(QBĐT) – Thực ra khu dân cư này có một cái tên khá đẹp-xóm Bàu Mây thuộc thôn Pháp Kệ, xã Quảng Phương (Quảng Trạch) nơi sinh sống của 9 hộ dân. Ngày xưa, Bàu Mây khá sầm uất khi hội đủ các thế hệ: Trẻ con, thanh niên, người già. Còn bây giờ… xóm chỉ toàn người già! Cuộc sống mưu sinh cuốn người trẻ xa mãi tận phương Nam, thành ra Bàu Mây khiến cư dân gọi bằng một cái tên khá buồn là xóm “cô đơn”.
Nỗi niềm Bàu Mây
Từ trung tâm huyện Quảng Trạch, theo tuyến đường nhựa rộng thoáng phía sau Trường THPT Nguyễn Bỉnh Kiêm, tôi tìm lối về xóm Bàu Mây. Đang băn khoăn giữa nhiều ngã rẽ, chợt thấy một phụ nữ người trùm kín mít từ cánh đồng bước lên. Gặp tôi, chị hỏi: “Chú đi mô?”. Trả lời: “Dạ! Vô thăm xóm Bàu Mây”. “Rứa thì đây rồi. Gọi xóm “cô đơn” chứ Bàu Mây chi!”.
Tôi tò mò: “Răng gọi “cô đơn” rứa chị?”. Tiếng chị không vui, chẳng buồn: “Thì toàn phụ nữ, người già. Thanh niên thoát ly vào miền Nam hết rồi”. “Vì răng thoát ly?”. “Đi làm ăn, chứ ở đây kiếm chi mà ăn!”. Hỏi sao chị rành về Bàu Mây vậy. Chị cười sau vành khăn che mặt: “Vì tui là cư dân xóm này!”.
Chị kể: Bàu Mây có 9 hộ dân, khoảng 17 nhân khẩu. Sở dĩ có tên gọi xóm “cô đơn” ngoài lý do toàn người già, phụ nữ còn có nguyên nhân khác. Trong 9 hộ dân, chỉ có 4 nhà đủ vợ, đủ chồng… còn lại là thiếu đôi, thiếu đũa, đơn thân. “Chú không tin, cứ vô vài nhà mà hỏi”, trước khi chia tay tôi, chị nhắn nhủ.
|
Dọc theo con đường đất bời bời cỏ dại dẫn vào Bàu Mây, tôi ghé thăm xóm. Nhắm đại ngôi nhà đầu tiên gõ cửa tìm người bắt chuyện. Chủ nhà tên Tạ Thị Dung (SN 1968), một phụ nữ đơn thân. Chị nói lâu lắm mới có người lạ đến thăm. Kể về gia cảnh mình, chị Dung đắng đót: “Tình duyên tui lận đận. May mắn vẫn kiếm được hai đứa con đủ nếp, đủ tẻ nương tựa lúc cuối đời. Nhưng giờ con cái cũng thoát ly khỏi xóm ni rồi”.
Con đầu chị Dung tên Phan Thị Vân (SN 1987), giáo viên Trường tiểu học Đức Trạch (Bố Trạch), lấy chồng, neo đậu lại quê chồng ở xã Đồng Trạch. Con trai út Phan Văn Phước (SN 1998) học xong THCS theo bạn bè vào tận tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu làm ăn… Con cái đi xa, chị Dung một mình lam lũ với 3 sào ruộng, chăn nuôi thêm con gà, con vịt, đủ đắp đổi qua ngày. “Cuộc sống không nghèo, nhưng chẳng giàu…”, như lời chị chia sẻ.
Đi thêm một đoạn đường ngập tràn cỏ dại, tôi ghé ngôi nhà thứ hai. Chủ nhà tên Nguyễn Thị Thương (SN 1957). Chị Thương có chồng tên Tạ Đằng (SN 1953, mất năm 2009). Hơn chục năm nay, trong ngôi nhà nhỏ xám mốc theo thời gian chỉ một mình chị vào ra. Chị Nguyễn Thị Thương có 4 người con, nay chẳng còn ai bám trụ lại Bàu Mây với mẹ.
Con gái đầu Tạ Thị Thanh Hương (SN 1979), giáo viên Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật Quảng Xuân; con gái thứ hai Tạ Thị Hồng Nghĩa (SN 1982), giáo viên ở Lệ Thủy; Tạ Khắc Lai (SN 1986), bộ đội Vùng 2 Hải quân ở Đà Nẵng; cậu út Tạ Hữu Lịch (SN 1988) trôi dạt tận phương Nam. “Nuôi con trưởng thành, bố mẹ nào chẳng muốn con cái gần bên mình, chăm sóc lúc ốm đau, trái gió trở trời. Nhưng ở lại với Bàu Mây thì làm gì mà ăn trên mảnh đất nghèo nên phải chấp nhận cho chúng thoát ly thôi!”, chị Thương tâm sự.
Ước mơ về một con đường
Tôi hỏi cư dân Bàu Mây cần gì nhất, ai cũng trả lời không chút do dự: Một con đường bê tông nối từ đường vành đai vào xóm. Mấy chục năm nay, lối vào xóm đắp bằng đất, lầy lội về mùa mưa, bụi bặm lúc mùa khô. Chị Tạ Thị Dung giải thích vì sao đường giao thông nội xóm toàn cỏ mọc: “Bà con không phải lười nhác chi mô để đến nỗi chẳng vệ sinh, phong quang lối xóm. Để cỏ mọc như rứa giúp giữ đường khỏi bị xói lở, chống lầy lội, hạn chế bụi bặm”.
Xóm Bàu Mây phía Bắc giáp thôn Phù Lưu, xã Quảng Lưu (Quảng Trạch). Phía Nam giáp rú Bụi Mưng, phía Đông là đồi cát trải dài, phía Tây cạnh đồng ruộng. Trước đây, giao thông của xóm phụ thuộc vào tuyến đường nối với thôn Đông Dương của xã Quảng Phương. Theo chị Tạ Thị Dung, chỉ cần Nhà nước quan tâm đầu tư làm đường bê tông hoặc cấp phối trục đường chính: Tuyến nối từ nút giao thông của huyện Quảng Trạch (đầu nhà hộ ông Tạ Văn Trung) đến lối vào nhà ông Ngô Văn Ân; nhánh còn lại nối từ ngã tư đường vành đai vào nhà bà Tạ Thị Lý, Nguyễn Thị Thương đến nhà ông Tạ Văn Thắng… chiều dài trên dưới 1km, còn các tuyến xương cá người dân tự làm lấy. Như vậy, sẽ giúp bà con thuận lợi trong phát triển kinh tế, giao thương đi lại.
Chủ tịch UBND xã Quảng Phương Lê Hồng Việt chia sẻ: Nguyện vọng về một con đường bê tông vào xóm Bàu Mây của người dân là rất chính đáng, tuy nhiên hiện tại ngân sách xã đang rất khó khăn nên chưa thể thực hiện. Trong tương lai, khu vực Bàu Mây sẽ được UBND huyện Quảng Trạch quy hoạch phát triển thành khu Du lịch sinh thái, xóm Bàu Mây nằm trong vùng quy hoạch sẽ có nhiều thuận lợi để phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế-xã hội. |
Trưởng thôn Pháp Kệ Trần Văn Tiến cho biết: Xóm Bàu Mây có số lượng dân cư ít, được xem là địa bàn “vùng sâu, vùng xa” của xã Quảng Phương, thế nhưng bà con luôn chấp hành đầy đủ các khoản đóng góp hàng năm. Con em làm ăn xa luôn hướng về quê hương, hưởng ứng tích cực các cuộc vận động mà chính quyền phát động. Việc sống chung với thiếu thốn, khó khăn vì đường sá đang tạm bợ… thiệt thòi rất lớn cho bà con nơi đây.
Trong rất nhiều khoản đóng góp theo quy định hàng năm mà người dân xóm Bàu Mây “khoe” với tôi có khoản xây dựng cơ sở hạ tầng 300 nghìn đồng/hộ, bà con chấp hành tốt từ nhiều năm nay. Nhắc đến số tiền này, chị Nguyễn Thị Thương bộc bạch: “Tất cả vì mục tiêu xây dựng Quảng Phương trở thành xã nông thôn mới, hệ thống đường giao thông chỗ mô cũng khang trang, rộng thoáng cả, chỉ có xóm Bàu Mây là phải chờ từ năm ni qua năm khác mà chẳng biết lúc mô có. Bà con hỏi thôn, hỏi xã thì được trả lời là ngân sách hạn hẹp, không có kinh phí để đầu tư…”.
Rời Bàu Mây lúc chiều tà, thấy khu dân cư khuất dần sau màu xanh hoang hoải. Ước mơ về một con đường khang trang xem ra còn dài, thật dài. Mong rằng trong tương lai gần sẽ thành hiện thực, cho Bàu Mây thoát khỏi cảnh “vùng sâu, vùng xa”, thôi không còn là xóm “cô đơn” nữa.
Thanh Long
https://baoquangbinh.vn/xa-hoi/202410/xom-co-don-2221638/