Trở thành thành viên

Nhận cập nhật mới từ Quảng Bình S.vn

― Quảng cáo ―

spot_img
HomeQuảng BìnhNghề đóng tủ thờ ở làng Diêm Điền xưa

Nghề đóng tủ thờ ở làng Diêm Điền xưa

(QBĐT) – Trải qua nhiều công đoạn với sự kết hợp khéo léo, tài tình của thợ mộc làng Diêm Điền xưa, phường Đức Ninh Đông (TP. Đồng Hới) ngày nay với thợ khảm ốc, trai tinh xảo đã làm nên những chiếc tủ thờ giàu giá trị thẩm mỹ và nghệ thuật.

Một ngày tháng 9, tôi tìm đến tư gia ông Trần Văn Vĩnh (63 tuổi) ở tổ dân phố (TDP) Diêm Trung, phường Đức Ninh Đông để tìm hiểu nghề đóng tủ thờ truyền thống của gia đình. Từ xa đã nghe tiếng máy cưa, máy bào gỗ rộn rã ở xưởng mộc bên nhà…

Nối nghiệp nghề truyền thống

Đối với người Việt Nam nói chung, người Quảng Bình nói riêng, việc đặt tủ thờ, bàn thờ gia tiên có ý nghĩa tâm linh vô cùng quan trọng và thiêng liêng. Bởi thế, bàn thờ gia tiên luôn được đặt ở vị trí trung tâm, nơi trang trọng nhất trong mỗi căn nhà. Việc chọn tủ thờ và bố trí đồ nội thất trên tủ thờ là nơi gửi gắm tấm lòng thành kính, hiếu thảo của người đang sống với tổ tiên, đấng sinh thành và hương hồn những người đã khuất.

Theo ông Vĩnh, nghề đóng tủ thờ bén duyên với gia đình ông từ đời ông nội-một người đóng tủ thờ nổi tiếng trong vùng. Vì yêu nghề mộc truyền thống và không muốn nghề mộc bị mai một, thất truyền, ông nội đã truyền ngọn lửa yêu nghề cho cha ông là Trần Văn Lé. Cũng chính vì yêu quý nghề đóng tủ thờ truyền thống, mà cha ông theo đuổi nghề đến khi tuổi già và nức tiếng quanh vùng. Nhiều người dân ở các địa phương lân cận như Nghĩa Ninh, Đức Ninh, sang đến làng Lệ Kỳ, Bảo Ninh… đều tìm đến đặt hàng. Rồi sau này, cha ông lại tiếp tục truyền nghề cho 3 anh em trai ông; tiếp đến là các cháu nội… Tính từ đời ông nội đến nay, gia đình ông Vĩnh có 4 thế hệ chuyên đóng tủ thờ. Ngoài gia đình ông Vĩnh, nhiều gia đình khác trong làng cũng đóng tủ thờ.





Tủ Thờ Truyền Thống Do Ông Trần Văn Vĩnh Đóng.
Tủ thờ truyền thống do ông Trần Văn Vĩnh đóng.

Nghề đóng tủ thờ đòi hỏi người thợ phải có tay nghề rất cao. Nhiều người là thợ mộc lành nghề nhưng khi đóng tủ thờ lại không được sắc sảo, đẹp bằng người chuyên đóng tủ thờ. Để có thể đóng được một tủ thờ đẹp, theo ông Vĩnh, yếu tố quyết định đó chính là tay nghề của thợ mộc và thợ khảm trai, ốc. Trước đây, các công đoạn đóng tủ thờ đều làm bằng thủ công, nay có sự hỗ trợ của máy móc, công nghệ nên vừa tiết kiệm nhân công, tiến độ, năng suất vừa nhanh hơn; riêng khảm trai, ốc là vẫn phải làm thủ công.

Lưu lại hồn xưa, nét cũ

Gỗ đóng tủ thờ rất đa dạng. Trước đây thì gỗ mít khá phổ biến nhưng sau này, người thợ thường chọn những loại gỗ quý, hiếm, có độ bền cao, vân gỗ đẹp như gỗ gõ lau, gõ đỏ, gõ mật, hương. Nếu nhà nào có điều kiện thì đóng loại gỗ quý hiếm như mun, cẩm lai, trắc. Những loại gỗ này có mùi thơm đặc trưng, giúp xua đuổi côn trùng, mang lại cảm giác thư thái, dễ chịu. Nhưng nay nguồn gỗ ngày càng hiếm, các loại gỗ Nam Phi như hương đá, gõ Pachi… được sử dụng nhiều. Việc lựa chọn gỗ cũng khá kỳ công. Gỗ đóng tủ thờ phải thật khô, không cong vênh, mối mọt, 3 mặt gồm mặt trước, mặt trên và hai bên hông phải cùng một khúc gỗ. Có như vậy, mặt tủ mới cùng vân gỗ, màu sắc tương đồng. Nếu chọn nhiều cây thì vân gỗ khác nhau. Khi ráp vào, màu sắc, vân gỗ không đều, nhìn không đẹp, giá trị thẩm mỹ sẽ không cao.

Việc đóng tủ thờ qua rất nhiều công đoạn, ra gỗ, bào, làm trơn, xoi chỉ, đục mộng, chạm trổ, khảm, lắp ráp, làm nguội, phun bóng. Có thể nói, mặt trước tủ chính là linh hồn, là nơi thể hiện vẻ đẹp tinh túy nhất của tủ thờ nên luôn được người thợ quan tâm đầu tư nhiều công sức nhất. Khung mặt trước và hai bên, khung xương phải bào chỉ nổi. Còn phần gỗ chỉ diềm cũng được bào chỉ nổi, với những loại gỗ sáng màu như mớc, đung. Cách đục mộng đòi hỏi sự sắc nét, tỉ mỉ và độ chính xác cao. Chính những đường nét chỉ sáng màu, đối lập với khung xương chính và bề mặt sẫm màu làm nên một phần độc đáo của chiếc tủ thờ.

Mặt tủ trước, thông thường sẽ đóng từ 13-17 mặt, có trường hợp nhiều mặt hơn. Nếu mặt thưa nhìn tủ khoáng đạt hơn, còn nhiều mặt thì mặt tủ bị chia cắt, nhìn sẽ rối, không thoáng. Do đó, phía trước tủ 15-17 mặt sẽ được nhiều người lựa chọn hơn cả. Phần ván mặt được khảm trai, ốc hoặc chạm nổi theo nhu cầu và sở thích của từng gia chủ. Ở làng Diêm Điền xưa, khảm trai, ốc tủ thờ vẫn phổ biến hơn cả.

Tủ thờ được trang trí bởi những đường nét hoa văn, họa tiết, hình ảnh yên bình, mộc mạc, dân dã của thôn quê Việt Nam. Điểm nổi bật của tủ thờ chính là những họa tiết khảm trai, ốc khéo léo, tinh xảo chiếm một phần bề mặt tủ. Riêng phần khảm trai, ốc tay nghề thợ Quảng Bình không sắc sảo bằng thợ khảm phía Bắc. Hoa văn khảm ốc, trai ở mặt trước và hai bên tủ thờ chủ yếu là tượng tam đa (Phúc, Lộc, Thọ), tứ linh (long, ly, quy, phụng), tứ thời (tùng, cúc, trúc, mai), hình ảnh ước lệ cầm, kỳ, thi tửu, cây đa, đình làng, núi non, tiều phu đốn củi, mặt dơi…

Phần cao nhất thường là hình ảnh quen thuộc lưỡng long chầu nguyệt, bệ tủ là lưỡng long chầu mặt rồng nhìn theo hướng chính diện. Điểm xuyết dọc, ngang khung tủ là hoa văn hình vân mây, hoa lá, chữ hồi văn. Còn hai bên hông tủ là hoa văn hoa lá, cuốn thư.

Sự kỳ công, sắc nét, tỉ mỉ của những người thợ khảm lành nghề góp phần tạo điểm nhấn cho sản phẩm. Các đường bào, đục mộng hết sức sắc sảo kết hợp với các nghệ nhân khảm, chạm không kém phần tinh tế với nhiều mô típ trang trí mang tính biểu tượng cao, thể hiện rõ nét thế giới quan, nhân sinh quan truyền thống của người Quảng Bình xưa.

Tủ thờ được phun sơn bóng để giữ nguyên vẻ đẹp của vân gỗ và thuận tiện trong quá trình sử dụng. Mặt tủ thờ là nơi đặt bộ lư hương, ảnh thờ, tượng thờ, hoa quả, lư hương, nước, nhang đèn. Về kích thước, bề ngang tủ thờ được tính theo trực, tức là thước lỗ ban, phù hợp với không gian từng nhà và ý muốn của gia chủ. Thông thường nếu nhà rường thì bề ngang rộng khoảng 1,26m, nếu gian thờ rộng thì kích thước sẽ rộng hơn từ 1,52-2,1m, chiều cao khoảng từ 1,42-1,52m. Chân tủ thờ thường được làm theo lối chân quỳ, đứng, kích thước to nhỏ phải tương ứng với kích thước của tủ.

Tủ thờ làng Diêm Điền xưa thực sự là tác phẩm hội tụ tinh hoa nghệ thuật độc đáo, thể hiện tay nghề bậc cao của những người thợ mộc, góp phần lưu giữ lại chút hồn xưa, nét cũ. Tủ thờ mang đậm nét văn hóa, lịch sử của vùng đất Diêm Điền xưa, đã thấm sâu vào tiềm thức của người dân Đồng Hới và vùng phụ cận. Chính sự phong phú về phong cách, kiểu dáng, sự tinh tế mềm mại, thanh thoát về đường nét, màu sắc thực sự tạo điểm nhấn, càng tôn thêm vẻ đẹp mộc mạc, dân dã mà cũng không kém phần trang nghiêm, ấm cúng, phù hợp với việc thờ cúng gia tiên và không gian thờ tự trong mỗi căn nhà Việt.                       

    Nhật Linh

https://baoquangbinh.vn/van-hoa/202410/nghe-dong-tu-tho-o-lang-diem-dien-xua-2221637/