạc trong quá trình tham quan. Bao tay được cung cấp để du khách có thể ngăn mồ hôi từ tay gây ra sự thay đổi màu sắc và trầy xước cho các tảng thạch nhũ. Theo CEO Lê Lưu Dũng, mọi biện pháp bảo vệ môi trường được thiết kế và kiểm chứng bởi các chuyên gia hang động hàng đầu từ Mỹ và Anh, và đã được UBND tỉnh Quảng Bình cùng Sở Du lịch tỉnh phê duyệt. Điều này đảm bảo rằng, mọi hoạt động du lịch tại hang động được thực hiện một cách bền vững và có ích cho cả cộng đồng và môi trường.


Kết luận


Trong bối cảnh ngành Du lịch mạo hiểm đang trở thành một trong những phân khúc phát triển nhanh nhất, việc nắm bắt các xu hướng và tìm hiểu về nó là rất quan trọng. Hố sụt Kong không chỉ là một điểm đến du lịch mạo hiểm hấp dẫn mà còn là một nguồn tiềm năng lớn cho ngành Du lịch ở Việt Nam. Với vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của thiên nhiên và những trải nghiệm độc đáo của loại hình du lịch mạo hiểm mà nó mang lại, hố sụt Kong có thể thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài nước. Sự phát triển của du lịch mạo hiểm tại đây cũng có thể tạo ra cơ hội kinh doanh mới và đóng góp vào phát triển kinh tế và xã hội của địa phương. Tuy nhiên, việc bảo vệ và bảo tồn hố sụt Kong cũng là một thách thức quan trọng, cần sự chú trọng và hợp tác từ cộng đồng địa phương, các nhà quản lý du lịch và chính phủ để đảm bảo rằng nguồn tài nguyên này được sử dụng và bảo tồn một cách bền vững.


________________


1. Adventure Tourism Market Growth & Trends, Adventure Tourism Market Size, Share & Trends Analysis Report By Activity Type (Hard, Soft), By Group (Solo, Couples, Family, Groups), By Booking Mode, By Age Group, By Region, And Segment Forecasts, 2022-2030 (Báo cáo Phân tích quy mô, thị phần và xu hướng của thị trường Du lịch mạo hiểm theo loại hình hoạt động (mạo hiểm nặng, mạo hiểm nhẹ), theo nhóm (cá nhân, cặp đôi, gia đình, nhóm), theo hình thức đặt chỗ, theo nhóm tuổi, theo khu vực, và dự báo phân đoạn, 2022- 2030), Nxb Market, 2022.


2. World Tourism Organization, UNWTO Tourism Definitions (Những định nghĩa về du lịch của UNWTO), UNWTO, Madrid, 2019, tr.36.


3. Daniel William Mackenzie Wright, The future past of travel: adventure tourism supporting humans living on the edge of existence, (Tương lai quá khứ của du lịch: du lịch mạo hiểm hỗ trợ con người sống ở ranh giới của sự tồn tại), Tạp chí Tương lai Du lịch, volume 9 issue 2, 2023.


4. What is Adventure Travel? (Du lịch mạo hiểm là gì?), adventuretravel.biz.


5. David Huddart and Tim Stott, Adventure Tourism: Environmental Impacts and Management (Du lịch mạo hiểm: Tác động môi trường và quản lý), Springer, 2020, tr.3.


6. Lương Công Thành, Khám phá hố sụt Kong Collapse, Tạp chí Văn hóa Quảng Bình, số 5, 2019, tr. 42.


7. Điều kiện tự nhiên, văn hóa – xã hội Quảng Bình, quangbinh.gov.vn, 14-7-2023.


Ths TRƯƠNG PHÚC HẢI – VÕ HOÀNG PHI


Nguồn: Tạp chí VHNT số 581, tháng 9-2024


http://vanhoanghethuat.vn/ho-sut-kong-diem-du-lich-mao-hiem-tiem-nang-cua-tinh-quang-binh.htm