CÁC TỈNH MIỀN TRUNG CẤM BIỂN TỪ 25.10
Ngày 25.10, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp ứng phó bão số 6 (bão Trà Mi). Báo cáo tại buổi họp, ông Vũ Xuân Thành, Phó cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ TN-MT), cho biết hiện lực lượng chức năng đã kiểm đếm, hướng dẫn 67.212 phương tiện/307.822 người biết diễn biến, hướng đi của bão, trong đó có 35 tàu/184 người (Quảng Ngãi) hoạt động ở khu vực bắc Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa. Hiện không có phương tiện nằm trong vùng nguy hiểm, các phương tiện nằm trong vùng ảnh hưởng đang di chuyển vòng tránh.
Ông Vũ Xuân Thành cho biết thêm tỉnh Quảng Bình sẽ cấm biển từ 0 giờ ngày 27.10; tàu thuyền ở Thừa Thiên – Huế đã vào neo đậu và không cho ra khơi từ ngày 25.10; tỉnh Quảng Nam cấm biển từ 10 giờ ngày 25.10; tỉnh Quảng Ngãi cấm biển từ 10 giờ ngày 26.10 và dự kiến hoàn thành việc sơ tán người dân trên đảo Lý Sơn trước 22 giờ cùng ngày; các địa phương từ Quảng Bình – Quảng Ngãi tổ chức rà soát, sẵn sàng ứng phó mưa lớn sau bão, nhất là sơ tán người dân khu vực nguy cơ ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất.
Cập nhật bão số 6 (Trà Mi): Miền Trung đối diện nguy cơ ngập lụt, sạt lở bờ biển
BÃO SỐ 6 KHIẾN MIỀN TRUNG MƯA TRÊN 700 MM
Nhận định về bão số 6, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho hay trước khi vào Biển Đông, bão đã thay đổi hướng liên tục và gây ra lượng mưa lớn ở phía bắc đảo Luzon (Philippines). Lúc 14 giờ ngày 25.10, bão số 6 cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 600 km về phía đông, cường độ cấp 10, giật cấp 13.
Ông Khiêm đánh giá đặc điểm của cơn bão này có hoàn lưu rất rộng từ thành mắt bão bên trong ra phía ngoài lên đến 500 – 600 km. Vùng gió mạnh cấp 8, bán kính khoảng 250 km nên tâm bão chưa đến nhưng mưa và gió mạnh đã bắt đầu có những tác động.
“Các cơ quan quốc tế khoảng 2 ngày nay đã thống nhất cơn bão này đi vào vùng biển miền Trung, cường độ mạnh nhất cấp 12 – 13. Qua phân tích, đánh giá, chúng tôi nhận định cơn bão này chiều 26.10 sẽ di chuyển đến phía bắc quần đảo Hoàng Sa, cường độ cấp 12, giật cấp 15. Đến chiều và đêm 27.10 sẽ nằm trên khu vực vùng biển Quảng Bình – Quảng Ngãi”, ông Mai Văn Khiêm nhận định.
Theo ông Khiêm, do hoàn lưu bão rất rộng nên vùng biển bắc Biển Đông có thể gió cấp 12, giật cấp 15, sóng biển cao 5 – 7 m, vùng gần tâm bão 7 – 9 m. Gần sáng 27.10, vùng biển ngoài khơi Quảng Bình – Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 8 – 9, vùng gần tâm bão gió cấp 10 – 11, giật cấp 14.
“Hiện chúng tôi đánh giá hướng di chuyển của bão số 6, khi vào gần đến đất liền miền Trung sẽ quay ra biển với tỷ lệ 60 – 70%. Với kịch bản này, khu vực ven biển Quảng Trị – Quảng Ngãi có gió cấp 6 – 8, giật cấp 10. Với kịch bản bão đi sâu hơn trong đất liền là 30%, đất liền miền Trung sẽ có gió cấp 7 – 9, giật cấp 11 – 12. Trọng tâm lưu ý là các tỉnh từ Quảng Trị – Quảng Ngãi”, ông Khiêm nói và cảnh báo thêm dù ở kịch bản nào thì bão số 6 cũng sẽ gây ra lượng mưa rất lớn do bão di chuyển đến sát bờ rồi đi vòng ra, thời gian hoàn lưu tác động đến đất liền khá lâu, có thể trên 1 ngày.
Vẫn theo ông Khiêm, cơn bão có nguy cơ gây ra một đợt mưa lớn diện rộng ở khu vực Trung Trung bộ. Khu vực các tỉnh từ Quảng Trị – Quảng Ngãi mưa 300 – 500 mm, có nơi trên 700 mm, nguy cơ mưa cường suất lớn trong 3 giờ trên 100 mm. Các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Định, khu vực Bắc Tây nguyên mưa từ 100 – 200 mm, có nơi trên 300 mm. Trong trường hợp bão không đi quá sâu rồi đổi hướng quay ra sớm hơn thì xác suất thấp tác động mưa gió trên đất liền thay đổi theo xu hướng ít hơn. Tuy nhiên, hoàn lưu của bão cũng rất rộng nên tâm bão có thể ở xa nhưng phía trong vẫn bị ảnh hưởng. Ngoài ra, cần lưu ý đề phòng nguy cơ lũ trên các sông ở Trung bộ như sông Hương, sông Vu Gia, sông Thu Bồn, sông Trà Khúc…; ngập úng, ngập lụt đô thị tại các TP.Đà Nẵng, TP.Huế.
“Ở ngoài khơi ở Philippines vừa có một cơn bão hình thành, nó sẽ làm đường đi của bão số 6 rất kỳ dị. Vì vậy, trong ngày 26 – 27.10, dự báo hướng đi của bão số 6 còn tiếp tục thay đổi”, ông Khiêm lưu ý.
ĐỀ NGHỊ SỬ DỤNG FLYCAM PHÁT HIỆN SẠT LỞ
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho biết đây là cơn bão đầu tiên đổ bộ miền Trung trong năm nay, thời gian quần thảo trên biển rất lâu, khả năng gây ra lượng mưa lớn. Nếu mưa 500 – 700 mm ở miền Trung sẽ có nguy cơ gây ra kịch bản lụt như năm 2020.
Theo ông Hiệp, ảnh hưởng của bão số 6 khả năng cao sẽ gây sạt lở bờ biển, cát sỏi sẽ có dịch chuyển nên các tỉnh có nhiều bãi biển, Du lịch lưu ý phải tính toán ngay từ đầu và tuyên truyền đến người dân đầy đủ nhất có thể. Bộ GTVT cần tiếp tục chỉ đạo các tàu thuyền di chuyển, neo đậu hợp lý để đảm bảo an toàn. Các địa phương nên có thời gian cấm biển dài hơn do dự báo bão vào bờ rồi lại quay ra.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT nói từ kinh nghiệm bão số 3, người dân cần chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cây xanh trước bão, kê cao tài sản, chỗ đỗ ô tô tránh ngập úng. Về phòng chống sạt lở, cần chủ động di dời dân, hạn chế tối đa người chết, mất tích và chủ động trong rà soát các khu vực sạt lở. Đồng thời, các địa phương có thể sử dụng thiết bị bay không người lái (flycam) để sớm phát hiện các điểm sạt lở.
Cập nhật bão số 6 (Trà Mi): Miền Trung đối diện nguy cơ ngập lụt, sạt lở bờ biển
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đánh giá để ứng phó với bão số 6, các địa phương cần lên phương án phòng chống với tinh thần không nuối tiếc. Rút kinh nghiệm từ cơn bão số 3 vừa rồi, chúng ta đã lo rất tốt cho vùng ven biển nhưng vùng núi lại bị ảnh hưởng nặng nề.
“Các tỉnh cần lên kịch bản trong mọi tình huống để chủ động ứng phó từ lương thực, thực phẩm đến nước uống. Bên cạnh đó, cũng cần chuẩn bị các phương án ứng phó của trực thăng bên phía quân đội, kích hoạt các cộng đồng phòng chống thiên tai”, ông Hoan nói.
Các tỉnh miền Trung khẩn trương chuẩn bị
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, để ứng phó với bão Trà Mi, chiều 25.10, lực lượng biên phòng tuyến biển thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam đã triển khai cán bộ, chiến sĩ và phương tiện đến tất cả những điểm xung yếu để giúp đỡ nhân dân nhằm chủ động trong công tác phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết tỉnh đã yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát, sẵn sàng triển khai sơ tán dân tại khu vực nguy hiểm, có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất, cửa sông, ven biển; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó mọi tình huống. Ngoài ra, yêu cầu tổ chức cấm biển đối với tàu cá, tàu khách, tàu du lịch ra vào các cửa biển, các bãi ngang trên địa bàn tỉnh từ 10 giờ ngày 25.10, cho đến khi bão tan và tình hình thời tiết trên biển trở lại trạng thái bình thường…
Tại Quảng Bình, UBND tỉnh đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở NN-PTNT, Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình, UBND các huyện, thành phố, thị xã ven biển tập trung rà soát, kiểm đếm, chủ động thông tin, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền (bao gồm cả tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch…), bằng mọi biện pháp thông báo, kêu gọi chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để không đi vào hoặc thoát ra khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn…
Mạnh Cường – Nguyễn Phúc
https://thanhnien.vn/bao-so-6-mua-rat-lon-mien-trung-nguy-co-lut-lich-su-nhu-nam-2020-185241025232233832.htm