(QBĐT) – Trong những ngày Quảng Bình cờ hoa đón đợi dịp kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh (1604-2024), chúng tôi lại xuôi vào Nam, đi theo dấu chân người mở cõi năm nào-Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Càng đi, càng tự hào và càng trân quý tài đức, tấm lòng của người con xứ Quảng nơi mảnh đất phương Nam xa xôi. “Từ độ mang gươm đi mở cõi” đã ngót nghét hơn 325 năm, bao vùng đất, bao miền quê đã đổi thay cùng những đổi dời của lịch sử nhưng tình cảm, sự trân trọng, quý mến mà người dân Nam bộ dành cho ông vẫn nặng sâu như dòng Cửu Long miệt mài chảy mãi.
|
“Định rừng núi sông, lương dân đều được hưởng/Mở mang bờ cõi, thiên hạ thảy chung nhờ”, câu đối được đặt trang trọng tại đền thờ Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh tại phường Hiệp Hòa (TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) như gói ghém công lao sâu dày trong cả cuộc đời trọn nửa thế kỷ của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Với đôi bàn tay kinh lược, đôi bàn chân “khai sơn phá thạch”, ông đã mở mang bờ cõi phương Nam, dần định hình nên những vùng đất mỡ màu, trù phú. Trong những dáng phố, dáng làng và hình hài bao xứ cù lao của dải đất phương Nam hôm nay đều mang đậm dấu ấn của người đi mở cõi năm nào.
“Khai sơn phá thạch”
Trong hành trình xuôi vào Nam theo dấu chân người mở cõi, chúng tôi may mắn được gặp với nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, có hiểu biết uyên sâu về Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Nhắc đến vị quan thời Chúa Nguyễn, họ đều chia sẻ bằng tất cả sự hào hứng, trân trọng và tấm lòng thành kính.
Tiến sĩ (TS.) Đinh Văn Hạnh, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa-Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh là người con của quê hương Quảng Bình nên khi nghiên cứu về Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, ông có một niềm đam mê đặc biệt.
|
Theo ông, khoảng thời gian mà Nguyễn Hữu Cảnh đến với đất Nam bộ không dài nhưng dấu ấn vị danh nhân Quảng Bình để lại với vùng đất mới rất lớn lao. “Lịch sử ghi nhận ông là người đã xác lập chủ quyền quốc gia trên vùng đất Nam bộ, mở đường đưa dân vào khai đất mở làng, ổn định cuộc sống thuận hòa của các cộng đồng dân tộc, dàn xếp quan hệ láng giềng, giữ yên bờ cõi…
Tầm nhìn chiến lược, bước đi chắc chắn, cách làm mẫu mực của ông đã đưa công cuộc mở cõi thành công trọn vẹn. “Mang gươm đi mở cõi” nhưng chính nhân tâm hiếu hòa đã để lại cho hậu thế một vùng đất cá tính cùng nhiều bài học vĩnh cửu trong lịch sử phát triển của dân tộc”, TS. Đinh Văn Hạnh khẳng định.
Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh sinh năm Canh Dần 1650, tại phường Chiêu Tín, huyện Phong Lộc, tỉnh Quảng Bình (nay là xã Vạn Ninh, Quảng Ninh-P.V). Ông là cháu nội của quan Tham chiến Triều Văn hầu Nguyễn Triều Văn, là con trai của Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật.
Theo sử sách, gia tộc Nguyễn Hữu ở huyện Quảng Ninh từ đời Tham chiến Triều Văn hầu Nguyễn Triều Văn là một dòng họ có công lớn không chỉ đối với công cuộc khai thiết vùng đất Quảng Bình mà còn có công khai phá nhiều vùng đất khác, đặc biệt trong cuộc mở cõi về phương Nam. Truyền thống dòng tộc, quê hương đã hun đúc nên trong Nguyễn Hữu Cảnh một tinh thần thượng võ, nghĩa hiệp. Để rồi, suốt cuộc đời binh nghiệp của mình, bằng tài năng, đức độ, đi đến đâu, vị quan thời Chúa Nguyễn cũng để lại những dấu ấn trên vùng đất mới.
|
Năm 1692, Chúa Nguyễn phái Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống binh đem quân bình định biên cương. Đến năm 1693, khi bờ cõi đã được dẹp yên, theo lệnh chúa, ông lập ra Thuận Thành trấn. Những năm sau đó, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh được thăng chức Chưởng cơ, về lại Trấn thủ Bình Khương (Khánh Hòa ngày nay-P.V).
Dấu ấn đậm nét nhất trong cuộc đời binh nghiệp của ông bắt đầu từ năm 1698 khi ông làm Thống suất kinh lược xứ Đồng Nai. Tại xứ này, song song với việc khai hoang, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh thi hành ngay việc chia ranh, định vùng. Ông lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên (Biên Hòa ngày nay), lấy xứ Sài Côn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn (TP. Hồ Chí Minh ngày nay).
Sau nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu về Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, ông Trần Quang Toại, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Đồng Nai khẳng định, những quyết sách thời điểm ấy đều được Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh xử lý bằng tài năng và sự đức độ hiếm có. Đó là lý do mà vì sao người Việt, người Hoa hay người Khmer, ai ai cũng kính trọng và tôn thờ ông cho đến nhiều đời sau.
“Công lao của Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh đối với vùng đất Nam bộ là vô cùng to lớn. Ổn định được dân cư sau chiến tranh, phát triển được tình hình kinh tế, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp, khai hóa, khai hoang, tạo điều kiện lập làng, lập xã mới theo quy định của Chúa Nguyễn. Với những chính sách thuận với lòng dân nên cùng lúc, ông đã làm được hai việc: An dân và mở rộng bờ cõi phía Nam của nước Đại Việt. Đó là cơ sở quan trọng để các vua chúa triều Nguyễn sau này xác định được cương thổ của mình như hiện nay”, ông Trần Quang Toại cho biết thêm.
Quê hương muôn nẻo
Trải qua hơn 325 năm, nơi vùng đất Biên Hòa-Đồng Nai hay TP. Hồ Chí Minh ngày nay, dấu ấn của đôi bàn tay kinh lược của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vẫn còn đậm nét. Điều đó không chỉ thể hiện được tầm nhìn xa, trông rộng của vị quan nhà Nguyễn mà sâu thẳm là tấm lòng luôn hướng về quê hương, xứ sở.
|
Sau những đổi thay của lịch sử, sau những hào hoa, nhộn nhịp của vùng đất phương Nam vẫn đâu đó hình bóng của quê hương Quảng Bình khi mà mỗi tên đất, tên làng đều gắn với tên huyện Tân Bình của Quảng Bình thời kỳ đó. Trước đó, chữ Bình cũng được ông lấy để đặt tên cho Trấn biên Bình Khương, sau đó là Bình Thuận.
Riêng miền Đồng Nai, Gia Định không chỉ có một huyện mang tên Tân Bình mà rất nhiều thôn, xã, phường mang tên có chữ Bình hoặc Tân. Nhiều địa danh vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, như: Bình Tây, Bình Trị, Bình Triệu, Bình Chánh, Bình Điền, Tân Định, Tân Thuận, Tân Mỹ…
TS. Đinh Văn Hạnh cho rằng, việc Nguyễn Hữu Cảnh lấy tên quê hương để đặt tên cho vùng đất mới không chỉ thể hiện tình cảm của riêng tư ông dành cho quê cha, đất tổ mà còn hướng lưu dân về nguồn cội và ý thức dân tộc, “ly hương bất ly tổ”. Bởi, theo lời kêu gọi của ông, hàng vạn lưu dân của xứ ngũ Quảng (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Đức-Thừa Thiên Huế ngày nay-P.V) đã đặt chân đến mảnh đất phương Nam để khai đất, lập làng. Trong số này, đông dân nhất vẫn là vùng đất Quảng Bình quê hương ông. Điều đó cũng thể hiện tình cảm sâu nặng của Nguyễn Hữu Cảnh dành cho quê hương-mảnh đất giông bão, chiến tranh và cằn khô, đá sỏi. Đi vào Nam, tìm vùng đất mới cũng là để con bà con quê hương có được cuộc sống khấm khá hơn.
|
Gần gũi mà thân thương, nghe xa mà hóa gần, những tên đất, tên làng nơi mảnh đất phương Nam xa xôi như nhắc nhớ về công đức sâu dày của một người con đất Quảng trọn vẹn một đời vì nước, vì dân.
Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Đồng Nai Trần Quang Toại cho rằng: Qua những tồn nghi lịch sử, có thể đặt ra giả thuyết phải chăng ngoài nhiệm vụ mở mang bờ cõi phía Nam, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh còn có thêm một trọng trách khác? Đó là khảo sát, quan sát xem hoạt động của nhóm người Hoa ở Biên Hòa như thế nào, từ đó, tạo cơ sở để những năm sau, Chúa Nguyễn mở rộng bang giao với triều đình nhà Thanh. Đây có thể coi là một giả thuyết cần được khảo sát kỹ hơn, thậm chí mở rộng các đề tài nghiên cứu về lâu dài, bởi với lịch sử cần có cái nhìn đa chiều, khách quan. |
Nội Hà-Diệu Hương
Bài 2: Cù lao Phố nhớ người xưa
(*) Câu thơ trích trong bài thơ Nhớ Bắc của tác giả Huỳnh Văn Nghệ.
https://baoquangbinh.vn/chinh-tri/202405/quang-binh-hao-khi-420-nam-1604-2024-tu-do-mang-guom-di-mo-coi-bai-1-hanh-trinh-mo-coi-2218396/