Trở thành thành viên

Nhận cập nhật mới từ Quảng Bình S.vn

― Quảng cáo ―

spot_img

Top 6 shop bán áo giữ nhiệt Quảng Bình vừa đẹp lại ấm

Mùa đông đang đến gần, việc tìm kiếm những chiếc áo giữ nhiệt chất lượng để bảo vệ cơ thể khỏi cái lạnh là...
HomeQuảng BìnhKhông chỉ là trách nhiệm!

Không chỉ là trách nhiệm!

(QBĐT) – Chăm sóc trẻ bình thường vốn dĩ đã nhiều vất vả, chăm sóc trẻ khuyết tật, sự vất vả, khó nhọc ấy nhân lên bội phần. Thế nhưng, bằng tinh thần trách nhiệm và sự yêu thương. chân thành, sâu sắc, các cán bộ, giáo viên Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật huyện Lệ Thủy đã và đang từng ngày chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ những trẻ không may bị khiếm khuyết về cơ thể, trí tuệ như đứa con của mình. Chính những yêu thương, ân cần ấy đã mang đến nụ cười, niềm tin và hy vọng cho biết bao trẻ khuyết tật kém may mắn.

Sau tiếng trống điểm, lúc 8 giờ, Dương Văn Bính (SN 2014, ở xã Xuân Thủy, Lệ Thủy) cùng các học sinh lớp 3B do cô giáo Nguyễn Thị Thu chủ nhiệm ngồi ngay ngắn vào bàn để chuẩn bị bắt đầu tiết học thứ hai. Ngồi chăm chú nghe giảng, chốc chốc, Bính lại giơ tay xung phong phát biểu khi cô giáo đặt câu hỏi. Sau giờ học văn hóa, Bính và các bạn lại được dạy về các kỹ năng đặc thù, từ mắc màn, vệ sinh cá nhân, tự ăn cơm cho đến kỹ năng giao tiếp, sống độc lập… Nhìn nét mặt hứng khởi với tiết học, nhìn cách em gấp gọn chiếc chăn, lau sạch bát đũa, chẳng ai ngờ rằng cậu bé có gương mặt sáng ấy bị khuyết tật về trí tuệ.

Từ nhỏ, thiếu vắng tình thương của cha, Bính sống cùng mẹ và anh trai (cũng bị khuyết tật) trong cảnh nghèo khó, thiếu thốn. Hai năm trước, ngày mới vào trung tâm, Bính rụt rè, sống khép kín, không trò chuyện cùng ai, mọi sinh hoạt của em đều trông cậy vào các giáo viên ở đây. Thế rồi, nhờ những chăm sóc, dạy dỗ tận tình, chu đáo của mọi người, cậu bé ngờ nghệch ngày nào giờ đã có những tiến bộ rõ rệt.





Cán Bộ, Giáo Viên Trung Tâm Giáo Dục Trẻ Khuyết Tật Huyện Lệ Thủy Luôn Dành Cho Học Sinh Tình Yêu Thương, Sự Quan Tâm Đặc Biệt.
Cán bộ, giáo viên Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật huyện Lệ Thủy luôn dành cho học sinh tình yêu thương, sự quan tâm đặc biệt.

Em không chỉ biết tự vệ sinh cá nhân, tự ăn cơm, giữ vệ sinh chung… mà còn tiếp thu bài khá nhanh và quan trọng là em đã cởi mở, biết giao tiếp nhiều hơn với những người xung quanh. Chừng ấy thôi nhưng là biết bao nỗ lực không chỉ của bản thân em mà của cả các cán bộ, nhân viên trung tâm, những người vừa đảm nhận vai trò giáo viên, vừa như phụ huynh chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho em và các bạn.  

Nhìn khối công việc mà các giáo viên ở đây phải thực hiện mỗi ngày mới thấy hết sự nỗ lực, tận tâm của họ. Không giống như ở những ngôi trường khác, tại trung tâm, mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên muốn hoàn thành công việc phải nỗ lực gấp bội, bởi đối tượng chăm lo là những đứa trẻ khiếm khuyết, thiệt thòi và đặc biệt họ phải cùng lúc đảm nhận nhiều vai trò đòi hỏi sự chuyên tâm, trách nhiệm.

“Ngày mới vào đảm nhận công việc tại trung tâm, tôi khá “sốc”. Mặc dù biết dạy trẻ khuyết tật không phải là công việc dễ nhưng trước đó, tôi chưa hình dung hết những việc phải làm, cả những khó khăn, áp lực phải đối diện. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là đến giờ lên lớp, dạy các em con chữ, bài toán, những kỹ năng giao tiếp cơ bản… rồi hết giờ là được về nhà, chứ chưa nghĩ đến việc giáo viên phải chăm lo mọi thứ cho trẻ từ việc học, vui chơi, vệ sinh cá nhân cho đến từng bữa ăn, giấc ngủ. Phải mất một thời gian tôi mới quen với công việc “đặc biệt” này và dần dà, đó không chỉ là trách nhiệm mà là tình thương xuất phát từ tâm. Những nỗ lực, cố gắng của bản thân tôi và mọi người ở đây chẳng thể bù đắp hết thiệt thòi mà các em phải chịu, nhưng sẽ là “liều thuốc” xoa dịu những tổn thương để các em được sống vui, sống ý nghĩa hơn mỗi ngày”, cô giáo Nguyễn Thị Thúy Hằng tâm sự.







Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật huyện Lệ Thủy hiện có 8 lớp học với 62 học sinh, trong đó, 13 em bị câm, điếc, 49 em bị đa tật, như: Khuyết tật hệ vận động, bệnh down, tự kỷ, tăng động, bại não… Với những đóng góp trong công tác chăm sóc, nuôi dạy trẻ khuyết tật, trung tâm đã nhiều lần nhận được bằng khen, giấy khen của các cấp, ngành.

Đến Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật huyện Lệ Thủy, điều khiến chúng tôi ấn tượng hơn cả là sự kiên trì, nhẫn nại và tinh thần trách nhiệm của các giáo viên. Các học sinh ở đây có đủ dạng khuyết tật, như: Khuyết tật vận động, bệnh down, tự kỷ, tăng động, bại não… nên để duy trì một lớp học ổn định không phải là chuyện dễ.

Đôi khi, với họ, thành công của một tiết học chỉ đơn giản là các em ngồi ngay ngắn nghe cô giảng, không có em nào la hét, làm ồn hoặc không có em nào tự ý chạy ra khỏi lớp… Không chỉ đặt mình vào tâm thế của phụ huynh để thấu hiểu, cảm thông, sẻ chia, các giáo viên luôn tìm tòi, sáng tạo những phương pháp dạy hiệu quả nhất giúp các em tiếp thu bài tốt hơn; nắm rõ tâm lý, nhận thức của từng học sinh để xây dựng chương trình dạy học phù hợp, nhằm phát triển năng lực cho các em.

“Chúng tôi luôn chủ động, linh hoạt xây dựng, điều chỉnh chương trình dạy học phù hợp với các khối lớp, các dạng khuyết tật của học sinh, đồng thời chú trọng phát triển kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp cho các em; nghiên cứu, tìm tòi để thiết kế đồ dùng, thiết bị dạy học trực quan… Dành trọn vẹn tình yêu thương, sự quan tâm, sẻ chia, chúng tôi mong các em luôn cảm nhận được trung tâm là mái ấm, các thầy, cô giáo là cha mẹ, người thân và hết thảy là một gia đình, nơi chắp cánh ước mơ, hy vọng cho những trẻ bất hạnh cần được chở che”, Giám đốc trung tâm Nguyễn Quang Hùng chia sẻ.

Tâm An

https://www.baoquangbinh.vn/giao-duc/202411/khong-chi-la-trach-nhiem-2222392/