Quảng Bình xưa là chiến trường. Tuyến đầu của hậu phương xã hội chủ nghĩa (XHCN) miền Bắc đã trở thành “túi bom, rốn đạn” những năm tháng kháng chiến. Nhưng, đất và người trên quê hương của vị Đại tướng luôn bền gan, vững chí để tròn vai hơn sứ mệnh là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam anh hùng. Lịch sử đã gọi tên Quảng Bình và dường như điều đó, càng tô thắm thêm bản hùng ca của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Để hôm nay và mãi mãi mai sau sẽ là động lực, niềm tin, niềm tự hào mãnh liệt… để Quảng Bình vững bước trên con đường hội nhập và phát triển.
Dân quân xã Dương Thủy, huyện Lệ Thủy trong những năm kháng chiến
Lần giở những tập tài liệu tại bảo tàng tỉnh Quảng Bình, thảng thốt đến nghẹn ngào. Hai lần chiến tranh phá hoại, Đế quốc Mỹ đã cho hơn 8 vạn lần máy bay tham chiến, trút xuống hơn 1,5 triệu tấn bom đạn, hơn 14 vạn quả pháo… nơi “tuyến lửa” Quảng Bình. Những con số khô khốc ấy chưa thể tả hết, nói hết về những thảm khốc của cuộc chiến, nếu như không kể đến hàng vạn nóc nhà bị cháy và đánh sập, hàng chục nghìn người thương vong…
Tuyến đầu của hậu phương anh hùng
Bà Nguyễn Thị Kim Cũng (sinh năm 1942) ở phường Bắc Lý, TP. Đồng Hới (Quảng Bình) kể lại những năm tháng kháng chiến
Có mặt từ những buổi đầu “bom Mỹ trút trên mái nhà”, bà Nguyễn Thị Kim Cũng (sinh năm 1942) ở phường Bắc Lý, TP. Đồng Hới (Quảng Bình) vẫn không thôi ám ảnh. Ngồi tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhà nhỏ, bà Cũng đã nhiều lần nén chặt lòng mình. Tôi hiểu rằng, có lẽ bà đang hồi tưởng lại những đau thương, mất mát của một thời quê hương bị đạn bom giày xéo. Bà Cũng kể, quá khốc liệt. Khắp nơi la liệt hố bom, nhà cháy đổ, làng mạc xác xơ…
Xin được trích dẫn một đoạn trong lịch sử LLVT Nhân dân tỉnh Quảng Bình giai đoạn 1945-1975 để thấy rõ hơn sự khốc liệt của cuộc chiến. Trong cả hai lần chiến tranh phá hoại, Đế quốc Mỹ đã cho hơn 8 vạn lần máy bay các loại tham chiến, trút xuống hơn 1,5 triệu tấn bom, hàng vạn quả rốc-két, 14 vạn quả đạn pháo; giết hại 13.786 người, làm bị thương 22.456 người; phá hủy 99.712 nhà dân. Tính ra mỗi km2 hứng chịu 158 quả bom, 16 quả đạn pháo, 3 quả rốc-két; mỗi người ân chịu 574kg bom tạ…
Trong bom đạn ác liệt của kẻ thù, tiếng hô vang vọng của chính trị viên đại đội 3, tiểu đoàn 14 Nguyễn Viết Xuân “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”, đã trở thành khẩu hiệu bất tử, thể hiện tinh thần quyết đánh và quyết thắng của quân và dân ta trước cuộc chiến tranh phá hoại của kẻ thù.
Đại đội 22 Bộ đội địa phương Quảng Bình tham gia chiến đấu
Thế rồi cả Quảng Bình đã dấy lên phong trào chống Mỹ cứu nước. Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi làng xóm là một pháo đài… Đế quốc Mỹ đã vấp phải “bức tường thành” vững chắc của lòng can trường, sức mạnh đoàn kết của hơn 40 vạn Nhân dân Quảng Bình. Trong 8 năm chống chiến tranh phá hoại, quân dân Quảng Bình đã bắn rơi 704 máy bay Mỹ, 86 tàu chiến các loại cùng hàng ngàn lính Mỹ
Phong trào “Hai giỏi”: chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi đã trở thành phong trào thi đua sâu rộng trong toàn tỉnh, được Bác Hồ gửi thư khen ngợi. Trong khói lửa chiến tranh ác liệt, nhiều nhà máy của địa phương đã được xây dựng và đi vào hoạt động. Sản phẩm của gần 30 xí nghiệp quốc doanh và hàng trăm HTX tiểu thủ công nghiệp sản xuất ra đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ chiến đấu và tiêu dùng.
Hàng vạn người con ưu tú của quê hương, cũng đã tới khắp các mặt trận tham gia chiến đấu cùng với hơn 3.000 thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến làm nhiệm vụ tiếp vận tải thương trên những cung đường chiến lược.
Quảng Bình đã đánh trả hiệu quả các đợt chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ; và Quảng Bình cũng đã hoàn thành tốt sứ mệnh lịch sử, khi vừa là tuyến đầu của hậu phương XHCN miền Bắc, vừa là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam anh hùng.
Thanh niên đội cầu 1, thuộc Ty Giao thông đang khẩn trương hoàn thành cầu Lý Hòa ( Bố Trạch). Ảnh TL
Những cái chết hóa thành bất tử
Trong cuộc chiến một mất một còn ấy, đã có bao tấm gương dũng cảm quên mình vì độc lập, tự do của dân tộc. Họ đã ra đi giữa mùa xuân của cuộc đời để tên mình khắc vào đá núi, để những cái chết hóa thành bất tử, thành hồn thiêng sông núi.
Câu chuyện về 13 liệt sĩ thông tin dưới hang Lèn Hà, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) vẫn mãi lay động bao lớp hậu thế. Năm 1967, hang trở thành nơi đóng quân bí mật của trạm A69, Đại đội 9, Trung đoàn 134, Bộ tư lệnh Thông tin.
Trạm A69 có nhiệm vụ bảo đảm thông tin từ Hà Nội đến đường 9 – Nam Lào; giữ thông tin cho Binh trạm 12 ở cổng trời và Sư đoàn Phòng không 367, chuyên làm nhiệm vụ bảo vệ các trọng điểm trên tuyến đường giao thông huyết mạch từ Hương Khê (Hà Tĩnh) đến Tân Ấp (Quảng Bình)…
Di tích đền liệt sĩ Trường Sơn và bến phà Long Đại đã được xây dựng cầu mới khang trang
Nhưng bom Mỹ đã cướp đi cuộc đời của những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi. 13h25 ngày 2/7/1972, máy bay Mỹ ập tới bắn pháo khói vào nhà ăn của trạm A69 để chỉ điểm. Chưa đầy 5 phút sau, hai máy bay B52 bay đến ném ba quả bom vào hai đầu núi và một quả vào chính giữa hội trường.
Tiếp đó, chúng đánh bom phát quang, bom cháy, khu vực trạm bị bốc cháy dữ dội. Cuộc đánh phá diễn ra trong 5 phút, khiến trạm máy trên hang đá cao bị hư hỏng nặng, mạng cáp nhập đài và khoảng 1.500 m đường dây quanh khu vực bị đứt nát không làm việc được. 13 chiến sĩ hy sinh, trong đó có 10 cô gái.
Hang Tám Cô cũng là câu chuyện lịch sử đầy bi tráng của những anh hùng tuổi 20. Ngày 14/11/1972, máy bay Mỹ ném bom đánh sập một mảng núi, lấp cửa hang, trong đó có một tiểu đội TNXP, gồm 4 nam, 4 nữ. Trước mắt, để duy trì sự sống cho anh em trong đó, những người phía ngoài đã nấu cháo loãng, dùng ống tuy ô luồn vào kẽ hở rồi đổ cháo qua đường ống.
Khi luồn ống vào chừng 5 – 6 m, thấy ống tuy ô động đậy, anh em ghé vào nói lớn: “Trong ấy thế nào rồi?”, thì có tiếng đàn ông vọng ra: “Cứu các em với!”. “Suốt mấy ngày vật vã, nhưng anh em không tài nào kéo được hòn đá ra khỏi cửa hang. Đến ngày thứ 9 thì không còn nghe được tiếng kêu nữa…
Nguyễn Viết Xuân có lẽ là cái tên được nhắc đến nhiều, trở thành biểu tượng kiêu hùng trong những ngày Quảng Bình là tiền tuyến lớn của hậu phương XHCN miền Bắc. Trong trận chiến ngày 18/11/1964, đế quốc Mỹ đã huy động nhiều tốp máy bay đánh phá ác liệt vùng miền tây tỉnh Quảng Bình. Ngay đợt đầu, 3 chiếc máy bay F.100 bất ngờ lao vào trận địa của đại đội 3 do Nguyễn Viết Xuân chỉ huy.
Thời điểm ấy, anh Xuân là Chính trị viên đại đội 3, tiểu đoàn 14 pháo cao xạ, sư đoàn 325, Quân khu 4. Bất chấp hiểm nguy, với ý chí ngút trời đánh đuổi quân thù, Nguyễn Viết Xuân lao ra khỏi công sự, đứng bên khẩu đội 3 đĩnh đạc tỏ rõ khí phách và hô lớn: “Nhằm thẳng quân thù, bắn!”. Tiếng hô vang giữa làn đạn mịt mù đã trở thành mệnh lệnh của trận đánh hôm ấy, thành ý chí quật cường của quân dân ta những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ.
TLS