Mỗi người dân là một “cột mốc sống” nơi phên dậu Tổ quốc
Dẫn chúng tôi “mục sở thị” cuộc sống mới ở xã biên giới Thanh Hóa, ông Nguyễn Hữu Tâm – Bí thư Đảng ủy xã Thanh Hóa tự hào giới thiệu đôi nét về địa phương: Thanh Hóa là xã biên giới, miền núi, xa trung tâm huyện lỵ; nằm về phía Tây Bắc của huyện Tuyên Hóa. Dân cư sinh sống rải rác, bị chia cắt bởi đồi núi, sông suối. Trình độ dân trí, kinh tế không đồng đều. Có diện tích đất tự nhiên là 13.458.89 ha; trong đó: rừng và đất lâm nghiệp 12.622,05 ha còn lại là đất canh tác và các loại đất khác. Xã có 6 điểm tiếp giáp với nước bạn, tỉnh, huyện, xã bạn gồm: Phía đông giáp xã Thanh Thạch; phía Nam giáp xã Lâm Hóa; phía Tây giáp nước bạn Lào (có 3,5 km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào, tại cột mốc 516) và xã Hương Lâm, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Phía Bắc giáp xã Hương Hóa.
“Là xã biên giới, trọng điểm về an ninh trật tự nên việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, củng cố quốc phòng – an ninh được chú trọng. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị, tinh thần yêu nước cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân ở đây được thực hiện thường xuyên” – vị Bí thư Đảng bộ khẳng định.
Tinh thần đoàn kết đã làm nên sức mạnh của Thanh Hóa bắt nguồn từ sự tiên phong, gương mẫu của 294 đảng viên trong 19 chi bộ trực thuộc. 1.976 hộ, 6.845 nhân khẩu, trong đó có 87 hộ, với 269 khẩu bà con dân tộc; 226 hộ, 1.190 nhân khẩu theo đạo thiên chúa nhưng chưa bào giờ xẩy ra hiện tượng mất đoàn kết. Ngày lễ Noel hàng năm tại nhà thờ không chỉ là ngày vui của đồng bào công giáo mà còn là ngày hội của đồng bào các dân tộc sinh sống trên dải đất biên cương này.
Lên thăm bản vùng biên, Cà Xen có 60 hộ, 196 nhân khẩu đều là người Mã Liềng, trong đó đã có gần 30 hộ triển khai làm mô hình kinh tế tổng hợp kết hợp giữa chăn nuôi và trồng trọt, số còn lại tập trung vào trồng các loại cây lương thực ngắn ngày. Để có được thành quả này, phải kể đến sự hỗ trợ kịp thời từ những chính sách của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương trong việc cung ứng giống, phân bón và chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp đồng bào dân tộc nơi đây mạnh dạn đầu tư vào sản xuất kinh tế.
Điển hình cho việc thoát nghèo nhờ làm ăn kinh tế có hiệu quả tại bản Cà Xen là mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình anh Cao Thông và chị Hoàng Thị Sông Hà đã triển khai xây dựng mô hình từ năm 2007 với khởi đầu là trồng bưởi. Sau quá trình tự tìm hiểu, tích cực tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt tại địa phương, anh đã mạnh dạn đầu tư thêm chăn nuôi và áp dụng trồng thêm các giống ngô, đậu lạc… Hiện nay gia đình anh có 5ha rừng, 3 con trâu, 4 con bò, 2 con lợn, các thành viên gia đình anh luôn tay, luôn chân với công việc. Nguồn thu từ trồng rừng và chăn nuôi gia súc đã đuổi được cái đói, cái nghèo bao năm đeo đẳng gia đình. Cuối năm 2022 nhà anh Cao Thông, cùng với nhà trưởng bản Hồ Xuân đã thoát nghèo được nêu gương ở xã.
Từ một bản nghèo của xã Thanh Hóa, đời sống dân trí thấp thì đến nay, đồng bào dân tộc Mã Liềng tại bản Cà Xen đã có cuộc sống đầy đủ hơn, ấm no hơn. Anh Hồ Chí Thành, Bí thư Chi bộ bản Cà Xen cho biết, đời sống của bà con đang ngày càng khởi sắc hơn, từ những chương trình hỗ trợ của Đảng và Nhà nước quan tâm thì đời sống của bà con thay đổi hẳn, không còn khó khăn như trước đây nữa. Điện, đường, trường, trạm ngày một khang trang hơn và cách sống, nhận thức của bà con ngày một cao hơn. Người dân ở đây trước đây sinh sống chủ yếu từ săn bắt, hái lượm, đi làm thuê nhưng nay họ đã biết làm ruộng, chăn nuôi, biết thâm canh, gối vụ nên tình trạng đói nghèo không còn xuất hiện như trước. Tôi vui vì năm nay gia đình tôi cũng thoát nghèo và có thêm hộ gia đình ông Hồ Bợt. Hiện nay 100% các hộ gia đình trong bản không còn phải sống bằng trợ cấp gạo của Chính phủ.
“Mỗi người dân, đảng viên nơi vùng biên cương luôn xác định là một “cột mốc” bảo vệ hòa bình, ổn định. Luôn xây dựng mối đoàn kết trong thôn xóm, giữa các dân tộc để nỗ lực cùng với những chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương trong việc giúp đỡ đồng bào dân tộc Mã Liềng tại Bản Cà Xen phát triển kinh tế, sẽ có nhiều hơn những mô hình làm ăn kinh tế giỏi để người dân nơi đây cải thiện đời sống, vươn lên làm giàu chính đáng trong tương lai”, Bí thư Chi bộ bản Cà Xen chia sẻ thêm.
Xã biên giới nỗ lực cán đích Nông thôn mới
Xác định xây dựng xã nông thôn mới (NTM) là góp phần tích cực vào tiến trình thay đổi diện mạo quê hương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nên xã Thanh Hóa đã chủ động rà soát các tiêu chí, chỉ tiêu để đề ra các giải pháp thực hiện cụ thể. Trong đó, xã đã phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên của Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã, cán bộ, đảng viên theo dõi, đôn đốc thực hiện từng tiêu chí, đảm bảo các tiêu chí hoàn thành đạt chất lượng và thời gian đã đề ra.
Trong năm phong trào xây dựng nông thôn mới ở xã Thanh Hóa diễn ra sôi nổi, các hoạt động xây dựng xã nông thôn mới luôn được cấp ủy đảng, chính quyền địa phương ưu tiên đặt lên hàng đầu. Huy động tối đa mọi nguồn lực, sự quan tâm của cả hệ thống chính trị đến sự ủng hộ cao của người dân. Vì vậy những năm vừa qua, xã nhà đã đạt được những kết quả đáng kể: Hiện xã đạt 17/19 tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới. Về xã Thanh Hóa đi trên các tuyến đường giao thông liên xã, liên thôn, nội đồng được đầu tư nâng câp. Hệ thống điện chiếu sáng được nâng cấp, mở rộng, duy tu bảo dưỡng. Trường học từng bước được quan tâm đầu tư và xây dựng được trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Cơ sở vật chất văn hóa được chú trọng, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn được khuyến khích phát triển. Nhà ở dân cư được xây dựng kiên cố. Thu nhập bình quân đầu người tăng dần qua từng năm. Tỷ lệ lao động có trình độ tay nghề tăng. Xã có hợp tác xã hoạt động ổn định. Có 10/11 thôn, bản đạt thôn văn hóa….
Ông Trần Nhân Sơn, Chủ tịch UBND xã Thanh Hóa cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân, Thanh Hóa đang nỗ lực xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025. Để đạt được mục tiêu về đích theo lộ trình, bên cạnh sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân, rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành và huyện về nguồn vốn để thực hiện các tiêu chí số 5 trường học, tiêu chí hộ nghèo vẫn còn cao. Đây là một trong những khó khăn nhất định mà chính quyền xã Thanh Hoá đã và đang ngày càng cố gắng để quyết tâm thực hiện về đích nông thôn mới.
“Địa phương đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, tạo sự đoàn kết, đồng thuận trong quá trình triển khai, thực hiện các tiêu chí còn lại trong xây dựng NTM. Thời gian tới, xã tập trung các nhiệm vụ như: Đầu tư phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân, xuất khẩu lao động đi nước ngoài, quy hoạch khu chăn nuôi tập trung, quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023 – 2030; Quy hoạch đất ở, tiếp tục thực hiện Đề án Trồng rừng gỗ lớn và đề án Chăn nuôi trên địa bàn xã; Tiếp tục thực hiện tốt công tác giảm nghèo; chăm lo đời sống văn hoá tinh thần cho người dân”, ông Trần Nhân Sơn nói.
Xã Thanh Hóa đã đi những bước vững chắc “về đích” chương trình xây dựng NTM theo kế hoạch. Về Thanh Hóa hôm nay, dễ dàng cảm nhận được diện mạo nông thôn đổi mới toàn diện, với cơ sở hạ tầng khang trang, đồng bãi xanh một màu tốt tươi, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên trong niềm vui phấn khởi của bà con làm bừng sáng núi rừng biên cương với bức tranh kinh tế xã hội phát triển đồng bộ, quốc phòng an ninh được giữ vững, gieo ý Đảng vào lòng dân, tạo nên hình ảnh về một xã NTM nơi phên dậu Tổ quốc đang dần hiện hữu lên trước mắt.
https://www.congluan.vn/nguoi-dan-xa-bien-gioi-quang-binh-sat-son-niem-tin-voi-dang-post315296.html