(QBĐT) – Cái nắng hanh hao giữa những ngày tháng 10 bắt đầu nhạt dần, đây cũng là thời điểm chín rộ của những vườn cây ăn quả ở các địa phương vùng gò đồi Lệ Thủy. Những chuyến xe ra vào chất đầy cam, bưởi vàng ươm, ngọt mọng đã mang đến niềm vui-cũng là “quả ngọt” cho biết bao công sức người nông dân nơi đây. Nhưng có lẽ với họ, mùa vui vẫn cần thêm những động lực mới…
Đất nở hoa…
Xã Trường Thủy lâu nay vẫn thường được nhắc đến với những đồi chè bạt ngàn gắn liền với cuộc sống, mưu sinh của bao đời cư dân nơi đây. Giờ, những đồi chè xanh mướt ấy đã thưa dần, thay vào đó là những vườn cây ăn quả mang đến thu nhập đáng kể cho người dân.
Bàn tay cầm chiếc kéo thoăn thoắt đi giữa những hàng cây cam còn đọng đầy nước mưa và đang bắt đầu vào vụ chín rộ, chị Trần Thị Hạnh (SN 1972, ở thôn Trường Giang) bảo, cây cam hợp đất Trường Thủy, bén rễ phát triển xanh tươi, cho thu nhập cao. Vừa chọn cắt những trái cam đã vàng ươm, căng tròn xếp vào chiếc “xe rùa”, chị Hạnh vừa bắt đầu kể câu chuyện của mình gắn với cây cam trên mảnh đất “gà ăn sỏi” này…
|
“Lập gia đình xong, bố mẹ cho ra riêng với thửa đất rừng gần 2ha để làm kế sinh nhai nhưng trên đất chỉ toàn là cây bụi, sim, mua. Hành trình cải tạo đất đồi để có vườn cam xanh mướt này, gia đình tôi đã đổi biết bao nhiêu công sức và mồ hôi. Khi quyết định đưa cây cam về đây trồng, tôi cũng trăn trở vì đó là loại cây mới, hướng đi mới…”, chị Hạnh chia sẻ.
Gia đình chị Hạnh hiện có 4 sào cam. Trước khi trồng cam trên đất đồi, chị đã từng trồng lạc, sắn, cao su, tiêu nhưng trồng cây gì rồi cũng cơ cực. Trồng cao su thì bão gây đổ ngã, trồng tiêu thì cây nhiễm bệnh quanh năm. Năm 2015, gia đình chị Hạnh là một trong những hộ đầu tiên của xã Trường Thủy đưa vào trồng cây cam mật Hiền Ninh từ dự án hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh.
“Bắt đầu từ năm 2020, gia đình tôi đã thu hoạch vụ cam đầu tiên, bởi hợp đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu nên năm nào cũng được mùa, cam chín rộ. Năm nay, có ngày gia đình tôi thu hoạch hơn 2 tạ cam bán cho người tiêu dùng. Thời điểm vào vụ, giá cam dao động từ 20-25.000 đồng/kg. Năm nay, theo ước tính, sản lượng cam của gia đình đạt khoảng hơn 2,5 tấn, cho thu nhập khoảng 60 triệu đồng…”, chị Hạnh chia sẻ
Dải đất màu mỡ ven sông Kiến Giang xưa vốn là đất trồng rừng sản xuất của các hộ dân thôn Xuân Lai, xã Mai Thủy. Nay, đã được thay thế dần bằng những vườn cây ăn quả xanh mướt và trĩu nặng quả ngọt, là minh chứng cho sự đổi thay tích cực của người dân nơi đây.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy Lê Văn Tân cho biết, trên đất vùng đất gò đồi các xã Trường Thủy, Thái Thủy, Dương Thủy, Tân Thủy, Mai Thủy, bà con nông dân vẫn đang tiếp tục chuyển đổi những diện tích trồng keo kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, cây dược liệu cho thu nhập cao. Hiện, huyện đã có 109 vườn kiểu mẫu được công nhận, tập trung ở các xã: Xuân Thủy, Thanh Thủy, Hồng Thủy, Mai Thủy, Trường Thủy, Cam Thủy, Liên Thủy…
|
Cùng chúng tôi dạo quanh vườn cây ăn quả chuyên trồng cam, bưởi da xanh được quy hoạch bài bản, khoa học, anh Nguyễn Văn Bảy (SN 1989), chủ nhân của vườn, bảo rằng, dù chưa có sự khác biệt rõ nét về nguồn thu, song với giá thành và cách chăm sóc tốt, cộng với đầu ra đang được thực hiện đúng hướng thì vườn cây ăn quả này hứa hẹn tạo sự đột phá cho gia đình.
“Vườn cây ăn quả của gia đình tôi bắt đầu được đưa vào trồng từ năm 2021 với khoảng 500 gốc cam V2 và 150 cây bưởi da xanh. Mùa này, bưởi đã cho thu hoạch, cam đang vào vụ chín. Vừa rồi, gia đình bán được gần 200 quả bưởi da xanh, mỗi quả có giá 50.000 đồng. Theo tính toán của tôi, vụ này cam V2 cho sản lượng khoảng 10 tấn. Với giá thành bán dao động từ 20-25.000 đồng như hiện nay, vụ này tôi có tổng thu khoảng 200 triệu đồng…”, anh Bảy cho hay.
Cũng như nhiều hộ trồng cam, bưởi trên địa bàn xã Mai Thủy, vườn cây ăn quả của anh Bảy được trồng theo phương pháp khoa học, theo lối, theo hàng, có hệ thống tưới tiêu hợp lý. Vì thế, cây cam, bưởi luôn phát triển tốt, sai quả. Tuy nhiên, để có được thành quả đó, anh cũng tốn rất nhiều chi phí và công chăm sóc…
Để mùa vui thêm vui…
Bén rễ trên vùng đất đồi xã Trường Thủy đã gần một thập kỷ qua, cây có múi đã trở thành “quả ngọt” của biết bao nhà nông, góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Tuy nhiên, ở một số thời điểm, giá thành thấp, việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn. Vì vậy, nhiều “mùa vui vẫn không vui”.
Theo chia sẻ của chị Trần Thị Hạnh, hàng năm, vào vụ thu hoạch cam, điệp khúc “được mùa, lo tiêu thụ” vẫn khiến gia đình chị và những người trồng cam ở xã Trường Thủy lo lắng. Bởi, không có đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp, chị và những người nông dân ở đây phải “tự bơi” giữa thị trường.
“Hiện nay, đất của gia đình vẫn còn nhiều nên rất muốn mở rộng, thay thế một số loại cây trồng khác để trồng cam nhưng chính sách hỗ trợ về vốn vay còn gặp khó khăn. Hơn nữa, gia đình lại phải loay hoay lo đầu ra cho sản phẩm, bởi thế, tôi rất phân vân, do dự. Mong chính quyền địa phương tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để người nông dân tham gia vào chuỗi liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, nhằm tạo đầu ra lâu dài, ổn định cho sản phẩm…”, chị Hạnh cho biết.
|
Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Thủy Trần Công Sáu chia sẻ, hiện địa phương có gần 50 hộ đã thực hiện chuyển đổi các vùng đất kém hiệu quả sang trồng cây có múi, như: Cam mật Hiền Ninh, cam Vũ Quang, cam V2, bưởi da xanh, bưởi thanh trà… cho thu nhập mỗi năm từ 50-300 triệu đồng; đồng thời, xã đã thành lập được hợp tác xã nông nghiệp sạch trồng cây có múi và chi hội nghề nghiệp nông dân trồng cam. Tuy nhiên, nông dân địa phương vẫn rất mong có nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất và các đơn vị có thẩm quyền cần nhanh chóng thiết kế mẫu mã, đăng ký nhãn hiệu để các sản phẩm nông nghiệp của địa phương sớm đủ điều kiện đưa vào các siêu thị…
Phó Chủ tịch UBND xã Mai Thủy Nguyễn Thanh Trung cho biết, thời gian qua, nhận thấy việc thay đổi tư duy, nhận thức của người dân trong phát triển kinh tế bền vững là điều cần làm ngay, vì thế, địa phương đã chú trọng chuyển đổi, phát triển kinh tế đối với cây có múi. Đến nay, xã đã thực hiện chuyển đổi được hơn 15ha đất kém hiệu quả sang trồng cây có múi, như: Cam, bưởi, ổi…, tuy nhiên, vẫn chưa hình thành được vùng chuyên canh tập trung. Bởi, khó khăn về cơ sở hạ tầng như thiếu nước tưới, điện, đầu ra cho sản phẩm… vẫn là “rào cản” đối với người nông dân trong việc thực hiện chuyển đổi…
Ngọc Hải
https://baoquangbinh.vn/phong-su/202410/mua-qua-ngot-2221726/