Trở thành thành viên

Nhận cập nhật mới từ Quảng Bình S.vn

― Quảng cáo ―

spot_img
HomeDanh NhânThượng thư Nguyễn Đăng Giai

Thượng thư Nguyễn Đăng Giai

(QBĐT) – Hơn 170 năm giã biệt dương thế, an nghỉ trên động cát Ngà Voi, xã Hưng Thủy (Lệ Thủy), nhưng tài năng và công đức vô lượng của Thượng thư Nguyễn Đăng Giai mãi là niềm tự hào của dòng tộc Nguyễn Đăng.

 

Nguyễn Đăng Giai là con trai đầu của Nguyễn Đăng Tuân, tên tự là Toản Phu, tướng mạo khôi ngô, tuấn tú. Khi còn nhỏ, ông học tập tại gia đình. Thấy con trai có tướng mạo khác thường, đoán rằng sau này chắc sẽ thành công sớm nên cha ông quyết tâm chăm lo, nuôi dạy con ăn học đến nơi đến chốn.

 

Năm Minh Mạng thứ nhất (1820), ông thi đỗ kỳ thi Hương. Ban đầu, ông được nhận vào làm việc ở Viện hàn lâm, từng được thăng chức Lang trung Bộ Hộ. Năm Minh mạng thứ 10 (1829), ông được thăng giữ chức Thự Tham hiệp trấn Nam Định. Mùa thu, năm Minh Mạng thứ 12 (1831), ông được sung chức Chủ khảo trường thi Nghệ An, rồi chuyển sang nhậm chức Bố chính xứ Thanh Ba (Thanh Hóa).

 

Thời điểm đó, hàng năm, khi đường biển thường bị giặc cướp bóc, cản trở quan quân khi đi tuần biển, Nguyễn Đăng Giai cùng Tổng đốc Đoàn Văn Tường dâng sớ trình bày điều kiện, khả năng về binh lính, thuyền bè, địa thế với 3 điều không tiện. Đồng thời, ông đề xuất tăng cường binh lính, thuyền bè, vũ khí và chiêu thức đánh địch, được vua khen ngợi và ban dụ rằng: “Đăng Giai có kiến thức, những điều đã trình bày phần nhiều thiết thực, trúng cơ nghi; liền cho Hộ lý quan phòng thủ(1). Gặp năm đói kém, dân chúng phiêu tán khắp nơi đi xin ăn, ông tâu lên vua xin đặt sở Dưỡng tế, lại xin đường mở cảng và khai thác đá núi, lấy tiền trả công thay cho tiền phát chẩn. Vua cho ông là người hết lòng thương yêu dân, luôn tìm cách lo cho miếng cơm và đời sống dân nghèo nên được vua truyền chỉ khen ngợi.

 

Năm Minh Mạng thứ 14 (1833), tỉnh Ninh Bình có quân nổi loạn, vua sai Tổng đốc An Tĩnh Tạ Quang Cự, Tổng thống quân vụ đại thần Nguyễn Đăng Giai cùng Thống chế Hoàng Đăng Thận đều sung chức Tham tán. Do thông thuộc địa hình, biết được chỗ hiểm yếu, chỗ thuận lợi triển khai quân lính, hiểu được phong tục, tập quán, lối sống, đặc điểm tâm lý từng tộc người, nên ông tâu lên vua chiến thuật, cách dụng binh phù hợp.

 

Mọi việc đang trên đà thuận lợi, khi đến đất An Trị, thổ ty Thanh Hóa là Nguyễn Đình Bang phản bội, dùng súng bắn lại quân triều đình rồi bỏ trốn. Nguyễn Đăng Giai gửi sớ về nhận lỗi, vua Minh Mạng truyền lệnh cách chức ông nhưng cho ở lại quân thứ để lấy công chuộc tội. Sau đó, ông đã xốc lại lực lượng, động viên quân sĩ tiến đánh giành được đồn Xích Thố. Thừa thắng xông lên, ông cùng bính lính giành được nhiều đồn khác. Tin thắng lợi tâu lên, vua ban dụ khen, cho khai phục nguyên hàm.





Mộ Thượng Thư Nguyễn Đăng Giai Ở Động Cát Ngà Voi, Xã Hưng Thủy (Lệ Thủy).
Mộ Thượng thư Nguyễn Đăng Giai ở động cát Ngà Voi, xã Hưng Thủy (Lệ Thủy).

Năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), khi đang giữ chức Thự Tổng đốc Ninh Thái, ông xin đặt kho ở huyện Văn Giang để thuận tiện cho chuyện chuyên chở, phòng ngừa bất trắc. Thấy ông thông minh, sáng suốt, vua thường khen là người có tài, luôn dấn thân, đương đầu ở những nơi sóng gió, hiểm nguy. Năm Thiệu Trị thứ ba (1843), khi có nạn giặc Thổ nổi lên, hay tụ tập ở địa phận phủ Lâm Thao, thuộc đất phủ Đoan Hùng, vua bèn cử ông đổi đi làm Thự Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên. Khi đến nơi, ông khẩn trương bắt tay vào viêc sửa đổi việc dùng binh, áp dụng biện pháp mạnh nên chỉ một thời gian ngắn đã dẹp yên. Vì có công nên ông được gia thưởng một cấp trác dị và các hạng kim tiền, nhẫn ngọc.

 

Mùa thu, năm Thiệu Trị thứ tư (1844), gặp kỳ đại kế, nhờ có công lao vỗ về dân chúng, ngăn ngừa được phiến loạn, vua phong cho ông thực thụ Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên. Về quê chịu tang cha chưa được bao lâu, ông được vua triệu vào kinh lo việc đại sự. Ông xin vua được ở lại cung chức ở kinh. Vua cho rằng, Sơn Hưng Tuyên là địa phương quan trọng của Bắc kỳ, việc bắt giặc ở Tuyên Quang cũng là việc ông chưa làm xong, hãy vì trẫm mà đến trấn ở đấy. Được vài ngày, vua sai ông đi cung chức.

 

Chỉ trong một thời gian ngắn, những tàn quân nổi loạn cuối cùng bị ông bắt được, nên vua đã gia thưởng cho ông một cấp. Là người mộ chuộng đạo Phật, ông đứng ra công đức, kêu gọi quyên góp tiền của xây chùa Liên Trì, mà người đời sau còn gọi cái tên khác là chùa Quan Thượng để tưởng nhớ đến công đức vô lượng của ông. “Năm Thiệu Trị thứ sáu (1846), Tổng đốc Hà Ninh là Nguyễn Đăng Khải (có sự nhầm lẫn) khởi công làm chùa, lớn nhỏ tới 36 tòa, gồm 188 gian, nhà thờ Phật rộng rãi, tráng lệ, tám mặt đều đào ao trồng sen, đặt tên là chùa Liên Trì(2). Nay còn tháp chuông bên hồ Hoàn Kiếm gần phố Đinh Lễ, TP. Hà Nội là dấu tích còn sót lại của chùa.

 

Năm Tự Đức thứ nhất (1847), ông được thăng Thự Hiệp biện đại học sĩ, triệu về làm Thượng thư Bộ Hình kiêm sung Tổng tài Quốc sử quán. Ông dâng sớ 13 việc, xét thấy mọi việc đều phải vua chuẩn cho thi hành. Đặc biệt, ông còn dâng sớ tham vấn thiết lập bang giao với nhà Thanh một cách khôn khéo, biết mình biết ta mà vẫn giữ được thể diện quốc gia. Chính vì thế, ông được vua thưởng một đồng kim tiền có dòng chữ “Long vân khế hội” và ba tấm nhiễu màu.

 

Mùa xuân năm Tự Đức thứ ba (1849), vua đặc cách chọn ông sung Hữu kỳ Kinh lược đại sứ lĩnh Tổng đốc An Tĩnh, kiêm coi đạo Thanh Hóa. Ông cầm cờ tiết đi ra Bắc, dâng sớ đề xuất 4 việc nhằm yên hợp quân dân. Gặp lúc, tỉnh Thanh Hóa mất mùa, ông tâu xin bán thóc kho ra, hoãn thu thuế, trừ sổ đinh điền đã biên lưu trong sổ, miễn tha các khoản còn thiếu. Những điều ông tâu, vua cho là hết sức thiết thực, thấu hiểu hoàn cảnh, chăm lo dân tình, phần nhiều vua chuẩn cho thi hành.

 

Mùa đông năm ấy, ông tâu xin truy phong các bề tôi chết vì tiết nghĩa ở cuối đời Lê để vun đắp, giữ gìn phong hóa. Vua Tự Đức cho là phải liền ban dụ rằng: “Đăng Giai mang cờ tiết đi xét hỏi dân tình, kinh lý châu huyện, nêu người thanh liêm tài năng, bỏ kẻ tham nhũng, tha các thuế trốn, thiếu, vỗ yên dân điêu háo, đến đấy thức ăn dùng của dân được thừa thãi, trộm cướp im lặng, đời xưa khen là thuần lương cũng không được hơn thế” (3). Ông được đặc cách thưởng một cái bài đeo bằng ngọc tốt chạm khắc hoa mai, một đồng kim tiền hạng lớn có chữ “Vạn thế vĩnh lại” và đoạn, nhiễu, sâm, quế.

 

Mùa thu tháng 7, năm Tự Đức năm thứ 7 (1853), vì ốm, ông xin về, rồi qua đời ở Hà Nội “Hiệp biện đại học sĩ, lĩnh tổng đốc Hà-Ninh sung Kinh lược sứ Bắc kỳ là Nguyễn Đăng Giai chết. Truy tặng hàm Thiếu bảo, hậu cho tiền tuất và sai quan đến tế”(4). Vua ban dụ rằng: “Đã hơn 20 năm nay từ khi mang cờ tiết ra sai phái, cúi mình làm hết sức khó nhọc, sửa sang việc biên cương, xông pha nơi lam chướng… Vả người làm tội, chăm làm việc đến chết, thì sự báo đức đền công, tất có số khác. Huống chi là kẻ thế thần, đời đời làm quan trong nước, trọn ở lòng trẫm, thực nên hậu gia điển chương khen thưởng để nêu người trung tiết, chuẩn cho tặng là Thiếu bảo, tên thụy là Văn Ý(5). Năm Tự Đức thứ 11 (1857), cùng với 38 vị quan khác, Nguyễn Đăng Giai được đưa bài vị thờ ở đền Hiền Lương tại Huế.

 

Làm quan trên 20 năm, trải qua ba đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, bằng ý chí và nghị lực, dù ở bất cứ cương vị nào, ông luôn cống hiến tài năng, tâm huyết phụng sự triều đình, dũng cảm đương đầu nơi lam chướng dẹp nạn kiêu binh, đem lại cuộc sống bình an cho nhân dân. Ông còn hiến nhiều mưu cao, kế sáng, được vua chuẩn y và trọng thưởng nhiều kim tiền, kim khánh, sâm quế, thuốc ngự dụng để bồi bổ sức khỏe lúc ốm đau.

 

Trong số quan lại quê ở Quảng Bình, hiếm có vị quan nào được các bộ quốc sử triều Nguyễn như Đại Nam thực lục, Đại Nam chính biên liệt truyện… đề cập nhiều như Nguyễn Đăng Giai. Chính điều đó càng làm nổi bật tài năng, công đức và đóng góp của Thượng thư Nguyễn Đăng Giai đối với lịch sử.

       Nhật Linh

 

Chú thích:

1, 3, 5. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, tập 3-4, NXB Thuận Hóa, Huế, 2013, tr.190, tr.197 và tr.198.

2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 2, NXB Lao động, Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2012, tr.1105.

4. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 7, NXB Hà Nội, Hà Nội, 2022, tr.329.

https://baoquangbinh.vn/dat-va-nguoi-quang-binh/202407/thuong-thu-nguyen-dang-giai-2219213/