Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, năm 1990, ngành Du lịch Thừa Thiên Huế chỉ có 81.500 du khách với doanh thu 154 tỷ, thì đến năm 2019 doanh thu từ du lịch của Thừa Thiên Huế đã đạt 12.000 tỷ với hơn 4,8 triệu lượt lượt khách.
Sau đại dịch Covid – 19, ngành du lịch Thừa Thiên Huế đã có những bước phát triển phục hồi quan trọng, lượng khách du lịch đến Thừa Thiên Huế tăng trưởng dần qua các năm.
Năm 2022 doanh thu du lịch đạt hơn 4.500 tỷ đồng. Năm 2023, doanh thu từ du lịch đạt 7.000 tỷ đồng. Trong 8 tháng đầu năm 2024, doanh thu từ du lịch ước đạt gần 6.000 tỷ đồng.
Hiện nay, Thừa Thiên Huế thuộc top 10 thị trường dẫn đầu du khách đến như Đài Loan, Thái Lan, Mỹ, Malaysia, Pháp, Anh, Úc, Đức, Tây Ban Nha, Hàn Quốc.
Thừa Thiên Huế phát triển du lịch chưa xứng tầm
Tại hội nghị, PGS – TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Việt Kinh tế Việt Nam nhận định, với những gì đang sở hữu thì thực trạng phát triển du lịch như hiện nay là chưa xứng tầm với những tiềm năng và vận hội mà Huế đang có.
Theo ông Thiên, Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương được hưởng cơ chế đặc thù với những tiềm năng lợi thế vào dạng tuyệt đối. Tuy vậy, vấn đề đặt ra với Huế cũng như ngành du lịch của địa phương này đó là vẫn chưa chuyển những lợi thế thành sức mạnh phát triển.
Để du lịch Huế phát triển, ông Thiên cho rằng địa phương cần phải có kế hoạch để biến những tiềm năng thành lợi thế cạnh tranh với mục đích kéo được khách du lịch.
Ông Thiên nhấn mạnh, mặc dù Huế có những cơ chế đặc thù nhưng cái Huế thực sự cần là những cơ chế vượt trội, trong đó du lịch của địa phương này nên có những hình mẫu khác thường như du lịch gofl, du lịch xanh.
“Nếu Huế không xanh đừng nên mơ ước làm du lịch hiện đại. Nếu không bảo đảm yếu tố xanh sẽ bị loại khỏi cuộc chơi”, ông Thiên nhấn mạnh.
Trong khi đó ông Mark Reeves, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn BRG, cho biết Huế là thành phố rất tiềm năng về du lịch. Ông Mark Reeves nhấn mạnh để Huế “hút” du khách nên đáp ứng những kỳ vọng của du khách.
Ông Reeves cho rằng, Huế nên cải thiện dịch vụ du thuyền trên sông Hương, các hoạt động trong kinh thành, khích lệ các hoạt động mua sắm, mở các tuyến phố đi bộ, hướng đến du lịch gofl. Đồng thời nên có chiến lược marketing để quảng bá du lịch cũng như mở các đường bay nội địa và quốc tế.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam nhấn mạnh, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Thừa Thiên Huế cần tập trung nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, gắn với thế mạnh về bản sắc văn hóa, di sản vật thể và phi vật thể của địa phương để tạo tiền đề cho công tác xúc tiến quảng bá, liên kết phát triển sản phẩm, chương trình du lịch.
Phát triển đa dạng các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển các sản phẩm du lịch xanh, thân thiện với môi trường tự nhiên và xã hội, tăng cường hiệu suất sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
“Huế nên thúc đẩy các chương trình kích cầu du lịch nôi địa, quốc tế, có cơ chế để huy động các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch”, ông Siêu nhấn mạnh.
Ngày 19/9, Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên Huế phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức Hội nghị Xúc tiến quảng bá và kết nối du lịch Huế 2024. Đây là hội nghị quan trọng để ngành du lịch Thừa Thiên Huế cùng với các ngành chuẩn bị cho năm Du lịch Quốc gia 2025 mà Huế là địa phương đăng cai tổ chức.
https://nhadautu.vn/thua-thien-hue-phat-trien-du-lich-chua-tuong-xung-voi-tiem-nang-d89109.html