(QBĐT) – Du lịch biển vẫn luôn được xem là thế mạnh của nhiều địa phương và thu hút một lượng lớn du khách mỗi khi vào cao điểm du lịch hàng năm. Vậy nhưng, dù nhiều cố gắng, các làng nghề ven biển vẫn chưa thể “hòa nhịp” cùng “cơn sóng” du lịch, chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh và lặng lẽ “bên lề” sức hấp dẫn của du lịch biển. Không để lãng phí thế mạnh này trong khi du lịch tìm hiểu văn hóa-lịch sử đang là xu thế, nhiều nỗ lực đã được triển khai với kỳ vọng sẽ đưa du khách “đến gần” hơn các làng nghề ven biển.
Bến cá xã Nhân Trạch (Bố Trạch) lúc 5 giờ sáng có sức hấp dẫn riêng của một bến cá bãi ngang. Bến cá những ngày sau mùa trăng nên vơi bớt khách du lịch, còn bình thường như ngư dân Phạm Văn Sơn (29 tuổi, thôn Nhân Bắc, xã Nhân Trạch) chia sẻ là đông du khách hơn, nhất là vào mùa cao điểm du lịch. Xuất bến từ 5 giờ chiều hôm trước, cập bến lúc tờ mờ sáng, anh Sơn cho biết, tuy vất vả, nhưng hàng ngày, anh có thu nhập ổn định từ 5 triệu đồng, có khi lên đến 10 triệu đồng nếu được vụ cá.
Một du khách đến từ Thủ đô Hà Nội cho biết, được chia sẻ thông tin về chợ cá đặc biệt này từ lâu, nhưng nay mới có dịp dừng chân ở TP. Đồng Hới và quyết tâm dậy sớm, ghé thăm chợ cá xã Nhân Trạch. Chị rất thích thú với không khí ở chợ và nguồn hải sản tươi ngon, giá cả phải chăng, được hòa mình vào cuộc sống của ngư dân. Chị cũng có cơ hội tìm hiểu thêm những nét văn hóa làng biển bãi ngang với đặc thù, sức hấp dẫn riêng. Nhưng, ngoài mua hải sản mang về, vẫn chưa có một hoạt động nào khác để khắc họa rõ nét hơn đời sống của người dân nơi đây.
|
Ít khách du lịch biết được ngay tại xã Nhân Trạch, một làng nghề chế biến hải sản lâu năm vẫn tồn tại qua bao thăng trầm của lịch sử với cái tên rất kỳ thú: Lý Nhân Nam. Bà Phạm Thị Hoa, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Chế biến thủy sản Nhân Trạch cho biết, HTX ít có cơ hội đón khách du lịch ghé chân. Duy chỉ có năm 2023, một đoàn khách 40 người đến từ tỉnh Bắc Kạn theo lời giới thiệu của một cơ quan trong tỉnh đã đến HTX tham quan, tìm hiểu về quy trình sản xuất nước mắm, các loại mắm ruốc, hải sản khô và tin tưởng mua nhiều sản phẩm về làm quà lưu niệm. Còn chủ yếu các sản phẩm của HTX được bán qua kênh trung gian, như: Nhập cho các nhà hàng, điểm bán hàng du lịch, thương nhân thu mua…
Trong khi đó, mỗi năm, HTX tiêu thụ 25.000 lít nước mắm, chưa kể số lượng lớn ruốc, mực tươi, mực khô. Riêng cá tẩm gia vị thì không đủ hàng giao cho khách bởi nhu cầu cao, nhưng nguồn nguyên liệu đầu vào hạn chế. HTX tạo việc làm cho 9 lao động thường xuyên và từ 5-7 lao động thời vụ.
Bà Phạm Thị Hoa cho hay, nếu có thêm nguồn thu từ khách du lịch, sản phẩm làng nghề sẽ được tiêu thụ trực tiếp, không phải qua khâu trung gian, giá cả sẽ hợp lý hơn và quan trọng, HTX có cơ hội giới thiệu nghề truyền thống của cha ông đến với du khách. HTX đã có 2 sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Xã Nhân Trạch có chợ cá, có dịch vụ trượt cát rất thu hút du khách, chỉ cần có giải pháp phù hợp thì làng nghề sẽ có nhiều điều kiện để mở rộng quy mô, trở thành điểm đến du lịch thực sự hấp dẫn.
Mọi thứ vẫn đang ở dạng tiềm năng, chưa thể phát huy hết thế mạnh. Đó là thực tế ở nhiều xã biển trên địa bàn tỉnh không riêng gì xã Nhân Trạch. Tại xã Cảnh Dương (Quảng Trạch), xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, với sự hỗ trợ tích cực, xã đã có nhiều nỗ lực để phát triển “ngành công nghiệp không khói” trong suốt thời gian qua, nhất là dấu ấn từ con đường bích họa. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc đưa làng nghề hòa “sóng du lịch” vẫn không hề dễ dàng mặc dù trên địa bàn xã có nghề truyền thống chế biến hải sản lâu đời và đã duy trì sản phẩm nước mắm đạt OCOP 3 sao.
Theo Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương Đồng Vinh Quang, do chất lượng tranh bích họa ngày càng phôi phai theo thời gian nên sức hấp dẫn khách du lịch không còn như trước đây, thêm vào đó là nhiều yếu tố khách quan, chủ quan khác khiến lượng du khách đến đây không như kỳ vọng. Cuối năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt dự án hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, phát triển mô hình làng văn hóa-du lịch. Theo đó, cùng với xã Mai Thủy (Lệ Thủy), xã Cảnh Dương được hỗ trợ đầu tư chiếu sáng (xây dựng 3 tuyến điện chiếu sáng), đường giao thông và vẽ mới 30 tranh, phục hồi 32 tranh kèm 10 bộ hắt đèn chiếu sáng tranh, xây mới 1 biển “làng văn hóa”.
“Tuyến đường này sẽ đi qua làng nghề chế biến nước mắm, hải sản của xã Cảnh Dương nên kỳ vọng sẽ mang lại sức sống mới cho làng nghề, đủ sức hấp dẫn để níu chân du khách”, ông Đồng Vinh Quang cho biết.
Ông Từ Thanh Hải, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Thám hiểm Phong Nha Explorer chia sẻ, các làng nghề ven biển Quảng Bình có sức hấp dẫn riêng và rất được du khách quan tâm. Trong quá trình triển khai city tour ở TP. Đồng Hới, trước đây, công ty có đưa khách đến một số cơ sở chế biến nước mắm ở xã Bảo Ninh. Du khách, nhất là khách du lịch nước ngoài rất ấn tượng và mong muốn tìm hiểu nét văn hóa đặc sắc này của cư dân miền biển, nhưng các chủ cơ sở vẫn có tâm lý e dè, thiếu cởi mở, nên điểm tham quan này đành phải bỏ lỡ, rất đáng tiếc.
Bên cạnh chế biến hải sản, các xã biển trên địa bàn tỉnh còn có những làng nghề đặc sắc khác, như: Sản xuất muối truyền thống ở xã Quảng Phú (Quảng Trạch), sản xuất hương ở xã Thanh Trạch (Bố Trạch), chế biến khoai deo ở xã Hải Ninh (Quảng Ninh)… |
Để các làng nghề ven biển thực sự phát huy được tiềm năng, thay vì tự phát ở các công ty du lịch, cần có những giải pháp mang tính hệ thống và hiệu quả, trong đó tính kết nối cần được đưa lên hàng đầu, không chỉ trong nội bộ những đơn vị làm du lịch mà cả từ cấp sở, ngành và chính quyền địa phương đến với người dân. Bên cạnh đó, cần đa dạng hơn các mặt hàng thay vì chỉ các sản phẩm chế biến từ thủy hải sản, như một số quà lưu niệm từ biển, dễ ứng dụng trong cuộc sống cũng là một gợi ý hay.
Theo Kế hoạch số 2160/KH-UBND, ngày 15/11/2022 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh, mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu tỉnh có ít nhất 1 làng nghề gắn với du lịch. Đây là cơ hội để các làng nghề trên địa bàn tỉnh nói chung, làng nghề ven biển nói riêng phát huy tiềm năng, lợi thế.
Tại hội thảo phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng Quảng Bình do Sở Du lịch tổ chức vào tháng 7 vừa qua, phát huy hiệu quả du lịch làng nghề rất được quan tâm với nhiều nhóm giải pháp đặt ra, đặc biệt là kinh nghiệm hay đến từ các tỉnh, thành phố bạn, như: Hà Nội, Thừa Thiên-Huế. Ông Hà Minh Tuân, Trưởng phòng Kế hoạch và Phát triển du lịch, Sở Du lịch trong tham luận “Vấn đề phát triển du lịch nông thôn Quảng Bình” đã nhấn mạnh, một trong những tiềm năng của du lịch nông thôn của tỉnh chính là hệ thống các làng nghề, làng nghề truyền thống. Đây cũng là cơ sở quan trọng để hình thành, phát triển các mô hình làng văn hóa-du lịch, mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn.
Đối với các làng nghề ven biển, bên cạnh triển khai những giải pháp để phát triển du lịch làng nghề nói chung, cần có các hướng đi riêng, phù hợp với từng địa phương, bám sát tình hình du lịch thực tiễn, không rập khuôn máy móc. Theo đó, cùng với xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp, nâng cao năng lực nguồn nhân lực làng nghề, đẩy mạnh quảng bá, liên kết, cần mạnh dạn thí điểm một số mô hình du lịch làng nghề ven biển với sự chung tay của các cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp du lịch.
Mai Nhân
https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202408/lang-nghe-ven-bien-bao-gio-hoa-song-du-lich-2220570/