Đến năm 2030, tỉnh Quảng Nam phấn đấu trở thành trung tâm Du lịch quốc tế quan trọng trên cơ sở phát huy tối đa giá trị các di sản văn hoá thế giới.
Phát triển toàn diện
Đến năm 2030, tỉnh Quảng Nam phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung – Tây Nguyên; có mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại; phát triển hàng không, cảng biển, dịch vụ logistics, du lịch, công nghiệp cơ khí ô tô, cơ khí chế tạo, điện khí mang tầm khu vực.
Tỉnh hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu, chế biến sâu sản phẩm nông – lâm nghiệp, silica mang tầm quốc gia; có cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao; có nền văn hóa giàu bản sắc; đa số các cơ sở y tế, giáo dục đạt chuẩn quốc gia; có hệ thống đô thị đồng bộ, gắn kết với nông thôn.
Quảng Nam phấn đấu đến năm 2030 kinh tế có tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 – 2030 đạt trên 8%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt trên 7.500 USD. Năng suất lao động tăng bình quân 6,5 – 7%/năm. Kinh tế số đóng góp khoảng 30% GRDP.
Tỉnh phấn đấu tỷ lệ vốn đầu tư trên GRDP bình quân hằng năm trên 30%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng bình quân hằng năm trên 12%; thu ngân sách tăng bình quân hằng năm trên 10%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng bình quân hằng năm trên 15%; thu hút trên 15 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế và 7 triệu khách nội địa.
Tỉnh thuộc nhóm tốt của cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công, chỉ số chuyển đổi số…
Thương hiệu du lịch Quảng Nam
Mới đây, Bộ VH-TT&DL vừa tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao; Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Trong Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, du lịch tỉnh Quảng Nam thể hiện đậm nét ở một số nội dung gồm:
Du lịch Quảng Nam nằm trong khu vực động lực phát triển du lịch Quảng Bình – Quảng Trị – Thừa Thiên Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam. Khu vực này được hoạch định thúc đẩy phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; kết nối các di sản thế giới trong nước với quốc tế, gắn kết các sản phẩm du lịch văn hóa với du lịch đô thị và nghỉ dưỡng biển.
Phố cổ Hội An được xác định là một trong 11 trung tâm du lịch gắn với các đô thị có tiềm năng và lợi thế nổi trội để ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ gắn với các định hướng phát triển kinh tế ban đêm. Cửa khẩu quốc tế Nam Giang được định vị trong Hành lang du lịch Đông – Tây (miền Trung).
Hành lang này hình thành trên cơ sở hành lang kinh tế Lao Bảo – Đông Hà – Đà Nẵng, kết nối với Lào và các nước Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo; hành lang kinh tế Nam Giang (Quảng Nam) – Đà Nẵng kết nối với Lào qua Cửa khẩu quốc tế Nam Giang.
Ngoài ra, Cù Lao Chàm (TP.Hội An) là một trong 17 địa điểm ở vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung được đề xuất vào danh mục các địa điểm tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia.
Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Quảng Nam phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững, mang đậm bản chất văn hoá đặc trưng con người Xứ Quảng; phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, có đóng góp lớn cho ngân sách Trung ương; là trung tâm du lịch quốc tế quan trọng trên cơ sở phát huy tối đa giá trị các di sản văn hóa thế giới.
Mục tiêu tổng quát của quy hoạch đến năm 2025, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên thế giới. Đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh; trở thành điểm đến có năng lực phát triển hàng đầu thế giới.
Tầm nhìn đến năm 2045, du lịch khẳng định vai trò động lực của nền kinh tế, điểm đến nổi bật toàn cầu, nằm trong nhóm quốc gia phát triển du lịch hàng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Theo số liệu của UBND tỉnh Quảng Nam, trong 9 tháng đầu năm 2024, Quảng Nam đã đón gần 6,5 triệu lượt khách du lịch (tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái). Trong số gần 6,5 triệu lượt khách có hơn 4,2 triệu lượt khách quốc tế (tăng 8% so với cùng kỳ) và hơn 2,2 triệu lượt khách nội địa (tăng 3% so với cùng kỳ). Lượng khách du lịch tăng trưởng tốt giúp doanh thu du lịch của tỉnh ước đạt 6.230 tỷ đồng (tăng 8% so với cùng kỳ). Thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 14.641 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, ngành du lịch tỉnh Quảng Nam thường xuyên được vinh danh ở các giải thưởng, cuộc bình chọn quốc tế. Tiêu biểu như các danh hiệu được trao hồi đầu tháng 9 tại Giải thưởng du lịch thế giới 2024 khu vực châu Á – Thái Bình Dương: Sở VHTTDL Quảng Nam nhận danh hiệu “Cơ quan quản lý du lịch địa phương hàng đầu châu Á”; Hội An được vinh danh “Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á” năm thứ 4 liên tiếp…
Hoàng Hữu Quyết
https%3A%2F%2Fthuonghieucongluan.com.vn%2Fquang-nam-tung-buoc-khang-dinh-thuong-hieu-du-lich-a241166.html