Trở thành thành viên

Nhận cập nhật mới từ Quảng Bình S.vn

― Quảng cáo ―

spot_img

Đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp

(QBĐT) - Thời gian qua, Đảng bộ Công ty Điện lực Quảng Bình (PC Quảng Bình) luôn chú trọng đổi mới, khẳng định vai...
HomeDu LịchDu lịch Việt cần làm gì để trở thành điểm đến hấp...

Du lịch Việt cần làm gì để trở thành điểm đến hấp dẫn thông qua điện ảnh?

Rất nhiều điểm đến xuất hiện trong các tác phẩm điện ảnh trên thế giới đã tạo được sức cuốn hút khó cưỡng với du khách. Thế nên chẳng có gì là lạ sau khi “Triệu phú khu ổ chuột” giành tượng vàng Oscar, Dharavi (Ấn Độ) bỗng nhiên nổi tiếng. Bộ ba “Chúa tể của những chiếc nhẫn” cùng loạt phim về xứ sở người lùn Hobbit cũng khiến lượng khách tăng vọt đến New Zealand. Thậm chí, “thiên đường Bali” (Indonesia) còn buộc phải giảm tải du khách sau hiệu ứng “Ăn, cầu nguyện, yêu” và “Tấm vé đến thiên đường”của siêu sao Julia Robert.

Với Việt Nam, “Người tình” (L’amant), “Đông Dương” (Indochine), “Người Mỹ trầm lặng” (The quiet American)… và gần đây nhất là “Hành trình tình yêu của một du khách” (A Tourist’s Guide to Love) đã đưa các các di sản, điểm đến tuyệt đẹp của chúng ta trở thành phông nền cho mỗi thước phim điện ảnh thế giới. Sức hút khó cưỡng từ những kỳ quan trên màn ảnh quả thực đã khiến những trái tim du khách quốc tế phải thổn thức và thôi thúc bước chân trên hành trình khám phá dải đất hình chữ S.

Hơn bao giờ hết, điện ảnh đang được kỳ vọng trở thành bệ phóng giúp quảng bá “vẻ đẹp bất tận” của Việt Nam tới bạn bè quốc tế và tạo đà cho Du lịch nước nhà bứt phá mạnh mẽ. Đó cũng là lý do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với báo Nhân Dân tổ chức tọa đàm trực tuyến “Việt Nam – điểm đến mới của điện ảnh thế giới” vào sáng nay, ngày 10/9, tại Hà Nội.

Điểm đến mới của điện ảnh thế giới

Sở hữu cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp; văn hóa đặc sắc, đa dạng; ẩm thực phong phú, độc đáo; con người hiền hòa, thân thiện, Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển du lịch thông qua điện ảnh, có cơ hội trở thành điểm đến mới của du lịch thế giới trong thời gian tới.

Tam Coc1.Jpg
Ninh Bình là điểm dừng chân của nhiều đoàn làm phim quốc tế. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Song, sự phối hợp giữa điện ảnh và du lịch ở nước ta hiện còn nhiều rào cản khiến hai lĩnh vực này chưa thể phát triển bứt phá. Trong khi đó, kinh nghiệm phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, nếu phối hợp tốt, ngành công nghiệp du lịch và điện ảnh sẽ mang lại những giá trị kinh tế lớn, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh điểm đến.

Phát biểu tại tọa đàm, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh khẳng định Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng phát triển du lịch, quan tâm đầu tư để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, qua đó thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ các ngành khác.

Sau đại dịch COVID-19, khi kinh tế rơi vào thời kỳ khó khăn, Nghị quyết số 82/NQ-CP năm 2023 tiếp tục đưa ra nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Trong đó, chú trọng phát triển, làm mới loại hình, dịch vụ du lịch đa dạng, độc đáo trên cơ sở tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, gắn với phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc.

Không nằm ngoài mục tiêu đó, ông Lê Quốc Minh mong muốn tọa đàm là dịp để lắng nghe và lan tỏa những ý kiến, chia sẻ của các chuyên gia, các nhà quản lý, các lãnh đạo từ nhiều đơn vị về những kiến thức, kinh nghiệm, đưa ra những đề xuất, giải pháp phù hợp để thúc đẩy phát triển du lịch từ một khía cạnh mới đầy tiềm năng: Du lịch thông qua điện ảnh, văn hóa.

Điện ảnh là một lĩnh vực đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội, phim ảnh là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với hầu hết mọi người. Đặc biệt, đối với những quốc gia có nền công nghiệp điện ảnh phát triển như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp, Hàn Quốc, Anh, Italy… thì các tác phẩm điện ảnh của họ có sức lan tỏa rất lớn với lượng lớn khán giả ở trong nước, khu vực và thế giới. Những bộ phim “bom tấn” Hollywood có khả năng tiếp cận khán giả trên toàn cầu và có doanh thu lên tới hàng tỷ USD.

Theo thống kê, từ năm 2001, sau khi các phần phim “Chúa tể của những chiếc nhẫn” (Lord of the Rings) được phát hành, lượng khách quốc tế đến New Zealand đã tăng 50%. Còn tại Anh, trong giai đoạn 2011-2014 loạt phim “Harry Potter” giúp tăng 230% du khách nước ngoài đến thăm các phim trường ở nước này.

Aaaabvkec358N_I-2Wt2Vkjotqwhxdyqixytp4-Nqhwh8Eb7Z1Zxwrwk0Ixi_7Eihdrotrbq0Xuyzuoya1-Mpkzyuf-Q_Tlsiwrdgvpm.jpg
Hội An lung linh trong bộ phim “A Tourist’s Guide to Love.”

Các địa danh tuyệt đẹp ở Croatia, Iceland, Bắc Ireland, Scotland… xuất hiện trong bộ phim “Trò chơi vương quyền” (Game of Thrones) cũng đã trở thành điểm thu hút khách du lịch sau khi bộ phim được phát hành.

Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh nhận định Việt Nam rất giàu tài nguyên thiên nhiên, sinh thái, văn hóa. Theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới, tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam xếp hạng 26 và tài nguyên văn hóa xếp hạng 28 trên thế giới.

“Đây là nguồn tài nguyên rất tốt để phát triển du lịch kết hợp với điện ảnh. Sự thành công của bộ phim ‘Kong: Skull Island’ với những cảnh quay hoành tráng tại Hạ Long, Quảng Bình, Ninh Bình cho thấy Việt Nam hoàn toàn có khả năng trở thành phim trường của những bộ phim ‘bom tấn’ của Hollywood,” ông Nguyễn Trùng Khánh khẳng định.

Kinh nghiệm từ Quảng Bình

Được các tạp chí du lịch uy tín và khách du lịch đánh giá là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn, đáng trải nghiệm tại Việt Nam cùng sự phong phú, đa dạng về cảnh quan thiên nhiên, các giá trị văn hóa, Quảng Bình đã được các hãng phim trong nước và nước ngoài đến khảo sát bối cảnh và triển khai một số bộ phim, video ca nhạc nổi bật như: “Good Morning America,” “Kong: Skull Island,” “Alone Pt II” của DJ Alan Walker, một phần của tập 6 của Planet Earth III – Extremes, “Người bất tử”…

Để tạo thuận lợi cho các đoàn phim Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình Nguyễn Ngọc Quý cho biết Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo Sở Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp kết nối, doanh nghiệp chịu trách nhiệm công tác hậu cần để tạo điều kiện tốt nhất khi các đoàn làm phim đến khảo sát, triển khai dự án phim.

Theo đó, các địa phương cung cấp thông tin và tư vấn về cảnh quay, địa điểm, hỗ trợ sản xuất, quy định và thủ tục pháp lý, tư vấn về các vấn đề kỹ thuật; cách thức đoàn làm phim làm việc với người dân địa phương và tìm kiếm các dịch vụ hỗ trợ như quay phim, làm kịch bản, thiết kế sản xuất, đóng vai quần chúng, nhân dân.

Đồng thời, các địa điểm trong tỉnh cũng chỉ đạo đơn vị liên quan hỗ trợ các đoàn làm phim trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, bảo đảm tính bảo mật trong quá trình thực hiện phim; chỉ đạo các đơn vị quản lý, khai thác các khu, điểm tham quan du lịch, các cơ sở lưu trú, các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch hỗ trợ tối đa cho các đoàn làm phim.

Ngoài ra, tỉnh phối hợp, đồng hành trong công tác truyền thông, giới thiệu bộ phim khi được phát hành gắn với quảng bá điểm đến du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Quảng Bình nói riêng.

Miet_Vuon-1.Jpg
Thiên nhiên tươi đẹp là điểm cộng cho điểm đến Việt Nam. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

“Đồng quan điểm với Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển điện ảnh Việt Nam, tiến sỹ Ngô Phương Lan, chúng tôi cũng cho rằng không nên du lịch hóa các tác phẩm điện ảnh. Do vậy, trong quá trình phối hợp với các đối tác chúng tôi chủ yếu quảng bá du lịch sau khi bộ phim được trình chiếu,” ông Nguyễn Ngọc Quý khẳng định.

Qua việc triển khai các dự án phim phim tại Quảng Bình, lãnh đạo địa phương nhận thấy nhu cầu rất lớn từ việc xúc tiến điện ảnh gắn với quảng bá du lịch của các điểm đến tại Việt Nam. Đặc biệt, việc quảng bá du lịch, con người Việt Nam thông qua các bộ phim điện ảnh “bom tấn” của Hollywood là một trong những phương thức quảng bá hiệu quả nhất, có khả năng tiếp cận sâu rộng tới hàng trăm triệu khán giả trên thế giới.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình để biến nhu cầu đó thành các sản phẩm cụ thể thì cần kế hoạch thực hiện dài hạn với sự đồng hành của các doanh nghiệp có khả năng xúc tiến, làm đầu mối; xác định, triển khai phương thức tiếp cận đúng, trực tiếp đến những người có khả năng quyết định việc triển khai các dự án phim.

Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện thuận lợi cho các đạo diễn bối cảnh, đoàn khảo sát các dự án phim và sẵn sàng các tư liệu giới thiệu các điểm phim trường, các chính sách hỗ trợ, đồng hành với đoàn làm phim; đồng thời cũng phải có những thỏa thuận cụ thể về công tác bảo mật thông tin, quảng bá, truyền thông khi triển khai các dự án phim.

Xúc tiến mạnh mẽ quảng bá du lịch qua điện ảnh

Theo thông tin từ Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, nhằm quảng bá điểm đến du lịch, tiềm năng bối cảnh quay phim, hấp dẫn các hãng phim từ Hollywood – kinh đô điện ảnh thế giới đến Việt Nam thực hiện quay các bộ phim có sức hút lớn, thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, từ ngày 21-28/9, Bộ sẽ tổ chức Chương trình Xúc tiến du lịch – điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ với chủ đề “Việt Nam – Điểm đến mới của điện ảnh thế giới.”

Vnp_Nguyen Van Hung.jpg
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Đây là chương trình xúc tiến, quảng bá có tính chất điểm nhấn trong năm 2024 của Bộ với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, đại diện một số tỉnh/thành phố, đại diện các Sở Du lịch, Sở Văn hóa – Thể thao, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch địa phương. Đặc biệt, các doanh nghiệp du lịch, doanh nghiệp điện ảnh, diễn viên, một số KOL… sẽ là chủ thể chính của chương trình quảng bá, xúc tiến này.

Các chuyên gia nhấn mạnh liên kết giữa điện ảnh và du lịch là hướng đi đúng và tất yếu để phát triển quảng bá du lịch hiệu quả. Vì thế, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định quyết tâm tập trung phát triển điện ảnh, và điện ảnh phải liên kết với du lịch.

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, trong 12 lĩnh vực của công nghiệp văn hóa, điện ảnh và du lịch là hai ngành trọng tâm. Sự liên kết giữa hai ngành này sẽ tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển.

Nền Tảng Trực Tuyến Google Arts &Amp; Culture Vừa Chính Thức Ra Mắt Triển Lãm Đặc Biệt Dành Cho Việt Nam Mang Tên “Vibrant Vietnam.” (Ảnh: Btc)

Dự án “Vibrant Vietnam” là một minh chứng tiêu biểu về cách công nghệ tạo cầu nối giữa các nền văn hóa, mang di sản phong phú cùng cảnh quan tuyệt đẹp của Việt Nam đến với khán giả toàn cầu.

Vu Hoang My - Photo Hai An3 (1).Jpg
Hệ thống hang động độc nhất vô nhị ở Quảng Bình đã trở thành điểm đến cho nhiều đoàn làm phim. (Ảnh: Hải An/Vietnam+)

Lãnh đạo Bộ khẳng định quyết tâm tập trung phát triển điện ảnh, điện ảnh phải liên kết với du lịch. Tính hiệu quả của sự liên kết này đã được kiểm chứng trên thực tế thông qua các sự kiện, chương trình liên kết mà qua đó, các nhà làm phim đã ký kết hợp tác với chính quyền, góp phần quảng bá du lịch địa phương, thu hút du khách.

“Khi nói về quảng bá, thu hút khách du lịch thông qua việc xây dựng các tác phẩm điện ảnh, chúng ta nhận thấy rõ sức mạnh của điện ảnh không chỉ là một lĩnh vực nghệ thuật, mà còn là một lĩnh vực của văn hóa. Nếu biết gắn kết sức mạnh này sẽ tạo ra sức lan tỏa rất cao trong quảng bá, giới thiệu về du lịch,” Bộ trưởng nhấn mạnh và cho biết thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp các đơn vị, địa phương tổ chức các chương trình đẩy mạnh liên kết quảng bá du lịch với các ngành khác./.

https://www.vietnamplus.vn/du-lich-viet-can-lam-gi-de-tro-thanh-diem-den-hap-dan-thong-qua-dien-anh-post975593.vnp