Quả thị xanh om với thịt nhái bà-Món Đặc sản từ thời “bao cấp”
Theo các cụ cao niên ở xã Mỹ Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) kể lại, ngày xưa, thời “bao cấp” trở về trước, cuộc sống khốn khó, người dân địa phương thường tận dụng tất cả những gì có sẵn trong vườn nhà như các loại rau lang, mồng tơi, rau đay, hoa chuối…hay ra đồng mò cua bắt ốc để cải thiện bữa ăn.
Một cây thị cổ thụ trước cổng nhà của người dân xã Mỹ Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình). Ảnh: Trần Anh
Làng Mỹ Trạch thời ấy cây thị xuất hiện nhiều, có cây hàng trăm năm tuổi, trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ, những căn hầm dưới gốc thị là nơi trú ẩn an toàn.
Cây thị bó mật thiết với đời sống người dân nơi này, nên bà con xem cây thị như “báu vật” của làng. Khi trái thị chín, quả tỏa mùi hương thơm lừng, người dân hái vào đặt trong nhà hoặc mang ra chợ bán.
Còn lúc đang xanh, trái thị có vị hơi chát, bà con nơi đây nghĩ rằng những thứ chát sẽ rất ngon nếu kết hợp với những con vật nhiều chất tanh, nhiều nhớt, giàu đạm.
Hằng năm, cây thị ra quả xanh vào khoảng tháng tư, tháng năm (âm lịch). Thời điểm này, trời thường xuất hiện những cơn mưa rào đầu mùa.
Người dân xã Mỹ Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) xem cây thị cổ thụ như “báu vật”, che chở cho người dân nơi đây trải qua giai đoạn chiến tranh, đói khổ. Ảnh: Trần Anh
Quả thị xanh hái từ cây thị cổ ở xã Mỹ Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), lúc xanh thị có vị chát.
Sau mỗi cơn mưa rào, ngoài đồng xuất hiện nhiều nhất là loài nhái nép mình dưới gốc rạ vừa gặt. Người dân lúc đó xách giỏ ra đồng tìm bắt những chú “nhái bà” (nhái to lớn) đem về nấu với quả thị xanh.
Cách nấu món đặc sản đồng quê thời bao cấp-quả thị xanh nấu với thịt nhái bà
Bà Nguyễn Thị Xuân (SN 1977, ở thôn 3, xã Mỹ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) chia sẻ: “Món thị xanh nấu với nhái bà có cách chế biến khá công phu.
Con nhái bà sau khi làm sạch ướp các loại gia vị như: củ nén, ớt xanh, hạt tiêu…rồi băm nhỏ, vo lại thành viên và phi mỡ nóng cho săn lại”.
Theo bà Nguyễn Thị Xuân, người dân làng Mỹ Trạch hái quả thị xanh hái trên những cây thị cổ thụ trong làng, sau đó dùng dao thái từng miếng rồi bỏ vào kho chung với thịt nhái viên.
Bên cạnh đó, người đầu bếp chủ món đặc sản còn bỏ thêm ớt, dứa, rau ngổ, lõi của thân cây chuối để tạo thêm vị cho món ăn. Từ đây cơ bản đã gần xong phần chuẩn bị cho món đặc sản thị xanh nấu với nhái bà.
Món đặc sản đồng quê, quả thị xanh nấu với thịt nhái bà ăn kèm với bún.
Khi nấu món đặc sản đồng quê thời bao cấp này, cần đun nhỏ lửa cho đến khi sền sệt nước. Lúc này, món ăn không còn vị tanh của nhái, vị chát của quả thị nữa, chỉ còn lại là vị ngọt thơm, béo bùi, ai đã ăn một lần thì nhớ mãi…
Bà Nguyễn Thị Xuân (ở thôn 3, xã Mỹ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) sơ chế món thịt nhái viên rồi đóng gỏi gửi cho người có nhu cầu.
“Sự kết hợp giữa thị xanh nấu với nhái bà không ngờ tạo ra một món ăn ngon, truyền đời qua bao thế hệ và bây giờ nó đã thành một món đặc sản của xã tôi. Nhiều người đi xa thường rất nhớ món ăn này, để đáp ứng nhu cầu, tôi đã sơ chế thịt nhái viên, quả thị xanh rồi gửi tận nơi cho mọi người”, bà Nguyễn Thị Xuân chia sẻ.
https://danviet.vn/o-quang-binh-vat-qua-thi-xanh-nau-voi-thit-con-nhai-ba-ma-ra-dac-san-ca-lang-them-van-nguoi-me-20240725093301188.htm