Chủ động sơ tán khi lũ về
Căn nhà cấp 4 của gia đình bà Lê Thị Mai (SN 1965), nằm bên sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). Lũ lên, căn nhà của bà ngập sâu trong nước, đến chiều 30/10, lũ đang rút dần, nhưng vẫn ngập gần 1m.
Để đảm bảo an toàn trong lũ lụt, 2 ngày qua, vợ chồng bà Mai đã đến ở nhờ tại căn nhà 2 tầng của hàng xóm, chờ nước rút mới trở về dọn dẹp nhà cửa, khắc phục hậu quả.
Theo bà Mai, ở vùng “rốn lũ” Lệ Thủy, mỗi lần nước dâng cao, người dân ở nhà cấp 4 sẽ chủ động kê cao tài sản, sau đó di dời đến trú nhờ tại các căn nhà cao tầng; bà con đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau để vượt qua thiên tai.
“Ngày 28/10, khi thấy nước dâng lên, vợ chồng tôi đã chạy qua nhà 2 tầng của hàng xóm ở nhờ. Không chỉ vợ chồng tôi mà nhiều người khác trong làng cũng đến đây ở, bà con giúp đỡ, đùm bọc nhau giữa lúc khó khăn”, bà Mai tâm sự.
Cũng như bà Mai, vợ chồng cụ Hoàng Đình Chức (88 tuổi), trú thôn Đông Thành, xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy được con cháu đưa đến nhà cao tầng để tránh trú từ thời điểm đầu đợt lũ.
“Năm 2020, lũ ngập nóc nhà, phải dỡ ngói chui ra nên giờ rất sợ. Mưa lớn, nước lên là tôi điện con trai đưa đi tránh trú. Nhiều người giờ đã về dọn dẹp nhà cửa nhưng tôi già cả, cứ chờ nước rút hết rồi về cho an toàn”, cụ Chức nói.
Ấm tình người trong mưa lũ
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, ngay khi lũ lên, chính quyền địa phương tại các huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh (Quảng Bình) đã tổ chức di dời hơn 1.000 hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, di dời tại chỗ khoảng 9.000 hộ dân.
Nhiều hộ gia đình nhà cấp 4, vùng trũng thấp đã chủ động sơ tán đến nhà người thân ở vùng cao hơn hoặc ở nhờ nhà cao tầng, trụ sở ủy ban, trường học, nhà tránh lũ cộng đồng nhằm đảm bảo an toàn.
“Là địa phương thường xuyên lũ lụt, chúng tôi luôn sẵn sàng mọi phương án để ứng phó. Với hộ dân nhà thấp, ngập sâu, địa phương tổ chức di dời hoặc vận động bà con sơ tán đến nhà cao tầng. Xã cũng công bố số điện thoại rộng rãi để bà con điện khi cần, chúng tôi cắt cử người hỗ trợ kịp thời”, ông Phạm Văn Linh, Chủ tịch UBND xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy, nói.
Những ngày qua, với tinh thần “tương thân, tương ái”, nhiều gia đình có nhà cao tầng tại các huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh đã mở cửa đón người dân bị ngập lụt đến tránh trú, chuẩn bị chỗ nghỉ, đồ ăn, nước uống đầy đủ.
Gia đình anh Nguyễn Văn Lưu, trú thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy đón hơn 10 người đến tránh lũ. Căn nhà 2 tầng của anh là địa điểm tránh trú quen thuộc của nhiều gia đình trong vùng, mỗi khi thiên tai ập đến. Vợ chồng anh Lưu còn chuẩn bị lương thực, nấu ăn phục vụ bà con đến ở nhờ.
“Nhà tôi cao hơn nên mỗi khi có lũ, vợ chồng tôi lại gọi người dân trong xóm đến ở, chỉ mong sao mọi người được bình an. Không chỉ nhà tôi mà nhiều nhà cao tầng khác cũng thế, ngày lũ bà con đến ở cùng, trò chuyện râm ran, tương trợ lẫn nhau, tình làng nghĩa xóm thêm phần gắn kết”, anh Lưu vui vẻ nói.
Rút kinh nghiệm sau những trận lũ trước, đợt này, nhiều hộ dân đã chủ động hơn trong việc ứng phó. Họ dự trữ lương thực, thực phẩm cần thiết phòng lũ kéo dài. Đối với một số khu vực đang thiếu nước sạch, thực phẩm, chính quyền các địa phương đang triển khai thuyền, ca nô để tiếp tế nhanh nhất đến người dân.
Ghi nhận của phóng viên Dân trí, đến chiều 30/10, tại Quảng Bình đang có mưa nhỏ, nước lũ tại các xã vùng trũng thuộc huyện Quảng Ninh và “rốn lũ” Lệ Thủy đang rút xuống. Nhiều hộ dân đi tránh trú đã trở về dọn dẹp nhà cửa, khắc phục hậu quả.
Với kinh nghiệm của người dân vùng lũ, nước rút đến đâu họ sẽ cọ rửa đến đó, tránh tình trạng bùn đất đọng lại.
Theo thống kê từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình, mưa lũ đã gây ngập trên 32.000 căn nhà, chủ yếu tại huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh. Đã có 4 người tại địa phương này tử vong và mất tích trong lũ.
Mưa lũ cũng khiến người dân Quảng Bình thiệt hại hơn gần 400ha hoa màu, rau màu; hơn 40.000 con gia cầm, gia súc; gần 300ha diện tích nuôi cá…
https://dantri.com.vn/xa-hoi/nhung-noi-an-nau-dac-biet-cua-nguoi-dan-vung-ron-lu-quang-binh-20241030135901967.htm