Sống chung với lũ
Do ảnh hưởng của Bão số 4 gây mưa liên tục kèm theo lượng mưa lớn từ thượng nguồn đổ về, gần 400 ngôi nhà tại xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình bị ngập sâu trong nước.
Ông Trương Thanh Duẫn, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa, cho biết, mưa lũ đã làm gần 400 nhà dân ở Tân Hóa bị ngập sâu từ 0,5 – 2m. Rạng sáng nay, nước lũ dâng cao gần 2m cô lập hoàn toàn Tân Hóa với bên ngoài.
Hiện nước lũ vẫn đang tiếp tục lên, tuy nhiên công tác ứng phó đã được chính quyền địa phương triển khai một cách chủ động. Người dân đã chuẩn bị đồ đạc, vật dụng và tài sản lên nhà phao tránh trú nên mọi thứ diễn ra an toàn.
Theo Chủ tịch UBND xã Tân Hóa, toàn xã có hơn 700 hộ dân, người dân nơi đây đã quen “sống chung với lũ”. Đặc biệt nhờ nhà phao nên bà con địa phương đã ứng phó một cách chủ động làm giảm thiểu thiệt hại về tài sản.
Tại xã Tân Hóa, mô hình nhà phao – một sáng kiến được triển khai từ nhiều năm trước đã giúp người dân thích ứng với lũ lụt. Khi nước dâng, nhà sẽ tự động nổi lên theo mực nước, đảm bảo an toàn cho người và tài sản bên trong. Thay vì phải sơ tán lên núi, hoặc đối diện với rủi ro mất mát tài sản như nhiều năm trước, người dân có thể yên tâm sinh sống ngay trong vùng lũ.
Du lịch thích ứng thời tiết
Tân Hóa là xã miền núi được bao bọc bởi những dãy núi đá vôi và vùng thấp dưới thượng nguồn của sông Rào Nan. Hằng năm, cứ đến khoảng tháng 9 đến tháng 11, địa phương này lại hứng chịu nhiều thiên tai, đặc biệt là lũ lụt.
Vào mùa mưa lũ, nước từ trên thượng nguồn của các xã đều chảy dồn về Tân Hoá và thoát nước qua hệ thống sông ngầm trong núi của sông Rào Nan, hệ thống thoát nước chậm nên vùng đất này thường bị ngập lụt cao. Chính vì vậy, Tân Hoá được xem là “rốn lũ” của tỉnh Quảng Bình.
Trước đây, cuộc sống của người dân Tân Hóa vô cùng khó khăn, điều kiện thiếu thốn. Mỗi khi xảy ra lũ lụt, người dân phải phụ thuộc vào sự ủng hộ và quyên góp của các mạnh thường quân trên khắp cả nước.
Sau trận lũ lịch sử năm 2010, vào năm 2011, người dân xã Tân Hóa đã có sáng kiến làm bè phao để “sống chung với lũ”, đảm bảo 100% các hộ dân có thể thích ứng, an toàn.
Từ tháng 11/2022, Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (Công ty Oxalis) đã phối hợp với Sở Du lịch Tỉnh Quảng Bình và chính quyền địa phương xây dựng đề án phát triển làng Tân Hóa thành làng du lịch cộng đồng do người dân tự vận hành, với các mô hình homestay, nhà hàng ẩm thực phục vụ các món ăn địa phương và các tour du lịch tham quan nét đẹp văn hóa của cộng đồng người Nguồn.
Ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Công ty Oxalis cho biết: “Du lịch thích ứng thời tiết là ngay cả khi nước lên thì các hộ cung cấp dịch vụ ăn tại nhà dân vẫn phục vụ, họ sẽ nấu cơm mời khách trên các nhà phao, thay vì đạp xe đi ăn tối nhà dân thì nay khách sẽ chèo kayak đi ăn tối. Tân Hoá có 10 căn homestay làm trên nhà nổi và khách có thể ở vào những ngày ngập lụt, homestay có hệ thống nhà vệ sinh tự hoại treo và vẫn hoạt động bình thường khi nước lên”.
Từ một làng quê nghèo đói vì lũ lụt hằng năm và được mệnh danh là “rốn lũ” của Quảng Bình, Tân Hoá đã tìm cách thích ứng với thời tiết và thiên tai để vươn lên nhờ làm du lịch.
Tân Hóa được nhiều du khách biết đến nhờ vẻ đẹp thiên nhiên của núi rừng và phong cảnh bình yên. Tháng 10/2023, làng Tân Hóa, xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) vinh danh “Làng du lịch tốt nhất thế giới”.
Giải thưởng Làng Du lịch tốt nhất của UNWTO nhằm ghi nhận một điểm đến trở thành một ví dụ nổi bật về du lịch nông thôn với các tài nguyên về văn hóa và thiên nhiên. Nơi đó đã bảo tồn và phát huy các giá trị, sản phẩm và văn hóa dựa vào cộng đồng, đồng thời có cam kết rõ ràng về tính bền vững ở mọi khía cạnh: Kinh tế, xã hội và môi trường với mục tiêu căn bản là đưa du lịch trở thành một trong những động lực cho sự chuyển đổi tích cực, phát triển nông thôn và phúc lợi xã hội.
https://www.nguoiduatin.vn/ky-la-khi-nuoc-lu-tro-thanh-the-manh-cua-lang-du-lich-tot-nhat-the-gioi-204240920115517105.htm