Xuân Hoàng được đánh giá là “nhà thơ của Quảng Bình”, ông đã hiến tài năng, sức lực của mình cho mảnh đất gió Lào cát bạc. Ghi nhận công lao của ông, tại kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh Quảng Bình khóa XVIII đã thông qua Nghị quyết lấy tên nhà thơ Xuân Hoàng đặt tên cho một con đường ở Thành phố Đồng Hới.
Nhà thơ Xuân Hoàng trong tâm trí của người bạn vong niên thân tình nhất
Xuân Hoàng – cả một đời không vụ lợi cá nhân
Nhà thơ Xuân Hoàng (1925-2004) tên thật là Nguyễn Đức Hoàng, ông sinh ra và lớn lên ở Quảng Bình. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch đầu tiên của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Bình.
Nhà thơ Xuân Hoàng đã hiến trọn tài năng, sức lực của mình cho mảnh đất gió Lào cát bạc. Ghi nhận công lao của ông, tại kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh Quảng Bình khóa XVIII đã thông qua Nghị quyết lấy tên nhà thơ Xuân Hoàng đặt tên cho một con đường ở Thành phố Đồng Hới (Quảng Bình).
Nhân dịp này, PV Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ Văn Lợi (SN 1944, tên thật là Nguyễn Văn Lợi), nguyên Giám đốc Sở Văn hoá – Thông tin tỉnh Quảng Bình, người bạn thân thiết nhất của nhà thơ Xuân Hoàng và là người đầu tiên đề xuất việc lấy tên nhà thơ Xuân Hoàng để đặt tên một con đường ở Thành phố Đồng Hới.
Trò chuyện với PV, nhà thơ Văn Lợi cho biết: “Tôi và nhà thơ Xuân Hoàng là bạn vong niên. Năm 1960, anh Xuân Hoàng về Quảng Bình làm ở Ty Văn Hóa và thành lập Hội Sáng tác văn nghệ Quảng Bình (nay là Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình). Tôi là một trong những hội viên đầu tiên của hội này nên gắn bó và thân thiết với anh Hoàng từ đó”.
Nhấp chén trà nóng, nhà thơ Văn Lợi kể: Anh Xuân Hoàng là người tận tụy với công việc, anh từ Trung ương về nên tầm khái quát cũng như tổ chức của anh rất giỏi và chỉn chu. Phải nói rằng, anh Hoàng sống tuyệt đối không vụ lợi cho bản thân, anh sống vì cái chung, vui vẻ và rất hồn nhiên.
Mỗi lần đọc thơ, anh Hoàng sảng khoái lắm, tiếng cười anh vui như tính cách của anh vậy! Có lần tôi nói với anh Hoàng rằng: “Nói thật với anh, thơ anh rất tuyệt vời, khi anh đọc thơ anh cười, tiếng cười đó khiến chúng tôi sảng khoái lắm. Nếu như Puskin mất đi, nhân loại tiếc thương vô hạn bởi “mặt trời thi ca Nga đã lặn”, còn nếu sau này anh mất đi thì tiếng cười nhân loại đã tắt. Tôi thường ví như vậy”.
Có một giai thoại rất đáng nhớ, đó là vào những năm 1980, đoàn Văn học Nghệ thuật của Bình Trị Thiên có tổ chức đi thực tế ở nông trường Cồn Tiên (Quảng Trị) để sáng tác, trong đoàn có tôi cùng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhà thơ Xuân Hoàng…
Khi anh em đến, Giám đốc nông trường mời vào phòng, đón tiếp rất nhiệt tình, bước vào phòng để uống nước, anh Trịnh Công Sơn mệt quá nằm sõng soài ở ghế. Anh Xuân Hoàng vốn nói lái, thấy anh Sơn như vậy, anh Hoàng nói: “Đi phong trào, chưa trao phòng, đã trồng phao, để trào phong” và đề nghị anh em đối tiếp.
Một hồi không thấy ai đối, tôi mới đứng dậy đối lại: “Đến nông trường, để trồng nương, mới trông nương, đã trương nòng”, thế là cả đoàn bật cười, anh Trịnh Công Sơn nghe vậy cũng bật dậy cười ha hả.
Xuân Hoàng là nhà thơ của Quảng Bình
Nói về đường thơ và đời thơ của Xuân Hoàng, nhà thơ Văn Lợi cho biết: “Phải nói rằng, thơ Xuân Hoàng đa dạng về đề tài và rất trữ tình, đằm thắm. Thơ của anh đi vào lòng người cũng bởi chất trữ tình in trong máu thịt của anh. Ngôn ngữ trong thơ Xuân Hoàng không chắt lọc, đao to búa lớn mà rất là dân dã”.
Nhà thơ Văn Lợi nói tiếp: “Tác phẩm của Xuân Hoàng chứa chan tình cảm, như bài thơ “Đồng Hới”, một trong những bài thơ trữ tình hay của anh.
Bài thơ ra đời vào khoảng năm 1965, Đồng Hới lúc đó bị bom Mỹ đánh phá tan hoang, nhiều ngôi nhà còn nửa chừng, người dân phải đi sơ tán hết. Khi anh Hoàng đi dọc trên bờ sông Nhật Lệ và chứng kiến được điều đó đã sáng tác nên bài thơ”.
Sau đó, nhà thơ Văn Lợi đã ngâm một vài khổ thơ trong bài “Đồng Hới”.
“Em đi, phố nhỏ động cành dừa
Cửa biển về khuya gió đêm ngả lạnh
Phố nhỏ tan rồi qua bao trận đánh
Bóng em về ấm lại dải đường xưa
Anh yêu em không phải chỉ riêng em
Bởi lẽ tình ta nhen từ phố nhỏ
Phố nhỏ đỏ như lòng ta ở đó
Vẫn ngọt ngào trong nỗi nhớ đầu tiên…”
“Trong không gian bom đạn đánh phá một thành phố tan nát như vậy mà Xuân Hoàng làm được bài thơ trên, phải nói là có tầm nhìn, có tấm lòng thủy chung với mảnh đất Đồng Hới. Qua bài thơ đó, để nói rằng, anh Xuân Hoàng gắn bó ruột thịt với Đồng Hới, nặng lòng với quê hương. Thế nên, nhà thơ Chế Lan Viên từng nhận xét rằng: “Xuân Hoàng là nhà thơ của Quảng Bình”, nhà thơ Văn Lợi nói.
Bán sách để mưu sinh
Nhà thơ Văn Lợi nhớ lại: “Kỉ niệm đáng nhớ nhất của tôi với Xuân Hoàng là vào những năm 92, khi anh Hoàng ra tập thơ “Bầu trời và mặt đất”, được Nhà xuất bản Văn học in và trả nhuận bút bằng sách. Thời đó khổ lắm, anh Hoàng phải mang sách đi bán để có tiền mưu sinh”.
Nhà thơ Văn Lợi kể: “Trong chuyến đi công tác ở Quảng Trị và Huế, tôi đi ô tô của cơ quan đã rủ anh Xuân Hoàng đi cùng để bán sách. Sau khi mời một số nơi họ không mua tôi thấy thương anh ấy và tặng anh vài câu thơ sau:
Thương một nhà thơ ngoại lục tuần
Con đường sáng tạo quá gian truân
Tuyển thơ thấm đẫm tình nhân ái
Mà phải bôn ba để bán dần.
Rồi anh Hoàng ôm tôi và bảo: “Văn Lợi ơi! Xót xa quá”.
Thời gian sau, Xuân Hoàng vào Sài Gòn ở cùng các con. Mãi đến năm 2002, tôi mới vào Sài Gòn thăm anh được, lúc đó anh đã ốm nặng và nằm một chỗ. Năm 2004, anh mất, tôi không vào được và đến nay vẫn day dứt mãi”.
“Vào năm 2011, nhân kỉ niệm ngày thành lập Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Bình, tại buổi lễ có các lãnh đạo, tôi lên phát biểu và đề xuất phải có tên đường nhà thơ Xuân Hoàng để ghi nhận những đóng góp lớn về văn học nghệ thuật mà nhà thơ đã dành cho tỉnh nhà.
Sau 10 năm, đến nay điều đó đã được ghi nhận, nhà thơ Xuân Hoàng được đặt tên cho một con đường ở Thành phố Đồng Hới”, nhà thơ Văn Lợi nói.