Theo đó, bên cạnh việc trợ sức cho các cơ sở công nghiệp nông thôn đổi mới sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Bình (gọi tắt là Trung tâm) đã chủ động tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn bắt nhịp với xu hướng sản xuất, kinh doanh trên nền tảng số.
Cụ thể, từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ mặt hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa trong tỉnh và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, bằng việc thực hiện hỗ trợ 05 doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn xây dựng 05 “Gian hàng Việt trực tuyến” gồm các sản phẩm chủ lực, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, OCOP trên Sàn Thương mại điện tử Shopee.
Các doanh nghiệp, cơ sở CNNT có sản phẩm tham gia “Gian hàng trực tuyến” phải đảm bảo các yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, nhãn hiệu, bao bì, vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; số lượng ổn định, đảm bảo đủ năng lực cung ứng theo yêu cầu của nhà phân phối, như: Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Thanh Sơn; Công ty TNHH Du lịch Phong Nha Heritage; Hợp tác xã sản xuất kinh doanh Trầm hương Nam Lá; Công ty TNHH Linh Huệ; HTX sản xuất cây dược liệu sạch và kinh doanh nông nghiệp xã Cự Nẫm.
Là cơ sở CNNT được Trung tâm hỗ trợ xây dựng “Gian hàng Việt trực tuyến” gồm các sản phẩm chủ lực, sản phẩm CNNT tiêu biểu, OCOP trên Sàn Thương mại điện tử Shopee, anh Phan Thanh Sơn – Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Thanh Sơn chia sẻ: Sau khi được Trung tâm hỗ trợ, Hợp tác xã được tặng thêm 1 kênh bán hàng online rất hiệu quả, ngoài Shopee thì Hợp tác xã còn bán online trên nền tảng Facebook, Zalo, Tiktok. Điều này giúp Hợp tác xã tiếp cận thêm được nhiều khách hàng hơn và bán được nhiều sản phẩm hơn, đây cũng là cơ hội để Hợp tác xã quảng bá sản phẩm và thương hiệu ra thị trường trong cả nước. Nhờ vậy, công việc sản xuất, kinh doanh của chúng tôi thuận lợi và đạt kết quả tốt hơn.
Theo ông Lê Mậu Khánh – Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Bình: Việc hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở CNNT của tỉnh xây dựng các “Gian hàng Việt trực tuyến” gồm các sản phẩm chủ lực, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, OCOP trên Sàn thương mại điện tử Shopee là một giải pháp hiệu quả nhằm xây dựng các chương trình xúc tiến bán hàng, mở rộng và phát triển kênh phân phối bằng các giải pháp chuyển đổi số, liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng hình thức thương mại điện tử và công nghệ số thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến”, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Quảng Bình đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa.
Ngoài ra, nhằm phát triển và ứng dụng công nghệ mới trong thương mại điện tử, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp. Trung tâm hỗ trợ 06 doanh nghiệp phát triển thương hiệu trên môi trường internet thông qua kênh truyền thông marketing trên nền tảng số.
Đặc biệt, trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái đang diễn ra phức tạp, ngày càng tinh vi, việc áp dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc hàng hóa là hết sức cần thiết. Trong đó, công nghệ QR code được coi là giải pháp hiệu quả, vừa giúp nhà sản xuất truyền tải thông điệp về thông tin nguồn gốc xuất xứ sản phẩm hàng hóa, vừa đáp ứng yêu cầu minh bạch từ khâu sản xuất đến quá trình phân phối đến tay người tiêu dùng.
Trong năm 2024, Trung tâm cũng hỗ trợ 10 doanh nghiệp, cơ sở CNNT được hỗ trợ miễn phí tạo mã QR code để truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Đây là những doanh nghiệp, cơ sở CNNT tiêu biểu trong việc ứng dụng Thương mại điện tử trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh và có nhiều đóng góp trong việc tham gia các hoạt động Xúc tiến thương mại trong thời gian qua, bao gồm: Hợp tác xã sản xuất và chế biến khoai gieo Hải Ninh; Hợp tác xã chế biến thủy hải sản Ngư Trung; Hợp tác xã sản xuất kinh doanh Trầm hương Nam Lá; Hợp tác xã sản xuất tinh dầu Như Oanh; Công ty TNHH Diến Hồng; Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Thanh Sơn; Hợp tác xã tinh dầu Tràm Sả Thu Sơn; Công ty TNHH sản xuất, dịch vụ thương mại Tấn Phát; Hợp tác xã tổng hợp Nông trại An Mã; Hợp tác xã dược liệu sạch Thủy Mai…
Chị Nguyễn Thị Thuỳ Trang – Giám đốc Hợp tác xã sản xuất kinh doanh Trầm hương Nam Lá cho biết: Thông qua việc quét mã QR code được in trên nhãn, người tiêu dùng sẽ truy xuất được thông tin của sản phẩm. Cụ thể, những sản phẩm sẽ được thể hiện về quy trình, nguồn gốc nguyên liệu, giá thành, các chứng nhận an toàn thực phẩm,… Từ đó, tạo lòng tin cho người tiêu dùng, góp phần bảo vệ người tiêu dùng tránh phải hàng giả, kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ…Mặt khác, việc tạo mã truy xuất nguồn gốc giúp Hợp tác xã bảo vệ thương hiệu, uy tín, sản phẩm chất lượng trên thị trường trong và ngoài tỉnh, từng bước vươn ra thị trường nước ngoài.
Việc hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh áp dụng các giải pháp công nghệ số, ứng dụng truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm bằng mã QR code là điều vô cùng cần thiết và là xu hướng tất yếu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp bứt phá trên thị trường nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Có thể thấy, sau khi được tham gia các lớp tập huấn của Trung tâm tổ chức, các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn, hợp tác xã không chỉ tham gia quảng bá, bán hàng hiệu quả trên sàn giao dịch thương mại điện tử mà còn ứng dụng lợi thế các trang mạng xã hội (facebook, tiktok, zalo…) để quảng bá, tương tác, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ của mình. Đây chính là giải pháp đưa số hóa len lỏi vào cuộc sống của người dân một cách thiết thực và hiệu quả nhất.
https://tapchicongthuong.vn/quang-binh–ho-tro-cac-co-so-cong-nghiep-nong-thon-thuc-hien-chuyen-doi-so-127724.htm