Trở thành thành viên

Nhận cập nhật mới từ Quảng Bình S.vn

― Quảng cáo ―

spot_img
HomeDu LịchĐổi thay trên bản tái định cư của đồng bào biên giới...

Đổi thay trên bản tái định cư của đồng bào biên giới sau trận lũ quét lịch sử

 

Nằm cách trung tâm xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh 10km, bản Sắt có địa hình “lòng chảo” nên thường xuyên bị ngập lụt trong mùa mưa lũ. Còn nhớ đợt mưa lũ lịch sử hồi tháng 10 năm 2020, chính quyền địa phương và Đồn Biên phòng đóng quân trên địa bàn đã cùng người dân dựng lán trại tạm đưa bà con trong vùng nguy cơ sạt lở tại bản Sắt đến ở tạm. Bây giờ, bà con đã được hỗ trợ xây nhà, tặng công trình dân sinh, ổn định cuộc sống mới trong khu tái định cư.

Tại khu tái định cư này có 34 căn nhà dân được xây mới và một khu nhà 2 tầng làm điểm trường học kết hợp nhà tránh lũ cộng đồng. Ông Hồ Linh, người dân bản Sắt, xã Trường Sơn nói rằng, cuộc sống dân bản nay đã ổn định, không còn lo chạy lũ như trước đây. “Chuyển qua khu tái định cư này cuộc sống của bà con từ ăn ở đều tốt hơn trước đây, sản xuất có nề nếp hơn. Bản có điểm trường, nhà văn hóa khang trang nên đời sống của bà con cải thiện hơn”, ông Hồ Linh phấn khởi.

Bản Sắt mới nằm cách đường Hồ Chí Minh nhánh tây gần 8 km, cách trung tâm xã hơn 10 km, đường vào khó khăn nên điện lưới quốc gia chưa thể đến được. Ông Nguyễn Văn Muôn, Trưởng bản Sắt, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh cho biết, có bản mới, nhà mới ai cũng mừng nhưng chưa có điện lưới phục vụ sinh hoạt, sản xuất hằng ngày nên đồng bào cũng vất vả. Theo Trưởng bản Hồ Văn Muôn, chính quyền các cấp đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình dân sinh, tổ chức tái định cư, giao đất cho các hộ gia đình, đến nay, bản Sắt đã có một diện mạo mới. “Chuyển đến nơi ở mới, bà con phấn khởi, tập trung làm ăn, tìm kiếm việc làm để phát triển kinh tế, xây dựng bản làng ngày càng vươn lên. Mong muốn của bà con là được cấp trên, Đảng, Nhà nước đầu tư thêm hệ thông đường giao thông, điện lưới quốc gia cơ bản để dân phát triển kinh tế”.

Xã Trường Sơn xa trung tâm hành chính huyện, giao thông cách trở, đi lại khó khăn. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách quan tâm đầu tư cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn nên đồng bào nơi đây nhận được nhiều hỗ trợ thiết thực. Đặc biệt, các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội, việc lồng ghép thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã giúp đời sống của người dân nơi biên giới này ngày được ổn định. Hiện nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh đang nỗ lực để về đích nông thôn mới vào năm 2025.

Ông Nguyễn Trọng Đức, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh cho biết, chính quyền địa phương đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình dân sinh, tổ chức tái định cư, giao đất cho các hộ gia đình ở vị trí mới. Đóng quân trên địa bàn nay, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình luôn chung tay, góp sức hỗ trợ người dân nơi đây.

Ông Nguyễn Trọng Đức cho biết thêm, với sự quan tâm của tỉnh, huyện bố trí các nguồn lực để hỗ trợ đồng bào trong sản xuất, sự đồng hành của lực lượng Bộ đội Biên phòng đã làm cho diện mạo bản Sắt đổi thay từng ngày. “Thời gian vừa qua chúng tôi tập trung các nguồn lực để hỗ trợ từ các chính sách của Chương trình mục tiêu Quốc gia, cũng đề xuất với tỉnh thu hồi bóc tách một số diện tích để giao đất cho người dân sản xuất. Bây giờ bản vẫn chưa có đường bê tông để bà con đi lại thuận tiện, chưa có điện để bà con sinh hoạt, rất mong thời gian tới các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ, đầu tư cho địa phương”.

 

Dù chưa có điện lưới quốc gia nhưng dọc con đường vào bản Sắt mới đã có hệ thống đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời. Đường làng ngõ xóm, nhà văn hoá, trường học đều có điện thắp sáng, giúp bà con thuận lợi trong sinh hoạt và đi lại. Đồn Biên phòng Làng Mô đã huy động nguồn lực đầu tư xây dựng công trình “Ánh sáng vùng biên”, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời tặng dân bản. Không chỉ đưa ánh điện mặt trời thắp sáng bản làng, Bộ đội Biên phòng còn đưa máy cày vào tặng dân bản, giúp bà con tăng năng suất lao động. Đồn Biên phòng cũng đưa nước về phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu cho đồng ruộng, giúp người dân trồng lúa nước, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp.

 

Trung tá Nguyễn Trung Dũng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Làng Mô, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình cho biết, đơn vị đã giúp đỡ nhân dân trên tuyến biên giới nâng cao đời sống, thắt chặt thêm tình đoàn kết quân dân: “Đã huy động được sự tham gia đông đảo của cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô và đoàn viên thanh niên địa phương với những hoạt động thiết thực như giúp ngày công, chăm sóc thu hoạch rau màu lương thực, cây ăn quả, xây dựng, tu sửa nhà ở, các công trình dân sinh phục vụ các hộ gia đình. Làm tốt công tác nắm tình hình, tuyên truyền, vận động nhân dân trong tham phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”, Trung tá Nguyễn Trung Dũng thông tin.



https://vov.vn/xa-hoi/doi-thay-tren-ban-tai-dinh-cu-cua-dong-bao-bien-gioi-sau-tran-lu-quet-lich-su-post1127046.vov