Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, và các đơn vị liên quan tổ chức một phiên tòa giả định nhằm tuyên truyền chống khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU).
Phiên tòa giả định diễn ra ngày 15/10. Mục tiêu của phiên tòa giả định là nâng cao nhận thức pháp luật của ngư dân về việc tuân thủ các quy định của Việt Nam và quốc tế trong lĩnh vực khai thác hải sản, đồng thời thúc đẩy nỗ lực gỡ bỏ “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu. Phiên tòa cũng hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường biển, duy trì phát triển kinh tế – xã hội bền vững và củng cố vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Phiên tòa thu hút sự tham gia của hơn 200 ngư dân, thuyền trưởng, và chủ tàu từ các xã Đức Trạch, Hải Phú và Thanh Trạch. Nội dung chính của phiên tòa là xét xử một vụ án liên quan đến hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép, sử dụng tài liệu giả, và cản trở hoạt động của phương tiện điện tử bằng cách tắt thiết bị giám sát hành trình để thực hiện hành vi khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài.
Tại phiên tòa giả định, Tòa án tiến hành xét xử vụ án đối với hành vi “tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép; “sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” và “cản trở hoạt động của phương tiện điện tử” khi ngắt kết nối các thiết bị giám sát hành trình trên 02 tàu cá nhằm mục đích trốn tránh sự giám sát quản lý của các cơ quan chức năng để chỉ đạo các thuyền viên đi qua vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép.
Vụ án tại phiên tòa giả định được tái hiện với tình tiết cụ thể: Vào năm 2016, vợ chồng Trần Văn Thành vay vốn ngân hàng để đóng mới hai tàu cá vỏ thép. Trong quá trình đánh bắt, Thành đã cố tình vượt ranh giới biển và khai thác trái phép tại vùng biển Malaysia. Sau khi bị bắt giữ, để tiếp tục hoạt động phi pháp, Thành cùng đồng bọn đã tổ chức làm giả hồ sơ tàu cá và mua thiết bị giám sát hành trình mới nhằm né tránh sự giám sát của cơ quan chức năng. Thành cũng chỉ đạo việc mua thông tin về lịch trình tuần tra của Hải quân Malaysia để tránh bị phát hiện khi khai thác tại vùng biển nước này.
Ngoài ra, để có đủ nhân công cho các tàu cá, Thành đã tổ chức tuyển dụng lao động và đưa họ ra nước ngoài khai thác hải sản trái phép, bất chấp sự cảnh báo của lực lượng chức năng. Các đối tượng đã bị Hải quân Indonesia phát hiện, bắt giữ. Thông qua công tác ngoại giao của Chính phủ Việt Nam các thuyền viên đều được thả về nước và đã bị khởi tố bắt tạm giam từ ngày 14/10/2023.
Tại phiên tòa giả định, các bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội và bày tỏ mong muốn nhận được sự khoan hồng của pháp luật. Hội đồng xét xử tuyên án các bị cáo với mức phạt từ 5 đến 12 năm tù tùy theo từng tội danh.
Cũng trong sự kiện này, các cơ quan chức năng đã kết hợp tuyên truyền về các quy định pháp luật liên quan đến khai thác hải sản, nhằm giúp ngư dân hiểu rõ hơn về trách nhiệm của mình và cam kết tuân thủ luật pháp, góp phần bảo vệ tài nguyên biển của quốc gia.
Lê Đình
https%3A%2F%2Fthuonghieucongluan.com.vn%2Fquang-binh-to-chuc-phien-toa-gia-dinh-nang-cao-nhan-thuc-chong-khai-thac-iuu-a240646.html