(QBĐT) – Qua gần 6 năm triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), khách hàng trong và ngoài tỉnh đã tiếp cận được sản phẩm thông qua hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại (XTTM), giúp các chủ thể tìm được đầu ra và tăng doanh thu hàng năm.
Năm 2020, sản phẩm dầu lạc Trường Thủy của Hợp tác xã (HTX) Nông sản Trường Thủy, xã Liên Trường (Quảng Trạch) được công nhận đạt OCOP 3 sao. Đến năm 2023, sản phẩm tiếp tục được công nhận đạt OCOP 4 sao. Kể từ khi được công nhận OCOP, sản phẩm có cơ hội tham gia các hoạt động quảng bá, XTTM trong và ngoài tỉnh, như: Tham gia các gian hàng sản phẩm OCOP tại hội chợ trong tỉnh và ngoài tỉnh; tuần lễ triển lãm, giới thiệu quảng bá sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác…
Nhờ đạt tiêu chuẩn OCOP và tham gia các hoạt động quảng bá, XTTM, sản phẩm dầu lạc Trường Thủy dần có mặt tại các cửa hàng nông sản sạch, siêu thị trong, ngoài tỉnh và được khách hàng đón nhận. Chị Đinh Thị Mai Hoa, Giám đốc HTX Nông sản Trường Thủy cho biết: Việc tham gia các hoạt động quảng bá, XTTM là cơ hội để sản phẩm của HTX giới thiệu chất lượng đến khách hàng. Do đó, sản phẩm ngày càng khẳng định được vị trí với khách hàng trong cả nước và hiện HTX đã bán ra thị trường với trung bình hơn 15.000 lít dầu mỗi năm.
Là một trong những sản phẩm vừa mới tham gia hoạt động tuần hàng giới thiệu quảng bá sản phẩm nông sản, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP và Đặc sản Quảng Bình tại tỉnh Hưng Yên, sản phẩm bột cháo canh Kính Hương, xã Bắc Trạch (Bố Trạch) lại có thêm cơ hội quảng bá và đưa sản phẩm của mình tiếp cận thị trường phía Bắc.
Ông Phan Văn Kính, chủ cơ sở sản xuất bột cháo canh Kính Hương chia sẻ: Tham gia hoạt động lần này, sản phẩm có nhiều cơ hội kết nối giao thương, mở rộng kênh phân phối tại các cửa hàng, siêu thị ở Hưng Yên và các tỉnh phía Bắc. Đây không phải lần đầu tiên sản phẩm bột cháo canh Kính Hương được tham gia hoạt động quảng bá, XTTM. Bởi từ khi được công nhận OCOP 3 sao, sản phẩm thường xuyên có mặt tại các hoạt động giới thiệu sản phẩm đặc trưng của Quảng Bình đến các tỉnh, thành phố trong cả nước. Việc được tham gia các hoạt động này giúp sản phẩm tìm được đầu ra dễ dàng hơn, trung bình mỗi ngày xuất bán cho các cửa hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh hơn 1 tạ.
Đến nay, toàn tỉnh có 168 sản phẩm OCOP còn thời hạn, trong đó có 28 sản phẩm OCOP 4 sao, 140 sản phẩm OCOP 3 sao. Các sản phẩm OCOP của tỉnh đa dạng, phong phú về số lượng, chất lượng, ngày càng được quan tâm đổi mới, hoàn thiện bao bì, nhãn mác phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng, một số sản phẩm đã chủ động xây dựng các chỉ tiêu chất lượng tiên tiến như ISO, HACCP, VietGAP… nhằm hướng đến thị trường cao hơn. Một số sản phẩm tiêu biểu, nổi trội của tỉnh, như: Khoai deo, nước mắm, hải sản khô, tiêu, mật ong, tinh bột nghệ, đũa gỗ, yến, cam, ổi, sản phẩm từ trà dược liệu đã có mặt hầu hết trên thị trường trong nước, đặc biệt là được các thị trường lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh ưa chuộng, một số sản phẩm đang xây dựng các thỏa thuận hợp tác để hướng đến xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Đến nay, khoảng hơn 60% các chủ thể kinh tế có sản phẩm OCOP 3 sao trở lên có doanh thu tăng bình quân 17%/năm, giá bán các sản phẩm OCOP tăng bình quân hơn 10%/năm, thu nhập của người dân khi tham gia mô hình OCOP tăng 30% so với trước khi tham gia. Qua đó, chương trình OCOP đã góp phần tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình nông thôn. |
Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Nguyễn Quốc Tuấn cho biết: Để sản phẩm được nhiều người biết đến và tìm được đầu ra dễ dàng, những năm qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ, triển lãm sản phẩm OCOP ở trong nước. Giai đoạn 2018-2024 đã tổ chức 18 lượt tham gia, trong đó có một số hội nghị quan trọng, được đánh giá cao với hàng trăm sản phẩm OCOP của tỉnh tham gia trưng bày.
Bên cạnh đó, sở phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh (Sở Công thương) triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương đối với sản phẩm OCOP trong và ngoài nước. Qua các sự kiện đã ký kết nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh, bao tiêu sản phẩm OCOP cho các doanh nghiệp, chủ thể tỉnh nhà với các doanh nghiệp nước bạn.
Ngoài ra, việc kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng của tỉnh vào hệ thống các siêu thị, chuỗi phân phối trong và ngoài tỉnh cũng được các đơn vị liên quan quan tâm thực hiện thường xuyên. Đến nay đã có nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh vào được các siêu thị và cửa hàng bán lẻ, như: Nước mắm chay Tuấn Linh, khoai deo Linh Huệ, miến sâm Bố Chính, mật ong Tuyên Hóa, nước mắm Ngọc Biển…; việc tuyên truyền, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản của địa phương trên các môi trường trực tuyến, thương mại điện tử được đẩy mạnh. Đến nay, Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Quảng Bình (www.quangbinhtrade.vn) đã hỗ trợ giới thiệu, quảng bá, sản phẩm cho trên 120 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh; trong đó bao gồm 35 sản phẩm của 35 đơn vị được công nhận sản phẩm OCOP.
Đ.Nguyệt
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202411/tiep-suc-cho-san-pham-ocop-2222188/