Trở thành thành viên

Nhận cập nhật mới từ Quảng Bình S.vn

― Quảng cáo ―

spot_img
HomeDu LịchQuảng Bình: Khôi phục tuyến đường “thiên lý Bắc - Nam” với...

Quảng Bình: Khôi phục tuyến đường “thiên lý Bắc – Nam” với 1000 bậc đá cổ qua Hoành Sơn quan

Một lối mòn được xếp bằng các bậc đá cổ xưa trên tuyến đường qua Hoành Sơn quan, tại đèo Ngang, vừa được huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) phát lộ mở lại, góp phần quan trọng giúp các nhà khảo cổ xác định lối đi của con đường “thiên lý Bắc – Nam” và cách người xưa vượt đèo Ngang hiểm trở.

1.000 bậc đá cổ trên con đường “thiên lý Bắc – Nam”

Được người dân địa phương, trong đó có các bậc cao niên ở xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) thông tin, chính quyền địa phương đã tổ chức khảo sát và phát hiện dấu tích của một lối mòn được xếp bằng các bậc đá cổ xưa, chồng xen kẽ lên nhau, vừa dấu chân đi, nối từ đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh lên cổng Trời Hoành Sơn quan.

Theo đó, con đường dài hơn 1km với khoảng 1.000 bậc đá cổ, đi qua bia Hạ Mã trước cổng đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh, men theo triền núi, giữa rừng rậm, dẫn lên đỉnh đèo Ngang qua Hoành Sơn quan, để qua phía tỉnh Hà Tĩnh.

Z5862599822027_Ed963Ad3A7B3F3C46Eefbf22Fd730418.Jpg
Di tích Hoành Sơn quan nằm trên đèo Ngang

Dọc trên đoạn đường này, còn có một số ngôi mộ cổ đứng dựng lên bằng đá để đánh dấu nấm mộ. Cũng theo các bậc cao niên ở địa phương, mộ đá trên là mộ có thể của binh lính canh cổng Hoành Sơn quan ngày xưa nằm lại được người dân chôn cất khi qua đời.

Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch Trần Quang Trung cho biết, việc khôi phục hiện trạng tuyến đường “thiên lý Bắc – Nam” nối từ đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh lên đỉnh đèo Ngang, qua Hoành Sơn quan giúp phát huy giá trị văn hóa, lịch sử ở di tích đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh nhằm phục vụ tín ngưỡng của người dân, tạo nên điểm đến ấn tượng cho du khách thập phương trong hành trình Du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh ở khu vực phía Bắc của tỉnh.

Khi đến đây, sau khi tham quan, chiêm bái đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh, du khách có thể đi trên những bậc đá của con đường xưa để trải nghiệm và chiêm ngưỡng những cảnh quan kỳ vĩ ở đèo Ngang…

Di tích 200 năm trên đỉnh đèo Ngang

Theo sử sách ghi lại, Hoành Sơn quan được xây dựng trên đỉnh đèo Ngang năm Minh Mạng thứ 14 (1833), cách đây gần 200 năm. Công trình cổng Hoành Sơn bắt đầu từ dãy Giăng Màn, hay còn gọi là Khai Trường Sơn, ở xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình), rồi kéo dài từ Tây sang Đông.

Đội quân xây dựng Hoành Sơn quan có tất cả khoảng 300 người, do Bố Chính Trần Văn Tuân cai quản, thời gian hoàn thành là 1 tháng. Sau khi hoàn thành, 20 lính Quảng Bình đã thay phiên nhau canh giữ.

Z5862608742156_33721A11C7D9F36163A1Cd64B59Dfdd2.Jpg
Tuyến đường vừa được mở lại đi qua bia Hạ Mã trước cổng đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh, dẫn lên Hoành Sơn quan

Cửa ải Hoành Sơn quan ngày xưa là một điểm quan trọng trấn giữ con đường “thiên lý Bắc – Nam” với cổng Hoành Sơn có chiều cao hơn 4m, được khởi công từ năm Minh Mạng thứ 14. Tuyến đường “thiên lý Bắc – Nam” cũng được xây dựng trong thời gian này với mỗi bên có 1.000 bậc thang đá để khách bộ hành qua lại.

Trước đây, khi chưa có hầm đường bộ, mọi phương tiện khi vượt đèo Ngang đều đi qua Hoành Sơn quan, và được nhiều người biết đến vì kiến trúc thành lũy quân sự nổi bật. Tuy nhiên, với sự thuận tiện của hầm đường bộ, con đường và vị trí của Hoành Sơn quan trở nên tĩnh tại hơn và ít đón du khách viếng thăm do nhiều yếu tố như giao thông hay hoạt động quản lý, khai thác. Vì vậy, tuyến đường nối từ đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh lên đỉnh đèo Ngang, qua Hoành Sơn quan đã hàng chục năm qua cây cối mọc um tùm, không có nhiều người qua lại.

Images794072_Kh_I_Ph_C_2.Jpg
Chính quyền địa phương tỉnh Quảng Bình phát lộ tuyến đường “thiên lý Bắc – Nam” qua Hoành Sơn quan

Với việc khôi phục tuyến đường trên 1.000 bậc đá cổ, dấu tích con đường “thiên lý Bắc – Nam” dần rõ ràng hơn giúp các nhà khảo cổ đến nghiên cứu cũng như du khách ghé tham quan, tìm hiểu văn hoá, lịch sử…

Khánh Trinh



https://daibieunhandan.vn/quang-binh-khoi-phuc-tuyen-duong-thien-ly-bac-nam-voi-1000-bac-da-co-qua-hoanh-son-quan-post391272.html