Khoảng 420 ngôi nhà tại xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa đã chìm sâu trong biển nước do ảnh hưởng bởi cơn bão số 4. Hiện hầu hết người dân tại “làng Du lịch tốt nhất thế giới” đều an toàn nhờ vào sáng kiến nhà phao.
Theo thông tin từ Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Bình, từ khuya ngày 19 đến 20/9, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Trung Bộ nên vùng biển Quảng Bình có mưa rào và dông, khiến một số khu vực tại Quảng Bình bị ngập lụt sâu, trong đó nặng nhất là khu vực xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa khi nơi đây ghi nhận mực nước lũ dâng cao gần 2m, làm hơn 420 ngôi nhà tại xã Tân Hóa chìm sâu trong biển nước.
Cập nhật về tình hình tại xã, ông Trương Thanh Duẫn – Chủ tịch UBND xã Tân Hóa cho biết, mặc dù bị ngập lụt diện rộng nhưng hầu hết người dân tại làng Tân Hoá vẫn an toàn bởi trước đó để chủ động phòng chống cơn bão số 4, xã Tân Hóa đã nhanh chóng chỉ đạo người dân chuyển đồ đạc lên “nhà phao” để tránh lũ, cũng như tích trữ lương thực thực phẩm đầy đủ cho khoảng năm ngày.
Được biết, mô hình nhà phao chỉ mới được xã Tân Hóa áp dụng vào những năm gần đây, mô hình này đặc biệt ở chỗ khi nước lũ dâng cao, ngôi nhà sẽ tự động nổi lên theo mực nước, vì vậy mà tính mạng người dân cũng như tài sản của họ đều sẽ được bảo toàn. Nhà phao tại đây hầu hết được làm bằng tôn cách nhiệt, phía dưới nhà phao là nhiều thùng phuy rỗng giúp nâng trọng lượng nhà khi nước dâng, đồng thời người dân cũng bố trí thêm các cây cột sắt xung quanh để cố định vị trí căn nhà tránh lũ cuốn.
Tân Hoá là xã miền núi có địa hình dạng lòng chảo, được bao bọc bởi dãy núi đá vôi và vùng thấp dưới thượng nguồn của sông Rào Nan, vì vậy mà nước lũ sẽ đổ dồn từ thượng nguồn xuống Tân Hóa, cộng với việc hệ thống thoát nước tại đây khá chậm nên hằng năm cứ từ tháng 9 đến tháng 11, vùng đất này sẽ chịu cảnh ngập lụt nặng, đây cũng là lý do mà Tân Hoá được xem là “rốn lũ” của vùng Tây Bắc. Vì lẽ đó mà trước đây, cuộc sống của người dân Tân Hóa luôn gặp rất nhiều khó khăn.
Nhưng từ khi triển khai mô hình nhà phao, người dân đã không cần phải di dời lên vùng cao hơn, cuộc sống sinh hoạt của họ cũng dần được cải thiện. Theo thời gian, các hộ dân đã thích ứng với việc “sống chung với lũ”, thậm chí còn biến nguy thành cơ khi tận dụng dòng nước lũ dâng cao để tạo ra nhiều hoạt động độc đáo như chèo thuyền kayak, lưu trú trên nhà nổi… thu hút đông đảo lượng khách đến tham quan và trải nghiệm.
https://vntravel.org.vn/vung-ron-lu-quang-binh-ngap-sau-trong-bien-nuoc-do-bao-so-4-a5680.html