Dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình được triển khai từ năm 2017, hoàn thành vào năm 2022, sau đó được gia hạn đến 31/12/2024.
Dự án có tổng mức đầu tư 38,8 triệu USD, trong đó, vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 30 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại là 1 triệu USD, vốn đối ứng của tỉnh Quảng Bình là 7,8 triệu USD.
Dự án có 11 gói thầu, gồm 6 gói thầu xây lắp, 1 gói thầu thiết bị và 4 gói thầu tư vấn. Hiện chỉ có gói thầu DH/W7 đã hoàn thành. Các gói thầu còn lại hiện vẫn đang được triển khai, trong đó có các gói đang bị vướng mặt bằng. Đến nay dự án mới giải ngân được 351,17 tỷ đồng, đạt 51,53% tổng giá trị hợp đồng đã ký kết.
Theo Ban quản lý Dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP. Đồng Hới (BQLDA) đến nay dự án đã thực hiện bồi thường và giải phóng mặt bằng (GPMB) trên 90% diện tích dự án.
Tổng giá trị bồi thường và GPMB được phê duyệt là 65,21 tỷ đồng, đến nay đã chi trả 43,58 tỷ đồng, các hộ không nhận tiền với số tiền 2,59 tỷ đồng và một số hộ đã phê duyệt đợt 13, đợt 14 và đợt 15 với số tiền 19,05 tỷ đồng hiện nay chưa có kinh phí để chi trả.
Ông Lê Thanh Tịnh, Giám đốc BQLDA cho biết, trong 176,74 tỷ đồng nguồn vốn đối ứng, kinh phí chi trả bồi thường GPMB là 31,32 tỷ đồng. Tuy nhiên, do giá đất và giá tài sản đã tăng cao hơn nhiều lần so với thời điểm lập và phê duyệt dự toán, dẫn đến thiếu hụt kinh phí phục vụ công tác bồi thường GPMB, ước tính thiếu khoảng 96,5 tỷ đồng.
Ông Tịnh cho biết, để có kinh phí cho việc bồi thường GPMB, UBND tỉnh Quảng Bình đã điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn đối ứng của dự án, nâng tổng số tiền GPMB từ 31,32 tỷ đồng lên 49,77 tỷ đồng. Dù vậy, kinh phí để chi trả tiền bồi thường GPMB vẫn thiếu khoản 67,4 tỷ đồng.
“Ban QLDA đề nghị tỉnh cho phép khấu trừ tiền sử dụng đất mà các hộ gia đình, cá nhân phải nộp khi được giao đất tái định cư vào phương án bồi thường GPMB theo nguyên tắc bồi thường về đất, điều này sẽ giải quyết được khoảng 30,5 tỷ đồng. Cùng với đó cho phép điều chuyển phần vốn đối ứng thuộc ngân sách địa phương không sử dụng hết từ Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải – tiểu dự án thành phố Đồng Hới (vay vốn WB) sang cho dự án vay vốn ADB. Bố trí bổ sung vốn đối cho dự án từ ngân sách tỉnh là 21,2 tỷ đồng”, ông Tịnh nhấn mạnh về việc giải quyết nguồn vốn về giải phóng mặt bằng.
Dự án khả năng ‘vỡ’ tiến độ vì mặt bằng
Theo đánh giá của BQLDA, với khối lượng lớn mặt bằng chưa được giải phóng, dự án khả năng sẽ không hoàn thành được mục tiêu đề phải hoàn thành ngày 31/12/2024.
Ông Tịnh nhấn mạnh, nếu không đảm bảo được mặt bằng sạch để nhà thầu thi công có thể tính đến phương án kết thúc dự án tại điểm dừng kỹ thuật. Tuy nhiên, một số nút thắt vẫn phải giải quyết để đảm bảo phần khối lượng đã thi công được kết nối, vận hành, phát huy hiệu quả.
“Nếu các vướng mắc nêu trên không được giải quyết, tháo gỡ kịp thời sẽ làm cho dự án không thể hoàn thành tại thời điểm 31/12/2024. Việc cắt giảm các đoạn tuyến, các hạng mục do vướng mắc về mặt bằng sẽ làm cho dự án không đạt được 100% mục tiêu đề ra, dẫn đến lãng phí trong đầu tư công, có thể xảy ra khiếu kiện của các hộ dân trong vùng thực hiện dự án vì tình trạng quy hoạch treo, dự án dang dở”, ông Tịnh cho biết.
Cũng theo ông Tịnh, BQLDA đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình bổ sung kinh phí bồi thường GPMB còn thiếu cho dự án khoảng 78,1 tỷ đồng, tạm ứng kinh phí từ Quỹ phát triển đất của tỉnh để chi trả kịp thời cho các trường hợp đã có quyết định phê duyệt phương án bồi thường.
https://nhadautu.vn/du-an-moi-truong-hon-38-trieu-usd-o-quang-binh-hut-kinh-phi-de-giai-phong-mat-bang-d89734.html