Vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đại Trạch ra mắt mô hình “Gia đình 5 có, 3 sạch – nông thôn mới kiểu mẫu”, “Thu gom phân loại rác thải tại nguồn” cấp huyện.
Theo đó, các tiêu chí của mô hình “Gia đình 5 có, 3 sạch” gồm: Có ngôi nhà an toàn, có sinh kế bền vững, có sức khỏe, có kiến thức, có nếp sống văn hóa và sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ.
Việc xây dựng mô hình điểm “Gia đình 5 có, 3 sạch” tại các địa bàn nông thôn mới nâng cao, nâng thôn mới kiểu mẫu và mô hình “Thu gom phân loại rác thải tại nguồn” là cách làm sáng tạo, thiết thực nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của hội viên, phụ nữ, các hộ gia đình và cán bộ hội các cấp trong thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Đồng thời, giúp hội viên phụ nữ, các hộ gia đình, người dân và cộng đồng có điều kiện học tập, trao đổi kinh nghiệm, liên kết trong hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế cũng như thu gom phân loại rác thải tại nguồn, trong bảo vệ môi trường nông thôn ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp. Từ đó, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; nâng cao chất lượng cuộc sống của phụ nữ, gia đình và cộng đồng.
Có thể thấy, nội hàm các tiêu chí “5 có, 3 sạch” rất rộng, bao trùm lên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, hướng tới việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Chính vì vậy, để xây dựng thành công mô hình, làm cơ sở cho việc triển khai nhân rộng đến các địa bàn khác trong toàn huyện, yêu cầu phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo, vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương và sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của tất cả người dân.
Trong đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp, hội viên, phụ nữ và người dân trong cộng đồng dân cư giữ vai trò nòng cốt xây dựng mô hình. Phát huy vai trò tự giám sát và được thụ hưởng của từng người dân trong từng hoạt động, qua đó, tạo động lực, tinh thần, sức mạnh tổng hợp để làm đổi thay bộ mặt nông thôn với diện mạo mới, sức sống mới.
Thời gian qua, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bố Trạch đã có nhiều giải pháp sáng tạo, với nhiều hoạt động thiết thực, phát huy tốt vai trò của phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Nhiều mô hình hay, ý nghĩa đã lan tỏa trong cộng đồng dân cư, như: “Hàng rào xanh, xây dựng nông thôn mới”, “Đường hoa”, “Thu gom phế liệu xây dựng quỹ tình thương”… tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu…
Sau hơn 11 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Bố Trạch đã có 19 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 76%), 20 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, 11 vườn mẫu.
Diện mạo nông thôn Bố Trạch ngày càng đổi mới, khang trang, sạch đẹp hơn, tạo được không khí xây dựng nông thôn mới rộng khắp các vùng nông thôn. Nhiều địa phương bước vào giai đoạn xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, quan tâm chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, triển khai liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Phong trào khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu ở nhiều địa phương đã thúc đẩy nông thôn mới đi vào thực chất.
Giai đoạn 2021 – 2025, huyện Bố Trạch xác định mục tiêu chung là xây dựng nông thôn mới theo hướng chuyển từ “lượng sang chất”, đảm bảo thực hiện liên tục, lâu dài với phương châm “Xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc”, tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng nông thôn mới theo các mức độ đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu.
https://vietnamnet.vn/phat-huy-vai-tro-phu-nu-trong-xay-dung-nong-thon-moi-o-bo-trach-quang-binh-2333158.html