Nhiều bộ phim “bom tấn” được quay tại Việt Nam như “Người tình”, “Đông Dương”, “Kong: Đảo đầu lâu”… đem đến hiệu ứng rất tốt cho Du lịch. Sự liên kết giữa hai ngành này sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam.
Quảng Bình đã giúp thúc đẩy du lịch tại 2 địa phương này” width=”1000″ height=”667″/> |
Bộ phim “Kong: Đảo đầu lâu” lấy bối cảnh tại Ninh Bình và Quảng Bình đã giúp thúc đẩy du lịch tại 2 địa phương này |
Thu hút nhà làm phim quốc tế thông qua các điểm du lịch
Tại Tọa đàm “Việt Nam – điểm đến mới của điện ảnh thế giới”, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng khẳng định, sức mạnh của điện ảnh không chỉ nằm ở giá trị nghệ thuật, mà còn ở khả năng lan tỏa văn hóa mạnh mẽ. Mỗi tác phẩm điện ảnh đều mang trong mình sứ mệnh quảng bá văn hóa đến bạn bè quốc tế.
Thực tế, khi một bộ phim nổi tiếng được quay tại một địa điểm đẹp, nơi đó nhanh chóng trở thành “mảnh đất vàng” để khai thác du lịch. Ông Hùng lấy ví dụ tại Hàn Quốc, bộ phim “Winter Sonata” đã biến đảo Nami thành một điểm đến nổi tiếng toàn cầu.
Điều này cũng đúng với Việt Nam, các bộ phim quốc tế như “Kong: Đảo đầu lâu” đặt bối cảnh tại Ninh Bình và Quảng Bình, không chỉ tạo ra doanh thu lớn cho nhà sản xuất phim, mà còn giúp hai địa phương này thu hút hàng triệu lượt khách du lịch sau khi bộ phim ra mắt.
Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình chia sẻ, điện ảnh đóng góp không nhỏ trong việc quảng bá danh lam thắng cảnh và giá trị văn hóa của địa phương. Năm 1992, bộ phim “Đông Dương” (Indochine), có một số cảnh quay ở Tam Cốc – Bích Động (Ninh Bình). Đông Dương là bộ phim quay tại Việt Nam thành công nhất khi giành giải Oscar cho phim nói tiếng nước ngoài hay nhất.
Chương trình Xúc tiến du lịch – điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ với chủ đề “Việt Nam – Điểm đến mới của điện ảnh thế giới” nhằm thúc đẩy quảng bá du lịch thông qua điện ảnh, khai thác hiệu quả du lịch từ điện ảnh, tạo đột phá trong công tác quảng bá xúc tiến du lịch.
Đồng thời, tăng cường quan hệ hợp tác trao đổi; thúc đẩy việc ký kết, cam kết triển khai có hiệu quả các văn bản thỏa thuận hợp tác về du lịch và điện ảnh giữa các cơ quan hữu quan, giữa các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác Hoa Kỳ, góp phần cụ thể hóa và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác du lịch và điện ảnh giữa hai nước.
– Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Nguyễn Trùng Khánh
Sau khi bộ phim được công chiếu, khu du lịch Tam Cốc – Bích Động được nhiều du khách quốc tế biết đến, nhất là khách du lịch Pháp. Hiện nay, khách du lịch Pháp, châu Âu chiếm 80% lượng khách đến Tam Cốc – Bích Động, làm thay đổi cơ cấu khách du lịch nơi đây. Ông Mạnh cho biết, Ninh Bình đang tiếp tục phối hợp với các đoàn làm phim, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ tối đa để thu hút nhiều hơn nữa các dự án phim quốc tế đến với địa phương.
Tương tự, tại Quảng Bình, sau khi 2 dự án phim quốc tế “Kong: Đảo đầu lâu” và một phần của “Planet Earth III” được quay tại đây, theo ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình, lượng khách trong nước lẫn quốc tế đã tăng chóng mặt so với những năm trước. Tỉnh đã tận dụng để tạo ra các sản phẩm du lịch, đưa du khách khám phá các điểm đến là bối cảnh của phim như Tú Làn, hang Va, động Thiên Đường, suối nước Mọc…
“Chúng tôi đã có bộ nhận diện thương hiệu để người xem phim nhận biết những cảnh này được quay ở Quảng Bình. Khi đến Quảng Bình cũng sẽ thấy phim trường của Hollywood”, ông Quý cho hay.
Về lâu dài, Nhà nước cần có chiến lược cho sự phát triển bền vững giữa du lịch và điện ảnh. Đặc biệt là việc tạo mối liên kết giữa Doanh nghiệp du lịch – Nhà hoạt động điện ảnh – Địa phương – Cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với điện ảnh để thu hút các nhà làm phim thế giới và du khách quốc tế đến Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong cho biết: “Chiến lược phát triển từng ngành chúng ta đã có, luật pháp chúng ta đã xây dựng, tới đây, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ VHTTDL phối hợp với các ngành làm đầu mối để tham mưu xây dựng chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045”.
Cũng theo ông Phong, nhiều vấn đề như chính sách thuế và các quy định pháp luật cần được điều chỉnh để tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ phát triển. Cùng với đó, phải có quy chế phối hợp hai bên chiều ngang và chiều dọc giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, hiệp hội điện ảnh, hiệp hội du lịch… tạo ra sự phát triển bền vững. Có lộ trình mang tính chiến lược bài bản, kết hợp từ xây dựng sản phẩm, quảng bá xúc tiến, đến các chính sách cần thiết.
Hoa Kỳ – thị trường tiềm năng của điện ảnh Việt Nam
Từ ngày 21 đến ngày 28/9/2024, Bộ VHTTDL sẽ tổ chức Chương trình xúc tiến Du lịch – Điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ, với chủ đề “Việt Nam – Điểm đến mới của điện ảnh thế giới”. Chương trình sẽ quảng bá điểm đến du lịch, tiềm năng bối cảnh quay phim, thu hút các hãng phim Hollywood – kinh đô điện ảnh thế giới đến Việt Nam ghi hình các bộ phim có sức hút lớn, thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Thứ trưởng Hồ An Phong thông tin, trong chuyến xúc tiến du lịch – điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ sắp tới, Bộ VHTTDL đặt ra một số mục tiêu như sau.
Thứ nhất, đây là cơ hội để giới thiệu về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, bối cảnh làm phim, du lịch, hợp tác… Bộ sẽ tiến hành quảng bá gắn liền với các sản phẩm du lịch, văn hóa, thương hiệu quốc gia.
Thứ hai, tập trung vào sự kết nối doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm chủ thể. Bước đầu, có 5 hợp đồng sẽ được ký kết trong chuyến xúc tiến. Trong đó, các địa phương cam kết bảo trợ và có cơ chế hỗ trợ các đoàn làm phim Hoa Kỳ.
“Việt Nam có nhiều tiềm năng, nhưng cũng tồn tại một số điểm nghẽn, chưa bắt nhịp với dòng chảy chung, do đó cần những chính sách cụ thể. Với chương trình xúc tiến du lịch – điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ sắp tới, Nhà nước có vai trò dẫn dắt, tạo điều kiện để doanh nghiệp, người làm phim, người làm du lịch, người làm hàng không, vận tải… của hai quốc gia kết nối và có cam kết cụ thể với nhau”, Thứ trưởng Hồ An Phong nhìn nhận.
https://baodautu.vn/viet-nam—diem-den-moi-cho-cac-du-an-dien-anh-quoc-te-d225215.html